Cấp cứu dỏm lộng hành (3)

Thứ sáu, 02/10/2015 12:14

* Kỳ cuối: CẦN GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM VÌ ANTT TẠI BỆNH VIỆN VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DÂN

(Cadn.com.vn) - Nếu các cơ quan liên quan không sớm vào cuộc chấm dứt hoạt động của dịch vụ “cấp cứu dỏm”, để các đối tượng càng ngày càng tự tung tự tác thì không những có nguy cơ hình thành điểm nóng về ANTT tại khu vực Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) mà quyền lợi, sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tình trạng cấp cứu dỏm lộng hành BVĐN đã xảy ra trong nhiều năm qua. Trên thực tế, ngoài những vụ đe dọa, dằn mặt, hành hung người, đập phá tài sản bệnh viện, đã không ít lần những đối tượng này tranh giành việc “độc quyền” hoạt động tại đây và kéo người gây gổ, đánh nhau với các tài xế xe cấp cứu chuyên nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo báo cáo của Bệnh viện, hiện có 3 ô-tô thường xuyên hoạt động trong bệnh viện là xe BKS 43B-01308, 43B-01351 và 43B-01606. Một hệ lụy nghiêm trọng khác là dù không có năng lực hoạt động trong lĩnh vực cấp cứu nhưng các xe cò này tự chế ra thiết bị, chở bệnh nhân về nhà với giá trên trời và không ai đứng ra đảm bảo sự an toàn nếu xảy ra các trường hợp nguy kịch trên đường đi. Thậm chí, những đối tượng này còn lợi dụng sự bấn loạn, mất bình tĩnh của người nhà để ép giá trục lợi.

Trong khi xe cấp cứu chuyên nghiệp đậu ngăn nắp trong khuôn viên bệnh viện
thì xe cấp cứu dỏm đã phóng thẳng vào lối đi để chèo kéo một bệnh nhân ra viện.

Theo lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ BVĐN, trước đây “đội quân” này cắm chốt trên đường Quang Trung, nhưng sau khi đã nắm thóp được nhân viên bảo vệ, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân, họ đã ngang nhiên chạy thẳng xe vào sân bệnh viện để chèo kéo, ép buộc người ra viện trong tình trạng sức khỏe yếu. Trước tình trạng phức tạp này, BVĐN đã phối hợp với CAQ Hải Châu triển khai các biện pháp đẩy đuổi, xử lý nhưng mỗi khi các đơn vị vào cuộc thì những đối tượng này tạm dừng hoạt động, sau đó lại tìm mọi cách để hoạt động trở lại như thay đổi xe, “luân chuyển cò” hay giả vờ đi chăm bệnh để tiếp xúc với người nhà bệnh nhân.

Về chất lượng xe, trang thiết bị trên xe để phục vụ cho công việc chở bệnh nhân thuộc diện “thập tử nhất sinh”, vị lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ của BVĐN cho biết: “Việc chuyên chở chắc chắn không đảm bảo chuyên môn. Băng ca thì tự chế, bình oxy thì không biết có oxy hay không và cơ chế cho thở như thế nào, nhân viên y tế đi kèm thì “dỏm”. Nếu chẳng may trên đường đi mà bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch thì chắc chắn họ không đủ năng lực xử lý”. Để cạnh tranh giá, các đối tượng thực hiện việc “săn” bảng giá theo quy định của Trung tâm Cấp cứu 115, sau đó tùy tình hình mà ra giá với gia đình bệnh nhân. Nếu gặp những người đang cần về nhà gấp thì hét giá trên trời và đưa họ vào thế buộc phải đi. Không được, những đối tượng này sẽ đi bằng giá hoặc thấp hơn của dịch vụ cấp cứu chuyên nghiệp kèm theo những lời quảng cáo như có đầy đủ dịch vụ, đi nhanh hơn, giá mềm hơn. Khi bệnh nhân và người nhà đã lên xe thì các đối tượng sẽ đưa ra một số loại phí phát sinh, đồng thời “cột” họ vào thế nhắm mắt mà đi. Một số người phản ứng vì bị làm sai với cam kết ban đầu thì các đối tượng lập tức bộc lộ thói côn đồ để trấn áp. Do đã hoạt động lâu năm, đường dây này thừa hiểu tâm lý của những người bệnh nặng là họ muốn về nhà càng nhanh càng tốt, không muốn phiền phức.

