Cảnh giác với những chiêu lừa

Thứ sáu, 25/08/2017 10:00

Mới sáng sớm, bà H.T.H. đang ở nhà trong một con hẻm nhỏ trên đường Hà Huy Tập, TP Đà Nẵng thì nhận được một cuộc điện thoại giọng nữ gọi đến máy bàn, tự giới thiệu là nhân viên Viettel. Nội dung được người này trình bày là yêu cầu bà H. đóng tiền cước tháng 6-2017 với tổng số 8,9 triệu đồng. Thấy số tiền quá lớn nên bà H. nghi có sự nhầm lẫn và yêu cầu cô nhân viên kiểm tra lại thì nhận được câu trả lời “Số điện thoại bàn này có một người ở TPHCM dùng và đứng tên bà H.”. Ngay sau đó, cô nhân viên này đã nối máy cho bà H. gặp một người đàn ông tự xưng là cán bộ CATPHCM đang điều tra một vụ án liên quan đến tội phạm ma túy, rửa tiền và nghi vấn bà H. có dấu hiệu liên đới đến vụ việc trên.

Cũng thông qua cuộc đàm thoại này, người đàn ông này đã yêu cầu bà H. rút hết số tiền ở ngân hàng A là  293.907.000 đồng chuyển vào tài khoản 1903... của một ngân hàng khác mang tên bà B.T.A., đồng thời yêu cầu bà H. phải tuyệt đối giữ bí mật về vấn đề này và cho biết “15 giờ chiều cùng ngày sẽ gọi lại. Nếu bà H. không liên quan đến vụ án sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền nói trên”. Đinh ninh đó chỉ là sự nhầm lẫn, bởi vì từ trước đến nay bà H. không có vấn đề nào liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật nên bà H. đã chuyển số tiền trên theo yêu cầu của người tự xưng là cán bộ CATPHCM vào tài khoản mang tên bà B.T.A. và chờ kết quả trả lời. Thế nhưng đến 15 giờ cùng ngày và một khoảng thời gian dài sau đó, bà H. chờ đến mỏi mòn vẫn không nhận được cú điện thoại nào như đã được hẹn trước đó. Lúc này, bà H. mới nhận ra mình bị lừa nên đã đến báo cáo sự việc cho các cơ quan chức năng. Việc bà H. bị lừa diễn ra cách đây hơn một tháng.

Có thể nói sự nhẹ dạ cả tin của một số người đã bị kẻ khác lợi dụng để trục lợi một cách hết sức tinh vi. Theo ghi nhận của người viết, thời gian qua, tại TP Đà Nẵng đang nổi lên loại tội phạm sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Điển hình như vào khoảng tháng 9-2016, Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Đà Nẵng (PC46) xác lập Chuyên án CNC916 để đấu tranh và bắt giữ đối tượng Hồ Tấn Duy Linh (25 tuổi) và Huỳnh Văn Trung (21 tuổi, cùng quê H. Duy Xuyên, Quảng Nam) sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đặt người khác làm các trang web đăng nội dung trúng thưởng và số điện thoại để bị hại liên lạc, sau đó yêu cầu mua thẻ cào điện thoại nộp vào tài khoản của các trang web do chúng đặt ra hoặc đọc số seri và mã thẻ cào để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Qua điều tra, cơ quan CA đã xác định các đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 100 người ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng. Hoặc như vụ Nguyễn Hùng Dương (23 tuổi, quê Triệu Phong, Quảng Trị) đã bị PC46 CATP Đà Nẵng bắt giữ vào năm 2016. Dương đã sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chiếm quyền quản trị tài khoản của hơn 100 người để sau đó nhờ nạp thẻ cào điện thoại với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 2 tỷ đồng. Gần đây nhất, vào ngày 27-6-2017, Phòng CSKT CATP Đà Nẵng cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Trường Xuân (19 tuổi, quê H. Duy Xuyên) để làm rõ hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Kể từ tháng 12-2015 đến ngày bị bắt, Xuân khai nhận đã lập 6 trang web giả để lừa đảo được hơn 1.400 thẻ cào điện thoại và hơn 66.000 tài khoản trò chơi điện tử với số tiền chiếm đoạt ước tính hơn 14 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng thủ đoạn giả danh nhân viên bưu điện và cơ quan CA để khống chế, đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trường hợp bà H.T.H. là một ví dụ.

Vấn đề đặt ra ở đây là mỗi người phải rất tỉnh táo trước những thông tin do các đối tượng lừa đảo đưa ra nhằm gài bẫy, đồng thời phải hết sức cảnh giác với những chiêu trò ngày càng tinh vi của loại tội phạm công nghệ cao này.

PHƯƠNG KIẾM