Châu Á đối mặt với thách thức dân số già nhanh

Thứ ba, 28/02/2023 10:39
Châu Á đang đứng trước vấn đề vô cùng lớn: dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ lục địa nào khác. Điều này gây áp lực lên hệ thống y tế nói riêng cũng như xã hội nói chung.
Hàn Quốc có 249.000 trẻ chào đời trong năm 2022, giảm 4,4% so với năm 2021. Ảnh: Reuters.
Hàn Quốc có 249.000 trẻ chào đời trong năm 2022, giảm 4,4% so với năm 2021. Ảnh: Reuters.

Dân số giảm

Sau hàng chục năm tăng mạnh, dân số Trung Quốc lần đầu tiên ghi dấu mức giảm kể từ năm 1961. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tính đến cuối năm ngoái, dân số nước này là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với một năm trước đó. Tỷ lệ sinh trung bình năm ngoái là 6,77/1.000 người, mức thấp kỷ lục tại Trung Quốc.

Ngoài ra, số người từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc lên tới 264 triệu người, chiếm 18,7% dân số, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên đạt 190 triệu người, chiếm 13,5% dân số. Cùng với số người cao tuổi tăng, kết quả điều tra cũng cho thấy, số người trong độ tuổi lao động từ 15-59 giảm 45 triệu người trong 10 năm qua; số trẻ sơ sinh giảm sáu năm liên tiếp và tỷ lệ sinh năm 2020 ở mức 1,2 con, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế 2,1 con.

Tại Hàn Quốc, theo báo cáo của Cơ quan Thống kê (KOSTAT) nước này hôm 26-2, có tổng cộng 249.000 trẻ chào đời trong năm 2022, giảm 4,4% so với mức ghi nhận năm 2021. Tổng tỷ suất sinh (TFR) (số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời) của Hàn Quốc năm 2022 là 0,78. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi KOSTAT bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan. Năm 2022, chỉ có 249 nghìn trẻ chào đời tại nước này, giảm 4,4% so với năm 2021 và đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số ca tử vong vượt quá số ca sinh ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Năm 2022, độ tuổi trung bình (sinh nở) của các sản phụ tại nước này là 33,5 tuổi; tăng 0,2 tuổi so với năm 2021. Phụ nữ sinh con đầu lòng ở độ tuổi trung bình là 33; sinh con thứ 2 và thứ 3 lần lượt ở độ tuổi 34,2 và 35,6 tuổi.

Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản cũng cảnh báo, sự suy giảm dân số đang đưa đất nước "đến bờ vực rối loạn chức năng xã hội". Theo báo cáo của Cơ quan thống kê Nhật Bản (2022), phân bố dân số Nhật Bản năm 1950 có hình dạng chuẩn của một kim tự tháp, với phần đế tháp khá rộng. Tuy nhiên, tháp dân số của Nhật Bản đã thay đổi nhanh chóng, bởi sự sụt giảm của cả tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết. Năm 2022 là năm thứ 11 liên tiếp dân số Nhật Bản giảm, đồng thời đánh dấu một cột mốc đáng báo động khi số trẻ sơ sinh được sinh ra lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1890, thời điểm các số liệu bắt đầu được lưu trữ, giảm xuống dưới ngưỡng 800.000 trẻ.

Năm 2020, tỷ lệ già hóa dân số (trên 65 tuổi) của Nhật Bản đã ở mức 28,6% so với mức 11,4% của năm 1950. Năm 2021, cứ bốn người dân Nhật Bản có một người cao tuổi. Theo dự báo của cơ quan trên, tỷ lệ dân số già trong cơ cấu dân số Nhật Bản sẽ tăng lên 31,2% vào năm 2030, 35,4% vào năm 2040, 37,7% vào năm 2050 và sẽ ở mức 38,1% vào năm 2060.

