"Cáo mượn oai hùm!"
(Cadn.com.vn) - Không giấy phép kinh doanh, chẳng bằng cấp chuyên môn gì dính líu đến sư phạm, nhưng với mã hào nhoáng của các “thương hiệu” chất lượng cao, uy tín, lạm dụng danh nghĩa của các giáo sư, giảng viên có tên tuổi của các Trường ĐH Bách khoa, Sư phạm, Ngoại ngữ và các trường THPT danh tiếng khác như Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh..., các trung tâm gia sư (TTGS) cứ mọc lên như nấm sau mưa, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung, nhất là với bậc tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS). Song, điều đáng nói là không có cơ quan nào quản lý hoạt động của các trung tâm này, ngay cả ngành Giáo dục biết nhưng cũng làm ngơ vì cho rằng không thuộc đối tượng quản lý của mình...
Cò mồi, bịp bợm
Vào những ngày họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu hay cuối năm học của các trường TH và THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng, các bậc cha mẹ HS thường nhận được nhan nhản các tờ rơi đủ kích cỡ quảng cáo các TTGS chất lượng cao này, uy tín kia nhét vào xe máy của mình, hoặc dán đầy trên các cột điện, bờ tường nơi công cộng. Cách quảng cáo kiểu đa kênh này xem ra rất hiệu quả, bởi nhiều PHHS cho biết đã thông qua địa chỉ trong các tờ rơi để gọi điện thoại thuê gia sư đến nhà dạy kèm con em mình. Vì thế, các TTGS đã thuê người đi dán, nhét càng nhiều tờ rơi càng tốt. Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - người bán vé số, tranh thủ đi phát tờ rơi cho 1 TTGS ở Q. Ngũ Hành Sơn, cho biết: “Cứ nhét, dán được 30 tờ, tôi được 1.000 đồng, có ngày kiếm được hơn 50.000 đồng”.
Theo khảo sát của P.V chúng tôi, hiện trên địa bàn TP có hàng chục TTGS hoạt động bát nháo. Gọi là TTGS cho nó oai, chứ chẳng giống trung tâm tý nào, thường chỉ vẻn vẹn một cái bàn kê khiêm tốn ở góc của một quán ăn, quầy tạp hóa, hoặc bất cứ chỗ nào có thể. Thậm chí, có nơi chỉ có số điện thoại, tìm đến địa chỉ ghi trên tờ rơi, mới biết không có địa chỉ nào như vậy. Gọi là TTGS, nhưng từ người phụ trách tới người trực tiếp đến nhà dạy kèm, hầu hết có trình độ tập tành, không liên quan gì đến sư phạm. Để cạnh tranh lẫn nhau, các TTGS đưa ra rất nhiều chiêu bịp bợm như mượn danh giáo sư này, giảng viên nọ, thầy cô kia nổi tiếng về dạy giỏi của các trường danh giá. Không được cấp giấy phép, cũng không được cơ quan chức năng nào quản lý nên các TTGS hoạt động chụp giật. Các trung tâm như một cò mồi làm môi giới giữa SV với gia đình HS, hưởng lợi hoa hồng từ SV. SV năm thứ nhất Nguyễn Thị Anh tâm sự: “Khi đến đăng ký với một TTGS ở Q. Hải Châu, chị phụ trách trung tâm giới thiệu cho em kèm Toán nâng cao lớp 5 và dặn nói với phụ huynh cháu bé đó là em đang dạy hợp đồng tại Trường Lương Thế Vinh. Với danh nghĩa là giáo viên (GV), em được trả 450.000 đồng/tháng (dạy 3 buổi/tuần, mỗi buổi 1,5-2 tiếng), thay vì chỉ có 300.000 đồng/tháng nếu nói thật là SV. Em phải trích 40% tiền lương tháng đầu tiên cho TTGS. Sau một tháng kèm HS, thấy mình không đủ khả năng (dù em đã xem kỹ sách giải các bài Toán nâng cao lớp 5 trước khi dạy, nhưng vẫn không sao truyền đạt một cách dễ hiểu cho HS) nên em xin nghỉ”.
