Sập bẫy lừa từ những “bánh vẽ” trên không gian mạng

Tội phạm lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi

Thứ hai, 04/11/2024 08:00

Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng diễn ra khá phổ biến, với mật độ thường xuyên, liên tục, gây ra nỗi bức xúc, lo lắng cho người dân. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau và lừa đảo xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Cơ quan Công an tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội. Khi có thắc mắc, người dân hãy liên hệ trực tiếp cơ quan Công an.
Cơ quan Công an tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội. Khi có thắc mắc, người dân hãy liên hệ trực tiếp cơ quan Công an.

Mặc dù lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã tăng cường công tác tuyên truyền về các thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và qua điện thoại nhưng vẫn có nhiều người dân “nhẹ dạ cả tin” bị lừa mất tài sản lớn. Đơn cử, tại địa bàn quận Thanh Khê (Đà Nẵng), chỉ trong ngày 27-10, cơ quan Công an liên tục nhận được 2 thông tin trình báo về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Facebook.

Cụ thể, quá trình sử dụng mạng xã hội facebook, chị Nguyễn T.Đ. (1979, trú Q. Thanh Khê) nhận được điện thoại và tin nhắn của một người có tên “Mai Tuấn Duy” tư vấn gói “”Tham vấn phúc lợi” sẽ được hưởng lãi suất. Sau đó, chị được hướng dẫn chuyển tổng cộng 402 triệu đồng vào 2 tài khoản ngân hàng có tên CONGTY TNHH DAUTUVN WONDERS PHU QUOC và CONGTY TNHH THUONG MAI DICH VU VINES. Thế nhưng khi chị Đ. rút tiền ra lại thì không được. Biết mình bị “sập bẫy” nên chị Đ., chỉ còn biết nhờ cơ quan Công an truy tìm giúp kẻ lừa đảo.

Tương tự, anh Mai V.H. (1979, trú Q.Thanh Khê) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0899164… của một người tự xưng là “Lê Anh Tài”, công tác tại Chi cục Thuế quận Thanh Khê. Người này yêu cầu anh H., kết bạn zalo để được hướng dẫn khai báo thuế. Sau khi kết bạn, đối tượng đã gửi một đường link để anh H. truy cập thực hiện các thao tác chứng minh trong tài khoản có đủ vốn điều lệ. Sau đó, anh H. đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của mình. Mỗi lần thực hiện chuyển tiền, ngân hàng đều yêu cầu anh H. quét khuôn mặt để thực hiện hồ sơ. Đến lần chuyển tiền thứ tư, anh H. mới phát hiện điện thoại của anh bị người khác chiếm quyền điều khiển từ xa. Lúc ấy, tổng số tiền anh H. đã chuyển là 250 triệu đồng. Khi phát hiện ra “sự cố” mình bị lừa, anh H. đã nhanh chóng đến cơ quan Công an trình báo.

Hay như trường hợp của bà Nguyễn T.S., (1987, trú Q. Thanh Khê), cũng thông qua mạng xã hội Facebook, bà được một người tên là Phạm Mạnh Cường, tự xưng là Phó ban quản lý dự án Công ty Xây dựng Conteecom, giới thiệu một dự án đầu tư và đề nghị bà S., góp vốn để hưởng lợi nhuận sau 15 ngày. Do cả tin, bà S. đã chuyển khoản theo yêu cầu của Cường tổng cộng 550 triệu đồng vào 2 tài khoản ngân hàng mang tên CONGTY TNHH MANG CONG NGHE MIN TEX. Sau 15 ngày đến kỳ hạn, đinh ninh mình sẽ nhận được khoản lợi nhuận đáng kể nên bà S. tiến hành rút tiền thì được thông báo bà không phải nhân viên công ty nên không được rút, đồng thời yêu cầu bà S., nộp thêm tiền. Đến lúc này biết mình bị lừa nên bà S. đã đến cơ quan Công an để trình báo.

Người dân cần tuân thủ nguyên tắc “3 không”

Cơ quan Công an đã chỉ ra 16 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để người dân nâng cao cảnh giác. Đó là, giả danh Công an, Viện Kiểm sát; lừa tình, lừa tiền từ thiện; lừa đảo mua bán hàng trực tuyến; giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ kỹ thuật; lừa đảo qua hình thức trúng thưởng; hack Facebook, zalo lừa đảo mượn tiền; lừa đảo tìm người làm việc nhà; mạo danh công ty tài chính lừa vay; mạo danh công ty Bảo hiểm xã hội cố tình chuyển khoản để ép vay; lừa đảo nâng cấp sim 4G; lập sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán; lừa đảo cho “số lô, số đề”; làm nhiệm vụ qua ứng dụng, tuyển cộng tác viên; giả danh cán bộ viễn thông, cục văn thư; giả mạo lãnh đạo tỉnh, sở, ngành… Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người dân bị “thao túng tâm lý” rồi mất tiền oan do thiếu kiến thức và sự hiểu biết về an ninh mạng.

Trước tình hình trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Người dân tuân thủ theo nguyên tắc “3 KHÔNG”: Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng qua điện thoại, tin nhắn hay email; Không truy cập đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc. Không tải về những app không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân. Khi thực hiện thanh toán hóa đơn trực tuyến cần truy cập trực tiếp vào website hoặc ứng dụng chính thức của công ty điện lực.

Đối với những cuộc gọi xưng là Công an, Viện kiểm soát, Tòa án… liên hệ qua điện thoại để yêu cầu xử lý công việc, người dân cũng tuyệt đối không cung cấp thông tin hay làm theo yêu cầu của các đối tượng liên hệ qua điện thoại; mọi thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp tới trụ sở Công an gần nhất để được hướng dẫn và giải đáp. Vì cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội. Đặc biệt khi phát hiện bị lừa đảo hoặc nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần ngay lập tức trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ.

PHƯƠNG KIẾM

Bắt đối tượng lừa đảo bán xe cũ giá rẻ trên mạng xã hội để chiếm đoạt từ 1 đến 50 triệu đồng/1 trường hợp

Ngày 31/10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Lộc (SN 2003), trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dùng thẻ nhà báo giả, hai đối tượng đi “tác nghiệp” rồi đe dọa để tống tiền

Dùng thẻ nhà báo giả, Hoàng Công Trình và Đặng Hữu Biểu tự giới thiệu là nhà báo của một Tạp chí có địa chỉ tại Hà Nội. Sau đó, hai đối tượng này đến công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An để “tác nghiệp” rồi biên soạn tin, bài phản ánh sai phạm và gửi lại công ty, doanh nghiệp nhằm đe dọa, yêu cầu tống tiền để được bỏ qua.

Bắt nữ thầy bói online lừa đảo 28 tỷ đồng

Nữ thấy bói online đã lừa đảo bằng chiêu cúng giải hạn, giải bùa, trục vong… chiếm đoạt của nhiều người 28 tỷ đồng. Công an vừa bắt nữ thầy bói và đang tìm bị hại để phục vụ điều tra.