Cấp bách cứu rừng Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Tây Nguyên hiện chỉ còn khoảng 1,8 triệu ha rừng tự nhiên có trữ lượng, và đang bị mất rừng nghiêm trọng.
Theo Tổng cục Kiểm lâm, khu vực Tây Nguyên có hơn 2.848.000 ha rừng, độ che phủ đạt 51,3%, trong đó rừng có trữ lượng độ che phủ chỉ đạt 32,4%. Chỉ tính trong 5 năm gần đây (2007-2012), toàn khu vực Tây Nguyên đã mất gần 130.000 ha rừng, riêng rừng tự nhiên mất tới 107.425 ha.
Cụ thể tại Đắc Lắc, trong 5 năm qua đã xảy ra hơn 9.000 vụ vi phạm lâm luật, gây thiệt hại 8.533 ha rừng; Kon Tum 6.715 vụ; Gia Lai 11.164 vụ, chủ yếu là phá rừng trái phép. Nếu như năm 2006, Gia Lai còn tới 761.847 ha thì đến năm 2011 chỉ còn lại 719.478 ha rừng.
Cũng trong năm 2011, các lực lượng chức năng của tỉnh này đã phát hiện 1.422 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nhưng chỉ khởi tố được 17 vụ (do nhiều vụ vi phạm với khối lượng gỗ lớn không tìm ra thủ phạm), tịch thu hơn 3.000m3 gỗ các loại, 301 phương tiện, hơn 273 kg động vật rừng và thu phạt 23 tỷ đồng.
Sự mất rừng nghiêm trọng ở Tây Nguyên trước hết là do hệ quả của chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, đồng thời vì chuyển đổi đất rừng làm thủy điện. Từ đó, dẫn tới hàng chục nghìn héc-ta rừng bị triệt phá, hàng nghìn héc-ta rừng khác ngập chìm dưới lòng hồ thủy điện, chưa kể hàng trăm héc-ta rừng đầu nguồn chuyển thành đất sản xuất, gần 8.000 ha rừng bị phá trụi hiện trở thành đất trống đồi núi trọc.
Theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Trà, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai: Diện tích rừng của địa phương nói riêng và cả khu vực nói chung bị giảm mạnh, là do xây dựng quá nhiều công trình thủy điện, kể cả chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su nhưng chưa có sự thống nhất cao giữa các bộ, ngành liên quan trong quản lý, bảo vệ rừng. Nếu không có biện pháp mới khả thi, những diện tích rừng còn lại của khu vực Tây Nguyên khó tránh khỏi tiếp tục bị tàn phá.
Thống kê chưa đầy đủ, các tỉnh Tây Nguyên những năm qua đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án trên đất lâm nghiệp có diện tích gần 216.000 ha, trong đó có khoảng 100.000 ha chuyển sang trồng cao su. Tuy vậy, nhiều chủ dự án thiếu năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng dẫn tới tình trạng rừng bị tàn phá, lấn chiếm vô tội vạ nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Một nguyên nhân nữa làm cho rừng Tây Nguyên bị xâm hại trầm trọng, đó là 56 công ty lâm nghiệp được giao quản lý tới 1 triệu ha rừng. Nhưng do nhân lực quá mỏng, cộng với sự bất cập trong quản lý rừng hiện nay nên nhiều cánh rừng trở nên “vô chủ”, bỏ mặc cho “lâm tặc” thừa cơ khai thác trái phép và chiếm dụng đất rừng sử dụng vào mục đích khác.
Mặt khác, việc cấp phép kinh doanh cho 1.500 cơ sở chế biến gỗ ở các tỉnh Tây Nguyên thiếu sự quy hoạch, không gắn với nguồn nguyên liệu. Cơ quan chức năng cũng không thường xuyên kiểm tra, giám sát, đặc biệt là những cơ sở trong rừng, gần rừng nên làm gia tăng tình trạng khai thác gỗ trái phép. Bởi nguồn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến ở đây chủ yếu là rừng tự nhiên.
Tại hội nghị về công tác quản lý bảo vệ rừng do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều vấn đề đã được các đại biểu các tỉnh Tây Nguyên đề cập tới. Cụ thể là cơ chế giao rừng kém minh bạch tạo ra nhiều kẽ hở; mục tiêu chuyển đổi rừng cứng nhắc; các công ty lâm nghiệp yếu kém lại được chuyển đổi thành ban quản lý rừng.
Đó là những vấn đề cần sớm được xem xét và khắc phục, nhằm đảm bảo cho việc quản lý và bảo vệ rừng được chặt chẽ hơn. Cùng với đó là tăng cường quản lý về lâm nghiệp tại địa phương, quản lý lâm trường quốc doanh và công ty lâm nghiệp, quản lý các cơ sở chế biến gỗ đi đôi với việc nghiên cứu chính sách khôi phục, phát triển lâm nghiệp. Đây là những vấn đề hệ trọng cần được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xem xét, đánh giá, thực hiện một cách khoa học để ngăn chặn tận gốc tình trạng phá rừng tràn lan ở khu vực Tây Nguyên hiện nay.
Văn Hào