TỔ CÔNG NGHỆ SỐ CỘNG ĐỒNG:

Cánh tay đắc lực triển khai chuyển đổi số

Thứ tư, 27/11/2024 09:40

Tổ Công nghệ số Cộng đồng (CNSCĐ) được tổ chức triển khai thành lập từ năm 2022 để thực hiện chủ trương Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cuối năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng tham mưu thực hiện hợp nhất giữa Tổ CNSCĐ và Tổ triển khai Đề án 06, thành Tổ CNCSĐ và Đề án 06.

"Tổ hỗ trợ công dân lưu động" đến nhà của người dân để hỗ trợ các thao tác sử dụng ứng dụng.
Người dân được hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng các ứng dụng tại “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số tại thôn Tà Lang” (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Đến nay 100% phường xã trên địa bàn thành phố đã củng cố, thành lập Tổ CNSCĐ và Đề án 06 với 2.531 tổ và 15.862 thành viên. Mỗi Tổ CNSCĐ và Đề án 06 có từ 7 thành viên trở lên là tổ trưởng tổ dân phố và thành viên bao gồm Công an khu vực, đoàn viên thanh niên, Hội phụ nữ, nông dân, những người am hiểu về CNTT, có tinh thần đóng góp tại địa phương.

Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người, Tổ CNSCĐ và Đề án 06 đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 96% (vượt chỉ tiêu toàn quốc năm 2023 là 80%), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 94% (vượt chỉ tiêu toàn quốc năm 2023 là 60%), khoảng 90% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử, 45% dân số trưởng thành có tài khoản công dân số...

Chị Thanh Nhuận, Tổ trưởng tổ dân phố 5, P. Nam Dương cùng nhiều hộ dân khác tại khu vực P. Nam Dương, Q.Hải Châu, Đà Nẵng cho biết: Tổ CNSCĐ của tổ, của phường đã hỗ trợ cho người dân tại địa phương rất nhiều, hướng dẫn nhiều hộ dân sử dụng các nền tảng số, ứng dụng dùng chung của thành phố, kỹ năng hoạt động an toàn trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến. Hiệu quả nhất là cách triển khai của Tổ CNSCĐ thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc với mô hình hoạt động tiêu biểu, điển hình "Điểm ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại thôn Tà Lang" và Tổ CNSCĐ và Đề án 06 Khu dân cư Đông Xuân 3, phường An Khê, mô hình hoạt động tiêu biểu, điển hình "Tổ hỗ trợ công dân lưu động". Ngoài ra, một số mô hình khác như: Tuyến đường số do Tổ CNSCĐ và Đề án 06 xã Hòa Châu triển khai tại Tuyến đường Bàu Cầu 3, thôn Bàu Cầu, xã Hòa Châu, Mô hình "Tổ hỗ trợ công dân lưu động" do UBND P. An Hải Bắc triển khai 106/106 Tổ CNSCĐ trên địa bàn phường.

"Tổ hỗ trợ công dân lưu động" đến nhà của người dân để hỗ trợ các thao tác sử dụng ứng dụng.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ CNSCĐ và Đề án 06 tổ 61 khu dân cư Đông Xuân 3, phường An Khê, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng chia sẻ: "Xác định Tổ dân phố là nơi gần dân, sát dân nhất, vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải nắm bắt nhanh và kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người dân. Từ đó, chúng tôi đã cùng hệ thống cấp ủy, ban ngành đoàn thể khu dân cư đã quyết tâm từng bước khắc phục những khó khăn, thắc mắc hay bức xúc của người dân".

Anh Đinh Văn Hin - Tổ trưởng Tổ CNSCĐ và Đề án 06 thôn Tà Lang - Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng chia sẻ thêm: Thôn Tà Lang có đa số đồng bào Cơ Tu sinh sống, người dân tại đây còn khó khăn. Việc tiếp nhận thông tin cũng như tiếp cận các kênh thông tin còn hạn chế. Để hỗ trợ người dân, chúng tôi đã được tham gia tập huấn nhiều về công tác Chuyển đổi số do các cấp hướng dẫn, từ đó, hình thành nên Tổ CNSCĐ, tổ chức hỗ trợ bà con trong quá trình tiếp cận các ứng dụng số. Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã đề xuất UBND xã Hòa Bắc ra mắt mô hình “Điểm ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại thôn Tà Lang”.

HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ và Đề án 06 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Đà Nẵng hỗ trợ hoạt động cho Tổ CNSCĐ và Đề án 06 trên địa bàn thành phố với mức tối đa là 3 triệu đồng/tổ/năm nhằm hỗ trợ nước uống, xăng xe cho các thành viên, tối đa là 50 nghìn đồng/ngày/người. Đồng thời, cũng chi hỗ trợ mua các gói dịch vụ viễn thông, liên lạc, văn phòng phẩm, in ấn phục vụ hoạt động của Tổ CNSCĐ và Đề án 06 trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố.

Việc ban hành Nghị quyết này của Đà Nẵng cho thấy thành phố rất quan tâm hỗ trợ và phát triển Tổ CNSCĐ, góp phần nâng cao năng lực công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng cho biết thêm: Quá trình hình thành Công dân số, cùng với các lĩnh vực liên quan chuyển đổi số (Xã hội số, Kinh tế số, Chính quyền số và Công dân số), các Tổ CNSCĐ tại địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Các Tổ CNSCĐ chính là mắt xích quan trọng, trực tiếp đưa các ứng dụng đến với người dân, góp phần triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản và tạo ra nhiều giá trị thiết thực. Tuy nhiên, khi triển khai, không thể cứng nhắc được, phải phù hợp với điều kiện sinh hoạt, thời gian làm việc của người dân của từng địa phương mới đưa công nghệ số đến với người dân được. Đơn cử, 2 mô hình ("Tổ hỗ trợ công dân lưu động" và “Điểm ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại thôn Tà Lang”) được Sở TT&TT đánh giá cao, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác chuyển đổi số tại Đà Nẵng.

"Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông kỳ vọng các Tổ CNSCĐ cần chủ động lựa chọn mô hình phù hợp với từng khu vực sinh sống để đưa người dân tiếp cận nhanh nhất việc sử dụng công nghệ số, các nền tảng số "Make in Việt Nam", triển khai mạng lưới công nghệ số tại Đà Nẵng một cách hiệu quả, thiết thực" - ông Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Lê Anh Tuấn