Cầu vồng sau mưa

Thứ năm, 11/05/2017 11:32

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng trưa nắng hầm hập. Tôi lan man nhớ về những hình ảnh của ngày tháng xưa cũ. Ngày ấy, thật ra cách đây cũng không lâu lắm, có những người bán báo dạo còn rong ruổi trên những con đường thành phố với tên gọi thân thuộc “sứ giả văn hóa” của báo chí. Bây chừ thì hình ảnh ấy hoàn toàn biến mất, thay vào đó là cảnh mỗi người chìm vào ốc đảo của riêng mình với chiếc điện thoại thông minh thay thế. Tôi đã đọc rất nhiều lần bài viết của anh viết về quầy báo của mợ Vân, với đầy hoài niệm và suy tưởng. Thầm lặng đọc bài viết rồi ngẫm ngợi, tự dưng thấy khoảng cách thời gian tàn phá thói quen của con người ghê gớm. “Khách hàng mua báo của mợ bây giờ đã vãn đi nhiều, vì Internet, vì truyền hình và nhiều kênh thông tin khác. Cái cảm giác mong chờ, háo hức được cầm tờ báo còn thơm mùi mực in trên tay nhường chỗ cho những thú vui khác, những nôn nao khác”. Tôi thì vẫn mong được đọc báo theo cách riêng của mình, đó là dòng thông tin nóng hổi được cập nhật từng ngày, và mỗi lần đọc báo tôi luôn nghĩ: mọi người bây chừ có cần biết đến tin tức đang diễn ra xung quanh mình?

Những sạp báo vỉa hè như thế này sẽ ngày càng vắng dần trong đời sống đô thị.

Giấy, hình thức lưu trữ cổ xưa nhất, vẫn đang tồn tại theo những xu hướng đặc biệt, bỏ mặc vòng xoáy của công nghệ đang phát triển đến mức cực thịnh. Tôi còn nhớ, ở Hòa Khánh có một quầy báo đối diện cổng Trường ĐH Bách khoa, tôi thường hay ghé, thế nhưng gần đây trở lại thì quầy báo đã không còn nữa. Loanh quanh những sạp báo còn lại chỉ còn lèo tèo vài tờ của những người buôn bán nhỏ đang cố gắng duy trì. Vào quán cà-phê mỗi buổi sáng, chắc chắn hình ảnh đập vào mắt tôi đầu tiên là một cụ già cầm tờ báo đọc chăm chú. Đọc như chưa từng đọc, xem như muốn nuốt trọn từng con chữ. Người già đọc báo không bao giờ vội vàng, họ đọc một cách chậm rãi, thong dong trong khoảng cách giữa những chuyến đi, về. Cái cảm giác cầm tờ báo lên và xem giữa chữ và chữ có gì, như khi thưởng thức vẻ đẹp một bông hoa, tôi luôn luôn quên nhịp thở của mình. Những miền đất mới chắp cho tôi đôi cánh tưởng tượng và khát khao, trước khi đi tới và cảm nhận. Tôi còn có thể chọn cho mình cách cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống qua từng con chữ. Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng có những câu thơ dễ thương trong bài thơ “Em tôi đọc báo”: “Em nằm trong nôi/ Khóc la đòi mẹ/ Chị nhoẻn miệng cười/ Dỗ dành em bé./ Nhưng em đâu chịu/ Vẫn khóc vẫn la/ Chị cầm tờ báo/ Đưa lại đưa qua./ Em cười tít mắt/ Chân đạp liên hồi/ Hình như màu sắc/ Làm cho em cười/ Và những bài báo/ Lần lượt lật qua/ Em tôi nhìn đọc/ Toàn là âm A”. Phải rồi, có lẽ âm A chính là thanh âm trong trẻo phác họa nên cuộc sống. Có một lần trên báo Thiếu niên Tiền Phong, tôi đọc bài viết của tác giả (hình như là lần đầu tiên có bài đăng báo) kể về cảm giác hạnh phúc khi lần đầu cầm tờ báo có bài của mình, đạp xe phơi phới trong gió, đến nỗi mưa rơi ướt nhoẹt tờ báo và mình mẩy cũng ướt như chột lột mà vẫn nhoẻn miệng cười. Tôi cũng từng có cảm xúc và hành động “không giống ai” ấy khi lần đầu tiên cầm tờ báo có đăng bài của mình. Lúc ấy tôi chợt hình dung về một cầu vồng rực rỡ sắc màu mà tôi tình cờ gặp trong niềm bất ngờ, vui sướng...

Nhiều lần cà-phê, nghe bạn nói vui: Mấy đứa ni mà không có chiếc điện thoại bên mình chắc dễ chết đứng. Nghĩ mà giật mình!

Phan Nam