Chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Chất xám có bị lãng phí

Thứ bảy, 13/06/2015 09:11

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục phiên chất vấn, ngày 12-6,  Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân và Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Phần chất vấn có nhiều nội dung thuộc lĩnh vực 2 Bộ phụ trách, song trong đó vấn đề tận dụng chất xám và đào tạo, ươm trồng chất xám được các ĐB quan tâm hơn cả.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân: “Có lãng phí trong lĩnh vực khoa học”

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “Trường hợp 3-4 điểm cũng đỗ đại học”

Đa phần các đề tài “xếp ngăn kéo”, nhưng vì chúng đi trước... thời đại!

Đăng đàn, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đã nhận được câu hỏi của các đại biểu Trần Thị Kim Thúy, Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Nguyễn Thị Khá... về các vấn đề nóng của ngành Khoa học Công nghệ như: về vấn đề nhân lực, vấn đề chi ngân sách cho các nghiên cứu KHCN, về các cơ chế xin cho trong việc chi ngân sách cho các dự án nghiên cứu, vấn đề “công trình ngăn kéo”, vấn đề ứng dụng các đề tài nghiên cứu KHCN vào thực tiễn...

Đề cập tới một trong những hạn chế tồn tại của nền khoa học nước nhà là chưa có thị trường khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân vì sao đến nay ta chưa có thị trường khoa học và đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm và giải pháp. Bộ trưởng Nguyễn Quân phân tích và nhìn nhận rõ trách nhiệm của Bộ KHCN và cá nhân Bộ trưởng trong vấn đề này.

Bộ trưởng cho biết: Thị trường khoa học là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường của Việt Nam. Sau năm 2000, nước ta mới bắt đầu xây dựng thị trường này. Năm 2004, Thủ tướng đã có quyết định về phát triển thị trường khoa học công nghệ và năm 2014 có quyết định về thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ. Theo Bộ trưởng Quân, thị trường khoa học công nghệ có 4 yếu tố. Thời gian trước, nước ta mới quan tâm hai yếu tố là cung và cầu công nghệ. Cung là các sản phẩm của các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, các tổ chức cá nhân. Cầu chính là các doanh nghiệp.

Trong 4 yếu tố đó, 2 yếu tố chưa được quan tâm thỏa đáng, đó là các định chế trung gian trong thị trường công nghệ và môi trường pháp lý của thị trường công nghệ. Những năm gần đây, Bộ đã nỗ lực xây dựng thể chế cho KHCN. Đến nay, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường công nghệ đã được hoàn thiện. Bộ trưởng nhìn nhận khâu yếu nhất hiện nay đó chính là xây dựng định chế trung gian trong thị trường công nghệ. Yếu kém này dẫn đến kết quả nghiên cứu không đến được với sản xuất và kinh doanh.

Làm rõ hơn về khâu yếu này, Bộ trưởng cho biết, hiện ta không có các định chế trung gian, các tổ chức làm dịch vụ trong thị trường khoa học công nghệ như các tổ chức môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra kiểm định... Đây là nguyên nhân vì sao các nhà khoa học không tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình. Các doanh nghiệp vẫn đi tìm nguồn công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài. Để giải quyết khâu yếu này, Bộ trưởng khẳng định cần đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Cụ thể hóa việc này, Bộ đã có những bước đi cụ thể, trong đó tập trung vào các sàn giao dịch công nghệ tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM.

Tại đây, các doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau thông qua tổ chức trung gian là ban quản lý các sàn giao dịch công nghệ. Cùng với đó là việc tổ chức các chợ về thiết bị công nghệ quốc gia, khu vực và quốc tế; qua đó các nhà khoa học, doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết do khó khăn về ngân sách và biên chế, việc hình thành các tổ chức dịch vụ trung gian trong thị trường công nghệ công lập đang vướng mắc trong khi tư nhân thì chưa thực sự quan tâm vấn đề này.

Với quyết tâm giải quyết điểm nghẽn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Bộ KHCN đã trình Thủ tướng ban hành quyết định mới về thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và có chương trình quốc gia về phát triển thị trường công nghệ. Đồng thời, với vai trò quản lý ngành, Bộ sẽ xúc tiến việc tìm kiếm các nguồn đầu tư để sớm thành lập các đơn vị, các định chế trung gian trong thị trường công nghệ, góp phần hỗ trợ nguồn cung và cầu.

Đánh giá hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học hiện còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng đề tài xếp ngăn kéo, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân bao giờ khắc phục được vấn đề này.

Trả lời câu hỏi về vấn đề tính hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân thẳng thắn thừa nhận, có khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đa phần các đề tài “xếp ngăn kéo”, nhưng vì chúng đi trước thời đại nên không thể đưa vào ứng dụng ngay được.  

Cũng về lãng phí trong lĩnh vực khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Quân không trả lời thẳng mà lại nói chi kinh phí cho khoa học ở  nước ta theo đầu người thấp nhiều hơn so với thế giới. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng “truy” đến cùng, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã thừa nhận là có lãng phí trong khoa học, và việc này liên quan đến cơ chế đầu tư không tới ngưỡng, đề tài không bám sát cuộc sống nên không dùng được.

Trả lời chất vấn của ĐBQH về việc làm gì để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ: Luật KHCN đã có những nội dung quan trọng để khắc phục tình trạng này. Luật quy định những nhiệm vụ sử dụng ngân sách Nhà nước phải là nhiệm vụ theo đặt hàng, phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh và cuộc sống, không được xuất phát từ ý thích.