Nhiều hệ lụy

Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia điển hình của tình trạng suy giảm dân số, thì việc quốc gia đông dân nhất thế giới như Trung Quốc đối mặt với xu hướng tương tự đã phản ánh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong khu vực. Giới chuyên gia cho rằng thực trạng này xuất phát từ chi phí nuôi con cao, bất bình đẳng giới, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong công việc và xã hội, tư tưởng về hôn nhân và gia đình thay đổi, tăng trưởng kinh tế chậm trong bối cảnh dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị khiến nhiều gia đình thận trọng trong việc sinh con. Việc Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách một con kéo dài đã giúp kích thích sự bùng nổ kinh tế, nhưng cũng đồng thời dẫn đến tỷ suất sinh thấp và dân số già đi. Dù Trung Quốc sau đó đã chấm dứt chính sách này, song mức sống đắt đỏ, chi phí giáo dục và y tế tăng lên khiến giới trẻ có xu hướng lập gia đình trễ.

Tình trạng giảm dân số và dân số già sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề cả về phương diện kinh tế và xã hội, khi làm thiếu hụt nguồn nhân lực, tăng chi phí trợ cấp xã hội, giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế. Dự báo Hàn Quốc sẽ vượt qua ngưỡng của một xã hội siêu già hóa vào năm 2025, đồng nghĩa rằng các trường học đối mặt với tình trạng thiếu sinh viên, ngành sản xuất, dịch vụ, cung ứng hàng hóa thiếu nhân lực, kéo theo giảm sức mua, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ.

Dân số già hóa sẽ khiến nguồn chi cho lương hưu, y tế, chăm sóc sức khỏe và các bảo hiểm xã hội khác tăng nhanh. Giảm dân số cũng dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội, khiến lương hưu giảm theo, gây khó khăn cho việc duy trì hệ thống hưu trí. Điều này gia tăng áp lực về bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là gánh nặng của lực lượng lao động chủ yếu là giới trẻ. Theo ước tính, năm 2050, số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc rất có thể sẽ giảm khoảng 200 triệu người.

Đâu là giải pháp?

Các quốc gia đã tìm nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng này, bao gồm khuyến khích đẻ con thứ hai, thứ ba, các chính sách hỗ trợ gia đình trẻ, xây dựng môi trường thân thiện với trẻ em…

Trong thập niên qua, Nhật Bản đã tăng cường trợ cấp nghỉ thai sản dành cho cha mẹ, giúp tỷ lệ các ông bố được nghỉ phép tăng lên 12,7% trong năm 2020 từ mức chỉ 1,4% của năm 2010. Dù tỷ lệ này còn khiêm tốn song cũng đã góp phần thúc đẩy sự gia tăng đáng kể tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ Nhật Bản, đạt 82% đối với phụ nữ từ 22 - 54 tuổi trong năm 2022. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích nam giới tham gia nuôi dạy con cái và tạo điều kiện để phụ nữ quay lại làm việc sau khi sinh. Các nhà phân tích tin rằng tập trung vào lợi ích của cha mẹ là chưa đủ, các chính phủ còn cần đầu tư vào sức khỏe cộng đồng và chuẩn bị sẵn sàng cho những sự cố tiếp theo như đại dịch, bảo vệ công dân khỏi những biến động kinh tế để thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Bên cạnh đó, thời gian qua, một số quốc gia đã thúc đẩy chính sách du nhập cư, tức nhận thêm nhiều lao động nhập cảnh, như một phương án ngắn hạn để giải quyết vấn đề này. Từ năm 2022, Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy nhập cư có chọn lọc, nghĩa là tạo điều kiện cho những người ngoại quốc có trình độ được nhập cư, đồng thời thực hiện chính sách khuyến khích sinh viên Trung Quốc du học trở về nước làm việc. Tương tự, Hàn Quốc cũng có kế hoạch tăng hạn ngạch lao động phổ thông nước ngoài trong năm 2023, tăng mạnh số đối tượng được tiền trợ cấp khuyến khích tuyển dụng người cao tuổi để tăng nguồn cung lao động.

AN BÌNH