Chắt chiu bữa cơm công nhân

Thứ sáu, 21/08/2015 11:49

(Cadn.com.vn) - Sau những giờ tất bật tại nhà máy, những công nhân tại các khu công nghiệp ở Đà Nẵng lại trở về căn phòng trọ quen thuộc với bữa cơm giản đơn. Trong khu nhà trọ ở gần khu Công nghiệp Hòa Khánh (thuộc P.Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu), vợ chồng chị L. (26 tuổi, công nhân công ty M. (thuộc Khu công nghiệp Hòa Khánh) được xem là "khá" nhất bởi có chiếc... tủ lạnh cũ. "Cưới nhau rồi, tiền dành dụm mua được mấy vật dụng lặt vặt, trong đó đáng giá nhất là... chiếc tủ lạnh"-chị L. cười hồn nhiên. Chị bảo cũng nhờ chiếc tủ lạnh mà đồ ăn của vợ chồng có thể dè sẻn chia ra thêm làm nhiều bữa, đỡ tốn kém hơn. Chị L. làm việc ở công ty M. với thu nhập hàng tháng khoảng hơn 3 triệu đồng cộng với thu nhập của chồng tính tổng khoảng 6 triệu đồng. "Ấy mà vẫn phải co kéo chị ạ. Tiền nhà trọ, điện nước cũng hơn 1 triệu đồng. Mỗi tháng, vợ chồng mình cố gắng ăn tiêu thật tiết kiệm để dành được 1 triệu đồng phòng lúc ốm đau. Bởi vậy, mỗi bữa ăn cố gắng chỉ tiêu tốn khoảng 15.000 đồng thôi" - chị L. nói. Bé Na, con gái chị trước đây cho đi trẻ nhưng giờ đã phải gửi về quê cho ông bà nội nuôi. Nói đến con gái, mắt chị L. ngân ngấn nước. Chồng chị vừa ăn xong, ngồi ở góc phòng, nghe vợ nhắc tới con gái, anh chợt quay mặt đi và bước vội ra ngoài, tay quẹt ngang mặt, tay bấm điện thoại để nghe giọng con...

Trong căn phòng nhỏ, hai cô gái đang lục tục chuẩn bị bữa tối. Nói là "chuẩn bị" cho oai chứ thực ra chỉ có bát canh rau luộc và dĩa trứng chiên. "Trứng chiên là món quen thuộc của tụi mình mà"-Hương (20 tuổi, quê ở Quảng Bình) cười khoe chiếc răng khểnh, nói. Hương bảo, trứng luộc ăn hoài ngán quá nên phải chiên lên thì mới nuốt nổi cơm. Còn Hồng (19 tuổi, quê ở Quảng Bình), cùng phòng với Hương thì liếc bạn chặc lưỡi, thở dài: "Biết làm sao được, đi chợ bữa nay khó lắm, cái gì cũng lên giá. Chỉ có trứng và đậu khuôn là rẻ thôi. Vì "quy định" chỉ 13.000 đồng/bữa ăn cho 2 đứa nên mua cái gì cũng khó". Hai cô gái làm cho công ty Cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam với mức thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. "Bố mẹ em làm nông ở quê khó khăn lắm. Mỗi tháng phải dành dụm gửi về nhà giúp gia đình và để dành một ít để sau này không làm được nữa về quê còn có chút vốn" - Hương chia sẻ. Bởi vậy, cô gái trẻ ăn tiêu khá tiết kiệm trong số tiền thu nhập ít ỏi của mình. Ngoài giờ làm, Hương cũng chẳng dám đi chơi đâu vì sợ tốn tiền, chỉ quanh quẩn ở phòng trọ.

Bữa ăn công nhân thường rất đạm bạc.

Chợ "công nhân" là cái tên mà những người buôn bán đặt cho những mẹt hàng cuối ngày ở bên hông chợ Hòa Khánh hay khu chợ tạm đằng sau khu công nghiệp Hòa Khánh. Chợ "công nhân" ở đây khá đặc biệt. Đặc biệt bởi giá cả rất... công nhân, rẻ hơn so với ở chợ bình thường từ 2-3 giá. Đặc biệt ít có sự trả giá nhiều bởi người bán cũng đã chấp nhận bán rẻ mà người mua cũng biết khó có thể mua được rẻ hơn nữa.

Chiều muộn, hai công nhân Công ty Hamadeco (Hầm Hải Vân) dừng trước hàng cá bên hông chợ Hòa Khánh, ngần ngừ. Thấy Lan, một trong hai công nhân lật xem cá, chị chủ hàng cá xua tay: "Đừng em, nát cá bây giờ. Giờ này mới có cá rẻ chứ buổi sáng thì giá phải gấp đôi đó nha". Sau một hồi "thảo luận" với bạn, tính toán với số tiền cầm trong tay, Lan nói nhỏ: "Bán cho tụi em 10.000 đồng nhé". Chị chủ hàng cằn nhằn: "Lúc sáng chị bán 50.000 đồng/kg, giờ giảm giá còn 30.000 đồng/kg. Giờ em mua 10.000 đồng thì bán thế nào?". Nói là nói vậy nhưng chị cũng cân cho Lan 2 con cá nhỏ, nhìn qua cũng biết là không còn tươi nữa. Lan bảo, đi chợ phải co kéo sao cho không vượt quá "quy định" là 15.000 đồng. Hai con cá này đủ cho 3 người ăn dè sẻn trong 1 bữa tối còn nếu ăn "tiết kiệm" thì để dành sáng mai ăn sáng khỏi mua quà sáng, đỡ tốn kém. Đứng cạnh Lan, hai công nhân khác cũng đang kỳ kèo trả giá mớ cá chim trắng cũng không còn tươi. "Cá chim trắng là cá rẻ nhất ở đây. Rẻ vì nó nhiều xương nhưng lại được công nhân mua nhiều nhất. Bình thường là 32.000 đồng/kg nhưng bán ở đây chỉ có 20.000 đồng/kg. Vậy mà các em còn chê đắt nữa" - chị chủ mẹt hàng cá lắc đầu phân trần.

Quầy rau củ là quầy được nhiều công nhân lựa chọn nhất. "Nhiều khi hết tiền, tụi em chỉ mua rau về ăn với mì tôm là xong bữa. "Sang" hơn thì mua thêm quả trứng hoặc ít cá khô" - Lê Mận (25 tuổi, công nhân may ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh thổ lộ). Mận cho biết, thu nhập của em chỉ hơn 2 triệu đồng nên phải chi tiêu dè sẻn hết mức mới tạm đủ. Chị Hoa, chủ hàng rau, củ lắc đầu: "Mấy em công nhân chỉ chú ý đến loại nào rẻ thôi chứ ít quan tâm đến chất lượng. Bán mà lên giá chút đỉnh là họ không mua ngay".

Ánh nắng cuối ngày dần tắt, bóng dáng những công nhân vẫn tất bật rảo khắp chợ, tìm kiếm những món hàng thật rẻ, để lại đằng sau những nhọc nhằn, lo toan sau 1 ngày vất vả.

Mộc Miên