Chăm sóc trẻ trong phập phồng âu lo

Thứ hai, 18/01/2016 08:49

(Cadn.com.vn) - Nằm ở vị trí bất lợi trong các kiệt hẻm nhỏ, đã thế diện tích lại chật hẹp, cơ sở xuống cấp, từ nhiều năm nay, các cô giáo trường mầm non (MN) công lập Hoàng Lan và Cẩm Vân (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) chăm sóc trẻ trong tâm trạng phập phồng âu lo, chẳng biết sẽ ứng biến như thế nào nếu lỡ có sự cố đáng tiếc xảy ra...

Sân sinh hoạt của Trường Hoàng Lan cũng là lối đi vào nhà thờ Tộc Nguyễn, cũng là nơi để xe của GV trong trường.

Thiệt thòi đủ thứ!

Cơ sở chính Trường MN Hoàng Lan nằm trong kiệt 408/19 Trưng Nữ Vương, trước đây là ngôi nhà cấp bốn, diện tích đất do Tộc họ Nguyễn nhường cho để làm nơi giữ trẻ con em P.Hòa Thuận Đông. Đến năm 2002, trường được đầu tư xây dựng như hiện nay với diện tích sử dụng (kể cả khoảng sân chung với nhà thờ tộc Nguyễn) là 386m2. Hiện có 190 trẻ đang theo học tại đây. Khoảng sân chung nằm trên lối đi vào nhà thờ tộc họ Nguyễn vừa là nơi tổ chức các hoạt động ngoài trời cho trẻ, vừa là chỗ để xe cán bộ nhân viên trường. Mỗi lần, nhà thờ tộc Nguyễn tổ chức giỗ, chạp, cán bộ giáo viên, nhân viên trường phải đem xe ra để ở ngoài đường kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đi lại của người dân.

Do cơ sở vật chất quá chật hẹp, số lượng trẻ gửi vào trường mỗi năm một tăng, từ nhiều năm nay, nhà trường phải lấy hội trường ngăn vách để làm phòng học cho 2 nhóm lớp. Còn BGH, nhân viên và thủ quỹ thì làm việc chung trong một căn phòng chật hẹp, ẩm mốc. Riêng chỗ làm việc của văn thư thì đặt dưới chiếu nghỉ chân cầu thang lên tầng 2, sát vách với bếp ăn. "Mùa hè thì nóng như lửa đốt. Mùa mưa thì bị nước mưa tạt từ hành lang tầng hai xuống. Khổ lắm!", văn thư Tú Trân than thở.

Nhưng điều khiến BGH và các cô giáo Trường MN Hoàng Lan quan ngại, lo lắng nhất là sự xuống cấp trầm trọng của các phòng học. Chỉ tay vào những vết nứt và tường phòng học bị thấm dột nặng, cô Bùi Thị Thanh Huyền nói: "Mỗi bận mưa xuống, chúng tôi phải tận dụng các ruột gối cũ để chống thấm, không để nước chảy tràn lan vào nơi các cháu học và ngủ trưa. La phông lớp học thường xuyên được đóng mới do mỗi lần mưa xuống lại bị vỡ bung ra". Qua tìm hiểu, được biết, do không có sân chơi rộng để tổ chức các hoạt động tập thể ngoài trời, nhà trường phải bố trí từng lớp ra sinh hoạt theo giờ quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các lớp học còn lại, bởi các cháu không chịu tập trung, cứ nhìn ra ngoài xem bạn vui chơi…

Do không có sân chơi, nên toàn bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời của Trường MN Cẩm Vân được tập kết dồn về một chỗ ngay trước tiền sảnh vào trường. 

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Hoa trăn trở: "Không chỉ không đảm bảo cho việc chăm sóc, tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ, mà các hoạt động chung của trường như tổng kết, văn nghệ mừng Đảng đón Xuân… đều phải mượn hội trường UBND phường để tổ chức. Giáo viên và các cháu ở đây thiệt thòi nhiều thứ lắm!". Cũng theo cô Hoa, đầu năm học mới này, nhà trường đầu tư khoảng 10 triệu đồng để sơn lại các phòng học và trám các chỗ nứt. Vậy nhưng mới kết thúc học kỳ I, các vết nứt lại xuất hiện, tường tiếp tục bị thấm trầm trọng. Trần nhà và tường lại mốc meo, lớp sơn vừa mới quét tiếp tục bong vỡ ra...

