"Cây đa" cuối cùng của làng chiếu Cẩm Nê

Thứ tư, 26/06/2019 11:48

Dưới cái nắng cháy da tiết trời tháng sáu, tôi tìm đến làng chiếu Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng). Trong căn nhà cũ màu thời gian chỉ còn một nghệ nhân theo cái nghề "hai thước đất suốt một đời lao khổ" là cụ Phan Thị Đào (82 tuổi).

Cụ Phan Thị Đào (bên phải) đang dệt những mẻ chiếu cuối cùng của mình.

Làng chiếu Cẩm Nê (nay thuộc xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) xuất hiện khoảng thế kỉ XV, XVI có nguồn gốc từ Thanh Hóa di cư vào. Ngôi làng tấp nập khách mọi miền xưa kia nay chỉ còn trụ lại một căn nhà nhỏ đơn sơ vẫn hằng ngày cho ra những đôi chiếu. Dưới mái nhà đó vẫn vang tiếng kì cạch của thoi dệt chiếu cói. Nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa thì nơi đây sẽ đi vào dĩ vãng khi người nghệ nhân cuối cùng trụ bám với nghề đành phải nghỉ. "Tôi đã bắt đầu dệt chiếu từ hồi còn nhỏ xíu, cũng mấy chục năm nay rồi. Hồi đó làm cả ngày cũng không đủ sản phẩm khách tới mua. Gần đây cũng không còn nhiều người đặt mua chiếu, với lại sức khỏe cũng không tốt như mấy khi nên số cói nhập về chỉ để làm vài cặp chiếu nữa thôi rồi cũng nghỉ. Nghỉ cái nghề này cũng buồn lắm mà chừ không đủ sức để làm nữa nên cũng đành chịu", cụ Đào ngậm ngùi nói trong sự tiếc nuối.

Cụ Đào kể rằng, hiện nay các thanh niên trong làng đều chuyển đổi nghề. Người đi làm công nhân, người đi buôn bán dễ sống hơn nên không còn ai tiếp nối cái nghiệp cha ông để lại này. Số chiếu mà cụ hằng ngày dệt nên chỉ để cung cấp cho tiểu thương ở chợ trong làng. Có ai tới đặt thì làm theo số lượng ít ỏi vài ba chiếc. Với sức khỏe của bản thân, một ngày cụ Đào chỉ có thể dệt nên một đôi chiếu thành phẩm. Những nghệ nhân lão làng cũng không còn ai ngoài cụ Đào. 

Sự khác biệt đã làm nên thương hiệu chiếu Cẩm Nê bao đời nay vẫn được người nghệ nhân Phan Thị Đào gìn giữ. Đó là công đoạn nhuộm màu cói, sợi cói khi được mua về từ H. Duy Xuyên và Núi Thành (Quảng Nam), bỏ vào một nồi to có pha phẩm nhuộm. Qua quá trình ngâm, sợi cói lên màu sắc đạt chuẩn thì đem đi dệt. Bà Nguyễn Thị Liên (89 tuổi) trú xã Hòa Thọ mấy hôm nay cũng đến phụ giúp một tay cho người em họ của mình là cụ Đào. "Cái này phải hai người làm, một người lồng sợi cói vào khung, một người dập khung cửi mới dệt nên tấm chiếu được. Mấy hôm nay xuống đây làm phụ một tay cho nhanh ra thành phẩm, cũng có thêm người nói chuyện cho cô Đào đỡ buồn", cụ Liên chia sẻ trong sự tiếc nuối của những mẻ chiếu cuối cùng này.

Nếu trước đây, tại làng Cẩm Nê có dệt loại chiếu hoa với những chi tiết tinh xảo, cầu kì được nhiều người tìm mua. Thì nay, với sức lực ở tuổi xế chiều, hai chị em cụ Đào và cụ Liên chỉ có thể dệt loại chiếu thường với bốn màu sắc đơn lập. Căn nhà lụp xụp rộng khoảng 20m2 của cụ Đào là nơi cuối cùng lưu lại những hình ảnh của nghề chiếu Cẩm Nê. Chiếc chiếu làng Cẩm Nê mang trong mình nét văn hóa qua hàng trăm năm, là cuộc đời của những nghệ nhân như cụ Đào, cụ Liên cũng đã sắp lụi tàn.

TRƯỜNG AN