Nghị định 8 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KHCN cũng đã quy định rõ về cơ chế đặt hàng. Các tổ chức, cá nhân có quyền đề xuất mong muốn của mình nhưng cơ quan quản lý phải căn cứ vào chiến lược phát triển và nhiệm vụ được giao xác định yêu cầu đó có đáp ứng không, sau đó mới đề xuất với các cơ quan. Đồng thời, Nghị định quy định rõ các cơ quan đặt hàng phải cam kết khi tổ chức nghiên cứu thành công phải tiếp nhận và ứng dụng thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng chỉ khi nào thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật KHCN, sẽ chấm dứt được tình trạng đề tài xếp ngăn kéo.

Riêng về nguồn phóng xạ bị mất, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, trong 5 năm gần đây có 4 lần xảy ra mất nguồn phóng xạ, trong đó 2 nguồn đã tìm lại được, 2 trường hợp chưa tìm thấy, rất may là chưa gây tác hại lớn. Ông cũng nhận trách nhiệm của Bộ KHCN về việc trên. Tuy nhiên ông cũng cho biết, khâu kiểm tra, giám sát, thanh tra hàng năm về phóng xạ làm chưa thật đầy đủ bởi hiện không còn thanh, kiểm tra liên ngành về phóng xạ, mà chỉ thông qua thanh tra của Sở KHCN. Với khoảng 3.000 cơ sở sử dụng phóng xạ, mà nhân lực kiểm tra mỏng nên công tác kiểm tra ít.

* Tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH vào sáng 12-6, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được thêm nhiều câu hỏi về vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vấn đề an toàn lưới điện, điện cho hải đảo, nông thôn...

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thời gian tới sẽ đánh mạnh vào hàng giả, hàng kém chất lượng; nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 có thể cung cấp đủ điện cho vùng nông thôn; giải quyết tình trạng ách tắc giao thông khu vực cửa khẩu bằng kiến nghị Chính phủ xây dựng khu trung chuyển đủ sức chứa hơn 1.000 xe tải, vừa chờ tập kết; điều hành minh bạch giá điện, xăng dầu...

Trường hợp 3-4 điểm cũng đỗ đại học

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn của các ĐB liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. ĐB Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc tổ chức thi theo cụm chưa nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. 

Ở miền núi, tỷ lệ các em thi chỉ để xét tốt nghiệp lớn, điều này có phải vì các em thiếu tự tin để đăng ký vào các trường ĐH? Do đó làm sao để phát triển tri thức cho vùng cao? ĐB Trịnh Ngọc Thạch bày tỏ lo lắng: Những năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, thậm chí có địa phương đến 99% do các địa phương tổ chức. Năm nay các cơ sở giáo dục đại học chủ trì, làm nghiêm hơn nên có sự lo lắng là tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải, việc thi theo cụm được phân làm 2 loại. Một loại dành cho thí sinh có nhu cầu tốt nghiệp thì thi ở ngay địa phương, ở đây theo báo cáo lại là tại huyện. Như vậy sẽ không có gì khó khăn cho thí sinh. Thứ hai là các em có nhu cầu đăng ký tuyển sinh vào ĐH.

Đối với đối tượng này, theo Bộ trưởng, trước đây các em cũng phải “khăn gói” từ quê lên các thành phố lớn để dự thi ĐH. Bây giờ khoảng cách được rút ngắn hơn do được bố trí 38 cụm thi. “Sự thay đổi này không làm cho các cháu đi lại khó khăn hơn mà giảm số lần đi 1 lần. Trước đây, khi thi xong khối A, lại thi thêm khối B nữa thì các cháu phải đi lại nhiều lần. Do đó không có gì khó khăn”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Về mối băn khoăn của ĐB Trịnh Ngọc Thạch, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, việc chấm và coi thi đều có những quy chế. Dù các thầy cô giáo ở địa phương hay các trường ĐH, ở Trung ương đều coi thí sinh là học sinh, con em thân yêu của mình. Vì sau khi tốt nghiệp, các em có thể trở thành sinh viên của các thầy cô ở bậc ĐH.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tính đến barem chấm điểm kỹ càng. Quá trình thi cử phải nghiêm túc, vì thi cử cũng là hình thức giáo dục nhân cách cho các em. Kết quả phải là phần lớn, không nên có sự thay đổi đột ngột. Điều này đã được quán triệt với hầu hết hiệu trưởng các trường ĐH, các giám đốc sở”.

Qua truyền hình và phát thanh trực tiếp, Bộ trưởng nhắn nhủ tới các em học sinh hãy yên tâm làm bài tốt. Sự thay đổi không tạo cú sốc mà là sự chuyển biến để chất lượng tốt lên”.

Bộ trưởng chia sẻ thêm, đối với các cháu ở miền núi không được hưởng các dịch vụ tốt như ở các vùng thuận lợi, Chính phủ và ngành Giáo dục có chế độ cộng điểm ưu tiên. Thậm chí Bộ GD –ĐT còn bị cảnh báo là có thể có em đạt 3 – 4 điểm cũng đậu. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phải đào tạo và chúng ta có chương trình dự bị, bổ túc để đào tạo thêm cho con em miền núi.

Trả lời câu hỏi của ĐB  Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) về việc huy động nhà nghiên cứu khoa học, xã hội học, chuyên gia cùng biên soạn bộ SGK trên nền tảng văn hóa Việt Nam; Giải pháp nâng cao hiệu quả học ngoại ngữ tại các cấp học. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm rõ: việc biên soạn bộ SGK mới đang được tiến hành và đúng hướng.

Việc Bộ mời các nhà khoa học trong và ngoài nước, trao đổi kinh nghiệm với cơ quan giáo dục của nhiều nước sẽ giúp cho mọi người  có cái nhìn tổng quát hơn. Để từ đó, trên nền tảng văn hóa Việt Nam, hệ thống giáo dục sẽ biết ứng dụng điều gì để làm ra bộ SGK tốt hơn.

B.T