Lãnh đạo BVĐN cho hay, nhiều gia đình quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi khi về đến nhà đã gọi điện ra cho Bệnh viện và Sở Y tế phản ánh việc “xe cấp cứu” đã lấy giá gấp 2-3 lần so với quy định. Khi hỏi đã đi xe nào thì họ đọc ra biển số của các xe cấp cứu dỏm. Ngoài việc các gia đình bị mất tiền oan, uy tín của bệnh viện vì thế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi đặt câu hỏi liệu có hay không việc thông tin từ trong các phòng, khoa ra ngoài sớm hơn, trước khi thông tin đến với Trung tâm Cấp cứu 115 thì vị này nói: “Chúng tôi luôn thông báo cho Trung tâm Cấp cứu nhưng không hiểu vì sao các đối tượng cò lại vào sớm hơn. Chưa có cơ sở nào để kết luận vì sao họ có thông tin nhanh như vậy, nhưng chúng tôi không loại trừ khả năng nào khi vào cuộc xử lý trong thời gian tới”.

Nội thất chiếc xe này được bứng đi để dành chỗ cho chiếc băng ca tự chế
kèm một “bình oxy” không biết là có oxy hay không.

Cũng trong tâm trạng bức xúc, lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 (đề nghị không nêu tên) cho P.V Báo Công an TP Đà Nẵng biết, để chèo kéo người nhà bệnh nhân, các đối tượng giả danh Cấp cứu 115, còn để qua mặt chính dịch vụ cấp cứu chuyên nghiệp, những đối tượng này lại đóng vai… người nhà! Bác sĩ này kể: “Ngay khi cán bộ bệnh viện gọi điện qua báo cho chúng tôi, anh em chuẩn bị xe và thiết bị chạy qua thì các “cò” giả mạo người nhà bệnh nhân gọi điện qua tổng đài cấp cứu 115 báo hoãn, không đi nữa. Chỉ trong vòng một vài phút, đường dây này hoặc đã chèo kéo, hoặc đã dùng mọi phương thức ép buộc bệnh nhân đi xe cò. Rất nhiều lần chúng tôi bị qua mặt như vậy”.

BVĐN là đơn vị làm công tác khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn là cơ sở y tế có uy tín tại khu vực miền Trung. Lưu lượng người đến điều trị, khám bệnh, thăm bệnh, ra vào khoảng 9.000 - 11.000 người/ngày. Điều này tạo ra môi trường phức tạp, xuất hiện nhiều thành phần rất manh động gây mất ANTT, đe dọa tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế và người dân. Trong đó, nạn cấp cứu dỏm đã ngày càng lộng hành với nhiều đối tượng tham gia, hành vi hết sức côn đồ. Tuy vậy, lực lượng bảo vệ chuyên trách của bệnh viện lại rất mỏng. Theo lãnh đạo bệnh viện, lực lượng bảo vệ của Cty TNHH bảo vệ An Ninh mới nhận nhiệm vụ nên kinh nghiệm còn yếu, không đủ sức đảm bảo ANTT, trấn áp các đối tượng trong đường dây này.

Người dân đang hết sức mong mỏi Ban Giám đốc BVĐN có phương án đề xuất, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm triển khai các biện pháp lập lại tình hình ANTT tại đây. Qua đó, duy trì môi trường làm việc an toàn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như đảm bảo quyền lợi trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Điều tra: Đông A