Tương tự, Trường MN Cẩm Vân cũng nằm trong kiệt nhỏ đường Hoàng Diệu, cơ sở vật chất chật chội ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc, phát triển thể chất cho trẻ. Là Hiệu phó Trường MN 20/10 được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng Trường MN Cẩm Vân đầu năm học mới 2015-2016, cô Trần Thị Như Lai không khỏi cám cảnh trước sự thiệt thòi của cô trò trường mình: "Lúc mới về nhậm chức ở trường này, tôi choáng trước điều kiện cơ sở vật chất. Trường không có sân để tổ chức các hoạt động ngoài trời nên hầu hết các hoạt động của các cháu đều gắn với 4 bức tường lớp học. Các thiết bị đồ dùng phục vụ vui chơi được cung cấp không có chỗ để, đành dồn tập trung trước thềm sân trường, không phát huy được công năng sử dụng. Ngay như lễ khai giảng, các cháu cũng không được dự đầy đủ. Mỗi lớp chọn ra 10 cháu để xuống sân dự lễ. Phụ huynh muốn dự cũng không được vì chẳng có chỗ  ngồi. Toàn trường có 275 HS với 6 phòng học. Những dịp trường tổ chức sự kiện, xe của giáo viên phải đem sang gửi tại nhà dân. Thường mỗi hoạt động tập thể ở các trường MN chỉ diễn ra trong 1 ngày, thì ở trường chúng tôi phải diễn ra trong 3 ngày để tất cả các cháu đều được tham gia. Nói thiệt, cô trò ở đây chịu thiệt thòi nhiều thứ lắm!".

Bếp ăn Trường MN Cẩm Vân nằm sát lớp học của trẻ.

Chuyển địa điểm trường là thượng sách

Một giáo viên công tác lâu năm tại Trường MN Cẩm Vân kể rằng, do nằm trong kiệt hẻm, xe taxi không vào được nên có lần, trẻ sốt cao lên cơn co giật, các cô phải thay phiên nhau bồng cháu chạy ra đường Hoàng Diệu mới đón được xe để đưa đi cấp cứu. Mới đây, một giáo viên trong trường bị bệnh cao huyết áp đột nhiên ngất xỉu, nhà trường cũng phải xử lý tương tự. Cũng vì đường vào trường hẹp, mới đây, một phụ huynh trên đường chở con đến trường, do tránh chiếc xe máy chạy ngược chiều khiến tay lái nghiêng và đứa trẻ rơi ra khỏi xe, suýt đụng vào bếp lửa nồi nước bún của một quán hàng ăn bán gần trường.

Không chỉ có thế, điều mà các cô giáo Trường MN Hoàng Lan và Cẩm Vân phập phồng, lo sợ  nhất chính là nếu lỡ có sự cố cháy xảy ra sẽ không biết xử lý như thế nào. Hiệu trưởng Trần Thị Như Lai nhớ lại: "Đầu năm học 2015-2016, đầu kiệt Hoàng Diệu vào trường xảy ra vụ cháy. Lúc đó, gần giờ ăn trưa của các cháu. Thấy người dân xung quanh chạy tán loạn, một số phụ huynh chạy đến để định đón con về. Nhìn thấy cảnh tượng nháo nhào đó, chúng tôi run lắm. Nếu phụ huynh cứ ào ào vào đón cháu, trong lúc bấn loạn, biết cháu nào ra cháu nào, rồi đường kiệt nhỏ, không khéo sẽ bị giẫm đạp lên nhau, rất nguy hiểm cho trẻ. May mà chúng tôi bình tĩnh xử lý và cũng may đám cháy được dập tắt kịp thời, không lan vào bên trong. Sau sự cố này, tôi trăn trở suy nghĩ và thay đổi quyết định không xin đầu tư nâng tầng trường nữa. Ngày 3-12 vừa rồi, trường làm tờ trình kiến nghị xin được chuyển địa điểm. Ở trong kiệt hẻm, dân cư đông đúc thế này, nếu xảy ra sự cố cháy, nhà trường biết di chuyển các cháu ra sao đây? Lo lắm!".

Trăn trở không kém, cô Tuyết Hoa - Hiệu trưởng Trường MN Hoàng Lan, mong muốn được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở mới ở một địa điểm thuận lợi hơn. "Nhà trường đã nhiều lần có kiến nghị về vấn đề này rồi. Theo tôi, di chuyển địa điểm chính là thượng sách. Chứ để tình trạng như hiện nay hoặc có được đầu tư nâng tầng đi chăng nữa, giáo viên và phụ huynh không thể an tâm…", cô Hoa nói.

Được biết, cả Trường MN Hoàng Lan và Cẩm Vân, hệ thống nhà bếp đều nằm cạnh lớp học. Mới đây, trong một lần đi kiểm tra về công tác PCCC, cơ quan chức năng đã khuyến cáo 2 trường phải bố trí bếp ăn riêng biệt để đảm bảo an toàn. Biết vậy nhưng cả 2 trường đều không biết phải di chuyển nhà bếp đi đâu vì không có chỗ.

Trước những bức xúc đó, ngành GD-ĐT Q. Hải Châu đã tham mưu cho chính quyền địa phương làm tờ trình gửi lên các cấp xin thay đổi địa điểm cho 2 cơ sở này nhằm đảm bảo việc chăm sóc trẻ. Rất mong, những kiến nghị này sớm được quan tâm, giải quyết.

P.Thủy