Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII:

Chấp thuận miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Thứ năm, 07/04/2016 07:02

* Giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ

(Cadn.com.vn) - Chiều 6-4, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 11, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã tiến hành bỏ phiếu kín để miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Tấn Dũng năm nay 67 tuổi, quê tại Cà Mau. Ông tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng liên tục 6 khóa (từ khóa VI đến khóa XI); Ủy viên Bộ Chính trị 4 khóa: VIII, IX, X, XI; đại biểu Quốc hội 4 khóa X, XI, XII, XIII. 

Thông qua 4 dự thảo Luật

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 6-4, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua các dự thảo: Luật tiếp cận thông tin; Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi). 

Luật tiếp cận thông tin bao gồm 5 chương, 37 điều đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ 88,46% tán thành. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2018. Luật quy định, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế gồm 4 điều đã được Quốc hội thông qua với 86,64% đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, trừ khoản 2 Điều này. Khoản 4 Điều 3 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2016. 

Theo kết quả được công bố, có 418 đại biểu bỏ phiếu đồng ý miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng tương đương với 81,63% tổng số đại biểu Quốc hội. Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc dự thảo Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ và tiến hành bỏ phiếu thông qua Nghị quyết này. Theo đó, với 430 đại biểu bỏ phiếu tán thành (87,04% tổng số đại biểu Quốc hội) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đối với ông Nguyễn Tấn Dũng. Nghị quyết có hiệu lực đến khi Quốc hội bầu được Thủ tướng Chính phủ mới. 

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trân trọng trao lẵng hoa tặng nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và gửi đến ông lời cảm ơn chân thành vì những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong suốt thời gian ông giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Người được giới thiệu ứng cử chức danh Thủ tướng Chính phủ mới là ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội khóa XIII. Quy trình bầu Thủ tướng Chính phủ sẽ diễn ra vào sáng nay 7-4.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) kỳ vọng sau khi được bầu, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ có kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu từng năm một. Ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng nên chú trọng vào vấn đề con người, cán bộ phải liêm khiết, chí công vô tư. Theo đại biểu, khi bộ máy cán bộ hoạt động hiệu quả, kỷ cương sẽ tốt hơn, kinh tế - xã hội mới phát triển bền vững, các vấn đề khác trong xã hội như phòng chống tham nhũng, tệ nạn... mới được giải quyết triệt để. “Và điều tôi mong đầu tiên chính là tân Thủ tướng sẽ có đột phá ở việc tinh giản bộ máy, biên chế, bởi con người là quan trọng nhất trong mọi việc và máy móc có hiện đại đến đâu cũng phải có con người. Khi con người làm việc có hiệu quả, kỷ cương được đảm bảo tốt, môi trường trong sạch thì tất cả mọi việc sẽ tốt hơn”, đại biểu Bùi Thị An nói. 

Đồng thời, đại biểu Bùi Thị An cũng mong muốn, các vị Bộ trưởng của một số Bộ được bầu mới tới đây, cùng với việc trung thành với Tổ quốc, nhân dân, thì phải có tầm để dự báo, điều hành ngành của mình đạt hiệu quả. Coi tham nhũng là giặc nội xâm, vì vậy đại biểu Bùi Thị An rất kỳ vọng lời tuyên thệ của tân Thủ tướng về việc quyết tâm chống tham nhũng. Đây là một việc mà cử tri rất quan tâm, nếu giải quyết được sẽ tạo niềm tin rất lớn đối với nhân dân - đại biểu nêu rõ. 

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đánh giá vai trò của Thủ tướng là rất quan trọng vì điều hành cả một nền hành pháp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do vậy, đây phải là người năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao trong từng lĩnh vực và điều hành sát sao, để làm cho các bộ, ngành, địa phương “nói phải đi đôi với làm”, làm phải có báo cáo, kiểm soát, nói để đấy phải kiểm điểm, làm không hiệu quả phải kiểm điểm, sai phạm đến đâu xử lý đến đó - đại biểu nêu rõ. ”Chúng ta phải nghĩ một cách nghiêm túc, từng bước khắc phục yếu kém, không thể ngày một ngày hai được nhưng tôi cho rằng phải kiên trì”, đại biểu Đương nêu. 

Trong bối cảnh như hiện nay, đại biểu Đỗ Văn Đương mong tân Thủ tướng sẽ có nhiều quyết sách đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; chi tiêu ngân sách Nhà nước hiệu quả để nợ công giảm, bội chi giảm. Đặc biệt, Thủ tướng cần cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng những giải pháp thiết thực cả về pháp lý, chính trị và trên thực địa, đại biểu Đương nhấn mạnh. 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh tin tưởng Quốc hội chọn ra người có đủ kinh nghiệm, uy tín, tài đức để bầu làm Thủ tướng. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ mới, đại biểu thấy rằng Thủ tướng cần phát huy được kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ trước, đồng thời khắc phục ngay những hạn chế, bất cập đã nêu trong báo cáo của Chính phủ nhiệm kỳ cũ (có 8 vấn đề còn tồn tại), đặc biệt là chính sách đảm bảo an sinh xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân. Để khắc phục 8 vấn đề tồn tại đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, điều cần làm ngay sau khi kiện toàn bộ máy Chính phủ là vấn đề về con người. Tất cả là do con người, do đó phải củng cố lại bộ máy của các bộ, ngành, phải tuyển chọn đúng người, đúng việc. Có chính sách mà con người không thực hiện và không có chế tài xử lý thì không thể giải quyết được - đại biểu nói. 

Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần chuyển sang nền hành chính phục vụ, đồng thời kiên quyết xử lý các vụ tham nhũng, từ đó bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để bộ máy đỡ cồng kềnh, đảm bảo thu nhập ổn định, giúp cán bộ công chức yên tâm công tác, tránh nảy sinh tham nhũng, phiền nhiễu làm mất lòng tin của nhân dân. Đại biểu đề xuất cần rà soát, ban hành các văn bản, quy định cụ thể người đứng đầu phải chịu trách nhiệm gì, bởi đại biểu nêu một thực tế “chúng ta có hình thức biểu quyết tập thể, sau đó nếu sai đổ lỗi hết cho tập thể. Bây giờ các tập thể biểu quyết sai cũng phải xử lý cả tập thể đó, sau đó mới lọc ra ai chịu trách nhiệm nhiều, mức độ đến đâu”. Trong xử lý tập thể, để tránh hình thức cần quy định trách nhiệm người đứng đầu của tập thể đó - đại biểu nêu rõ.

Thu Thủy – TTXVN