Cây xanh Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái
(Cadn.com.vn) - Nhắc tới tranh Bùi Xuân Phái, nhiều người thường nghĩ ngay tới những tác phẩm sơn dầu về phố cổ Hà Nội (phố Phái). Bởi dường như ông đã dành phần lớn sự nghiệp sáng tác của mình để vẽ về từng con đường, từng ngôi nhà cổ Hà thành..., tạo thành một ấn tượng sâu sắc trong giới thưởng ngoạn, đến nỗi nhiều người đùa nhau rằng những bức tranh phố cổ của ông đủ để dựng một thành phố thật.
Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái không ồn ào, sầm uất mà lặng lẽ, sâu thẳm. Nơi ấy, không chỉ gửi gắm những những hoài niệm, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, mà còn là điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ. Bởi vậy, phố cổ trong tranh Bùi Xuân Phái chừng luôn mang một dáng vẻ ngơ ngác riêng, thăm thẳm nỗi niềm riêng... Đặc biệt, khi vẽ về những hàng cây trên vỉa phố, ông luôn thể hiện ở những góc nhìn bí ẩn, tĩnh lặng khác thường. Nó lẻ loi, đơn chiếc, thì thầm... như đang trút lá giữa cơn rét “mồ côi mùa đông”...
Tranh “Chùa Trấn Quốc” của Bùi Xuân Phái (trong bộ sưu tập Gérard Chapuis). |
Theo nhà sưu tập văn hóa Gérard Chapuis (người Pháp gốc Việt, thường được biết đến với tên gọi “Người gác đền Bùi Xuân Phái ở Marseille”), từ ngày bắt đầu sưu tập tranh Bùi Xuân Phái, ông có thói quen, cứ mỗi lần mua được một bức tranh của họa sĩ là ông phải nhờ ai đó “chính gốc Hà Nội” ghi vài cảm tưởng, như là cách “cướp hồn của họ và thổi hoài niệm vào tranh bức tranh mình sở hữu...”. Gérard kể, một trong những trường hợp đáng nhớ nhất là lần ông mua bức tranh “Chùa Trấn Quốc” hồi tháng 10-2010 (dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long văn hiến).
Lần đó, trước khi rời thủ đô, ông đã lưu giữ được những hoài niệm về Hà Nội từ những ghi chép của một người bạn gái về bức tranh “Chùa Trấn Quốc”: “Nếu ai đã từng đặt chân tới Hà Nội, không thể không một lần tới thăm Hồ Tây vì đây là một trong những danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Ở đầu con đường Thanh Niên, đường mang tên chính do Bác đặt vẫn còn có cây Đa do chính tay Bác trồng. Dọc theo con đường này, cảm giác thật là yên lành khi thấy hàng cây soi bóng trong nước của Hồ Trúc Bạch môt bên và bên kia là Hồ Tây trong buổi hoàng hôn luôn thơ mộng. Nằm cạnh Hồ Tây, có một ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam tương truyền được xây dựng vào thời Vua Lý Nam Đế và mang tên chùa Trấn Quốc. Qua bao năm tháng, ngôi chùa vẫn in hình trong bóng nước Hồ Tây như thể chứng kiến những thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Hồi còn nhỏ, tôi là học sinh trường Chu Văn An, cửa sổ lớp học nhìn sang là chùa Trấn Quốc. Ngày nào cũng ngắm nhìn như thể mỗi thứ, đẹp, xấu đều là tự nhiên mà có, không cần biết tới nguồn gốc: đúng là tuổi trẻ mỗi điều đến và đi thật dễ dàng.
Rồi năm tháng xa Hà Nội, cuộc đời vui ít buồn nhiều, đắng cay nếm đủ và có thể là lẽ tự nhiên của con người, khi tuổi đã chín, người ta thường hay hoài niệm, tự ru mình bằng quá khứ, khi còn nhìn thấy khung cảnh nào đó cũng gợi cho ta nỗi nhớ da diết. Do vậy, tôi thật thú vị khi nhìn thấy bức tranh chùa Trấn Quốc của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nơi ấy, bóng nước hồ màu xanh lạt, những áng mây trắng lãng đãng bay, cổng chùa uy nghiêm, ngọn tháp rêu phong cổ kính, lối vào chùa hai bên cỏ vẫn xanh đậm đà, cây bàng sang đông đã trút hết lá thật thơ mộng...”. Gérard cho biết khi về Pháp, cứ mỗi lần nhìn vào bức tranh chùa Trấn Quốc, nhìn những nhành cây nghiềng bên hồ nước xanh, đọc lại những ghi chép ấy..., ông lại nghe trong lòng văng vẳng tiếng hát: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội...” và thao thức nỗi nhớ quê hương Việt Nam.
Đầu tháng 3 vừa qua, Gérard Chapuis là một trong số 151 đại biểu đến từ 51 quốc gia lại có mặt tại Hà Nôi trong “Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba với chủ đề Văn học Việt Nam”. Ông cho hay: “Ngoài dự Hội nghị, tôi đã dành tất cả khoảng thời gian rảnh rỗi còn lại để lang thang trên những con đường Hà Nội, để chiêm nghiệm lại những cảm xúc mình đã trải qua, từng nhìn ngắm, say mê chìm đắm trong tranh Bùi Xuân Phái, để một lần nữa mong được hiểu, được nắm bắt cái hồn Hà Nội xưa. Bởi, nếu không phải là người Hà nội gốc, mấy ai hiểu thấu mùi hoa sữa là nhân chứng của tình yêu, cây bàng lá đỏ miên man, cây cơm nguội vàng vào thu, bằng lăng tím biếc trở về với tháng năm, rồi mùa hoa sấu, hoa xà cừ...”.
...Trở về Pháp, khi cái cảm giác về hình ảnh một Hà Nội cổ kính, thơ mộng, rợp bóng mát cây xanh chưa vơi trong tâm trí, thì đột ngột ông nghe tin Hà Nội đang thực thi “dự án chặt cây”. Qua báo chí, nhìn hình ảnh phố phường với những hàng cây hoang tàn như vừa trải qua một trận chiến khốc liệt, Gérard Chapuis vô cùng thất vọng và nuối tiếc. Không thể biết làm gì hơn, Gérard email phiên bản bức tranh chùa Trấn Quốc, nhờ tôi thông qua báo chí góp một tiếng nói: “Xin đừng giết hại cây xanh Hà Nội. Hãy giữ gìn nó, đừng vĩnh viễn biến nó thành hoài niệm, để rồi chỉ còn gặp trong những bức tranh...”.
Trần Trung Sáng