Carlos Ghosn và “cuộc chạy trốn kỳ diệu”
Cựu Chủ tịch tập đoàn ô-tô Nissan Carlos Ghosn đã trốn khỏi Nhật Bản và đến Lebanon trong khi đang được tại ngoại chờ xét xử vì cáo buộc gian lận tài chính trong nhiệm kỳ của mình tại Nissan. Ông bị giám sát kỹ đến nỗi không thể rời căn hộ ở Tokyo mà không ai hay biết, thì làm thế nào ông có thể trốn khỏi Nhật Bản trong “cuộc đào tẩu thập kỷ” như vậy?
Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn đã trốn thoát một cách ngoạn mục đến Lebanon. Ảnh: Fortune |
Thổ Nhĩ Kỳ bắt nhiều người liên quan việc quá cảnh của cựu lãnh đạo Nissan Đài NTV ngày 2-1 đưa tin, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một vài người sau khi Bộ Nội vụ nước này mở một cuộc điều tra về việc quá cảnh của cựu lãnh đạo tập đoàn Nissan Carlos Ghosn. Tờ báo Le Monde của Pháp dẫn nguồn tin cho biết có vẻ như vợ ông Ghosn đã hợp tác với anh em của bà, những người vốn có quan hệ thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này được củng cố bởi dữ liệu từ trang theo dõi chuyến bay Flightradar24, cho thấy một máy bay riêng bay từ Osaka, Nhật Bản, đã bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó một chiếc khác tiếp tục bay đến Lebanon vào thời điểm ông Ghosn được cho là đã đến nước này. |
Hôm 31-12-2019, ông Ghosn xác nhận có mặt ở Lebanon. “Tôi đang ở Lebanon. Tôi không còn là con tin của hệ thống tư pháp Nhật Bản hà khắc”, ông Ghosn tuyên bố. “Tôi không chạy trốn công lý. Tôi đã thoát khỏi sự bất công và đàn áp. Cuối cùng, tôi cũng có thể giao tiếp tự do với các phương tiện truyền thông, và mọi thứ sẽ khởi động vào tuần tới”, ông nói thêm.
Cựu chủ tịch Nissan bị bắt tại Tokyo vào tháng 11-2018 và phải đối mặt với 4 cáo buộc, bao gồm che giấu thu nhập và tư lợi thông qua các khoản thanh toán cho đại lý ở Trung Đông. Nissan đã sa thải ông với cáo buộc cựu chủ tịch và cựu Giám đốc Greg Kelly biển thủ hơn 327 triệu USD. Các cuộc điều tra nội bộ tiết lộ hành vi sai trái bao gồm khai lương thấp hơn thực tế khi ông là giám đốc điều hành và chuyển 5 triệu USD từ quỹ của Nissan vào một tài khoản sinh lời cho chính ông Ghosn. Trải qua hơn 4 tháng bị giam giữ và thẩm vấn hàng ngày - lên đến 16 giờ một ngày mà không có luật sư - cũng có thể đã làm thất vọng Ghosn về công lý Nhật Bản. Cựu chủ tịch Nissan sau đó phải nộp tiền bảo lãnh 13 triệu USD để được tại ngoại trong thời gian chờ hầu tòa xử tội gian lận tài chính. Ông bị quản thúc tại gia và nhà của ông bị giám sát bằng camera 24/24. Ông cũng bị hạn chế sử dụng điện thoại và máy vi tính. Do đó, việc cựu chủ tịch Nissan trốn khỏi Nhật Bản thành công gây chấn động lớn.
Ông Ghosn có quốc tịch Pháp, Lebanon và Brazil. Các quan chức Lebanon cho biết ông nhập cảnh hợp pháp bằng hộ chiếu Pháp ngày 30-12-2019, mặc dù trước đó ông đã phải nộp 3 hộ chiếu Pháp, Lebanon và Brazil cho luật sư Nhật Bản. Lebanon không ký hiệp ước dẫn độ với Nhật Bản, do đó nhà chức trách quốc gia Đông Á khó có thể bắt giữ cựu chủ tịch Nissan.
Trốn thoát bằng cách nào?
Đài NHK đưa tin nhà chức trách Nhật Bản không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Ghosn rời nước này. Do đó, nhiều khả năng ông đã sử dụng giấy tờ giả để trốn khỏi Nhật Bản. Một số trang tin Lebanon cho rằng ông Ghosn đã trốn trong một thùng gỗ đựng nhạc cụ sau khi tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc riêng tại nhà. Hai nguồn tin giấu tên nói với Reuters, kế hoạch bỏ trốn được một Cty an ninh tư nhân sắp xếp trong 3 tháng, bao gồm đưa ông Ghosn bằng máy bay riêng đến Istanbul trước khi đến Beirut. Ngay cả phi công cũng không biết về sự hiện diện của ông Ghosn trên máy bay.
Trong khi đó, truyền thông phương Tây đưa tin: vợ ông Ghosn, bà Carole, giữ vai trò quan trọng trong việc giúp ông trốn đến Lebanon. Theo đó, ông Ghosn rời khỏi Nhật Bản sau khi các cộng sự lên kế hoạch trước đó vài tuần. Tờ The Wall Street Journal số ra hôm thứ Ba dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết 1 nhóm đã tập trung chuẩn bị cho chuyến đi của ông Ghosn và tiến hành kế hoạch vào tuần trước. Bài báo viết ông Ghosn rời khỏi nơi ở đang bị tòa án giám sát ở Tokyo để lên 1 máy bay riêng bay đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tiếp tục bay đến Lebanon. Nguồn tin của bài báo cho biết tại đây ông đã gặp vợ là bà Carole, người đóng vai trò chính trong việc chuẩn bị cho chuyến đi.
Tokyo giúp đỡ?
“Chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Tôi đã chết lặng”, ông Jun Junichirio Hironaka, luật sư chính của ông Ghosn, nói với các phóng viên ở Tokyo. Vị luật sư nói thêm rằng ông không thể liên lạc với ông Ghosn và không biết làm thế nào để tiếp cận ông ấy.
Các luật sư của ông Ghosn cho rằng thân chủ mình là nạn nhân của những lời buộc tội bắt nguồn từ một âm mưu giữa Nissan, các quan chức chính phủ và công tố viên nhằm lật đổ ông Ghosn nhằm ngăn chặn việc sáp nhập với Renault SA của Pháp, đối tác liên minh với Nissan. Nhiều người cho rằng, chính phủ Nhật Bản có thể làm ngơ cho vụ trốn thoát kỳ diệu này. Tokyo từng thả các nghi phạm hình sự nước ngoài nổi tiếng, chẳng hạn như Paul McCartney. Thành viên của nhóm The Beatle đã được thả năm 1980, chỉ sau 9 ngày bị bắt vì tội buôn lậu ma túy vào Nhật Bản.
“Đây có vẻ như là một kế hoạch”, Hal Foster, một trong những nhà báo lâu năm ở Tokyo, nhận định. Vụ kiện chống lại ông Ghosn ở Nhật Bản đã trở thành một rắc rối đối với Tokyo, vì vậy, làm ngơ để ông ấy rời khỏi đất nước là cách người Nhật nhanh chóng giải quyết rắc rối này. Ông Foster và nhiều người khác lưu ý rằng, Ngoại trưởng Nhật Bản Keisuke Suzuki đã đến thăm Beirut vào tháng 12-2019 và gặp gỡ cả tổng thống và Ngoại trưởng Lebanon.
AN BÌNH