Chị Nguyễn Thị Hồng, có con học lớp 3 Trường Hoàng Văn Thụ cho biết: “Vì công việc bận rộn nên tôi phải thuê gia sư qua tờ rơi nhét ở xe máy. TTGS này cho biết nếu yêu cầu GV hợp đồng, giá 500.000 đồng/tháng/tuần 3 buổi), còn SV thì 300.000 đồng/tháng/tuần 3 buổi, nhưng GV này có kinh nghiệm hơn, đã từng luyện trúng giải thành phố cho nhiều HS. Tôi tin và đã thuê GV tên Hùng. 2 tháng sau, tôi phát hiện chỉ với một bài Toán nâng cao dạng đơn giản, mà Hùng loay hoay toát cả mồ hôi cũng không giải được. Sinh nghi, tìm hiểu mới biết Hùng chỉ là SV năm 1 của một trường nghề(!)”. Các TTGS đều đưa ra mức giá 300-350 ngàn đồng/tháng/dạy tất cả các môn, các buổi trong tuần đối với bậc TH, nhưng khi thực dạy chỉ có 3 buổi. TTGS bát nháo, dẫn đến các gia sư cũng lèm nhèm. Rất nhiều PHHS than trời bởi các gia sư dạy ngẫu hứng, đã quy định một tuần dạy 3 buổi, nhưng cứ dạy được vài bữa lại gọi điện xin nghỉ với các lý do về quê thăm mẹ ốm, đi dự sinh nhật của người thân, vào viện thăm đứa bạn bị té xe... Chị bạn tôi cũng nhăn nhó: “Thuê gia sư với suy nghĩ tiện lợi hơn vì khỏi phải chở con đi học thêm ở nhà cô vừa xa, vừa đêm hôm mưa gió, nào ngờ lợi bất cập hại. Thuê gia sư được 3 tháng, xem vở học của con, mình mừng lắm: toàn điểm 10, nhưng khi cho làm lại bài tập ấy thì cháu chỉ cắn bút. Hóa ra, gia sư đã làm giùm, học giùm con mình, cháu cứ thế chép lại nguyên văn”!?
![]() |
Những ngày này, các TTGS tăng cường phát tờ rơi |
Không phải là chuyện có mua có bán...
Chưa nói đến những tiêu cực, chất lượng dởm của các TTGS bát nháo, mà ngay cả khi đạt chất lượng, thì việc giáo dục nhân cách cho trẻ, các gia sư không thể với tới. Tôi đã được chứng kiến, chỉ với một câu nói của một GV TH, các em HS đã hiểu ngay mình phải làm bài toán đó như thế nào, trong khi một SV giỏi giảng giải cả buổi, các em vẫn không hiểu. Nhiều bậc phụ huynh đã nghĩ rằng, thuê gia sư một kèm một sẽ chất lượng hơn cho con đi học thêm, học kèm tại các lớp học do GV tổ chức. Điều này rất sai lầm, bởi lẽ dạy trẻ, nhất là bậc TH, THCS thì song hành với việc trang bị tri thức, vấn đề giáo dục nhân cách và kinh nghiệm giảng dạy hết sức quan trọng.
Dẫu biết thuê gia sư lợi bất cập hại, nhưng vì bận rộn, nên nhiều gia đình vẫn buộc phải lựa chọn gia sư. Do đó, nhu cầu gia sư hiện nay là rất lớn, có lớp đến 20-30% HS cho biết bố mẹ có thuê gia sư. Bây giờ, TTGS rộ lên nhan nhản, chỉ cần nhấc máy điện thoại, vài tiếng sau đã có người đến nhà thay bạn dạy con học. Ấy nên mới có việc gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt (trú P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà) bị gia sư lừa ứng trước tiền học một tháng (500.000 đồng), sau đó biến mất dạng và còn chôm luôn cả 11 quyển sách nâng cao Tiếng Việt, Toán lớp 5. Bực quá, chị gọi điện tới TTGS để tìm tung tích của vị gia sư nọ, nhưng TTGS này còn mắng chị bất cẩn vì ngay cả họ cũng phải “tiền trao cháo múc” với các gia sư của mình do không biết được gia sư ấy là ai, từ đâu tới...
Nhu cầu cao về gia sư hiện nay là không thể phủ nhận, khi mà chương trình học và chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều bàn cãi. Song, không thể để các TTGS hoạt động tràn lan, bịp bợm cứ trôi nổi, không có cơ quan chức năng nào chịu ra tay quản lý, bỏ mặc nó như một sự tất yếu có cầu có cung, có mua có bán. Vấn đề này, ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng biết, nhưng lại cho rằng không thuộc đối tượng quản lý của mình. Cho nên, các TTGS càng tự tung tự tác theo kiểu “cáo mượn oai hùm”. Điều đáng lo ngại là hậu quả của các TTGS bát nháo hiện nay không bộc lộ tức thì, mà nó âm ỉ 10 năm, 20 năm và lâu hơn nữa. Vì sự nghiệp trăm năm trồng người, các nhà quản lý giáo dục cần sớm có giải pháp về tình trạng này.
![]() |
Tờ rơi dán đầy tường làm mất mỹ quan đô thị. |
Hồng Nhật