Châu Á lo ngại "sóng thần" Omicron
Các nước châu Á đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó sau khi nhiều nước trong khu vực phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên.
Một điểm tiêm vaccine COVID-19 ở Jakarta, Indonesia hôm 10-12. Ảnh: Reuters
Ngày 16-12, Philippines, Indonesia và Campuchia đều ghi nhận ca mắc biến thể Omicron đầu tiên. Theo tờ Straits Times, diễn biến này góp phần gia tăng bất an khắp châu Á.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin ngày 16-12 xác nhận Indonesia đã xác định ca đầu tiên nhiễm chủng Omicron. Ca nhiễm này được phát hiện vào tối 15-12, là một nhân viên tại bệnh viện Wisma Atlet ở Jakarta, không đi du lịch ra nước ngoài. Bộ trưởng Sadikin cho biết cho đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm lây lan từ cộng đồng, nhưng có thêm 5 ca nghi ngờ nhiễm Omicron, bao gồm 2 người Indonesia mới trở về từ Mỹ, Anh và 3 công dân Trung Quốc hiện đang được cách ly ở Manado, Bắc Sulawesi. Chính phủ đang chờ giải trình tự gen để xác định những trường hợp này.
Tại Philippines, các quan chức y tế thủ đô Manila thông báo phát hiện 2 du khách, một người đến từ Nhật Bản ngày 1-12 và một người khác đến từ Nigeria vào ngày 30-11, đều mắc chủng Omicron. Cả 2 du khách này đều không có triệu chứng. Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia xác nhận đã phát hiện chủng Omicron ở một phụ nữ 23 tuổi mới trở về từ Ghana, có quá cảnh tại Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất (UAE) và Thái Lan. Người phụ nữ này đang mang thai 15 tuần tuổi. Trước đó, biến chủng Omicron đã được ghi nhận tại Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Những ca mắc mới Omicron tại châu Á trùng hợp với cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng Omicron đang lây lan mạnh "như cháy rừng".
Được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, Omicron cho đến nay đã lan tới 79 nước trên thế giới, thậm chí WHO cho rằng biến chủng này có thể đã xuất hiện ở hầu hết quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện. Những lo ngại về biến chủng mới đã làm thay đổi kế hoạch mở cửa trở lại của châu Á sau 2 năm đại dịch càn quét. Giới quan sát cho rằng, sự xuất hiện của Omicron sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của các nước châu Á, khi các nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Hiện chính phủ nhiều quốc gia châu Á đã áp đặt lệnh kiểm soát biên giới chặt chẽ ở thời điểm châu Âu đang đối đầu với làn sóng lây nhiễm mới.
Nhiều quốc gia châu Á, bao gồm Singapore, đã đóng cửa biên giới đối với khách du lịch từ Nam Phi, nơi Omicron được phát hiện đầu tiên, và các quốc gia khác nơi biến chủng này đã lan rộng. Nhật Bản thậm chí cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài sau khi có thông tin về Omicron.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu độc lập vào ngày 15-12 cảnh báo, Philippines có thể đối mặt với "mức tăng nghiêm trọng" các ca mắc COVID-19 nếu Omicron "đặt chân" đến lãnh thổ nước này. Tiến sĩ Guido David, một thành viên của nhóm nghiên cứu Octa, đã rút ra những điểm tương đồng giữa Nam Phi và Philippines trong việc ứng phó với biến chủng Omicron. Ông nói rằng từ chưa đầy 300 ca nhiễm mới mỗi ngày, Nam Phi hiện có gần 40.000 ca nhiễm. "Mặc dù độ phủ vaccine ở Philippines cao hơn đáng kể so với Nam Phi, nhưng nếu biến chủng Omicron xâm nhập vào biên giới của Philippines, nó có thể dẫn đến sự gia tăng nghiêm trọng số ca nhiễm mới", ông David cảnh báo.
Trong tháng qua, Philippines có số ca mắc mới COVID-19 thấp với tỷ lệ trung bình ngày là 91 ca trong 2 tuần đầu tháng 12. Chính phủ Philippines đã nới lỏng các hạn chế đồng thời đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine COVID-19. Philippines cũng gỡ bỏ yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang. Rạp chiếu phim tại nước này đã mở cửa trở lại. Những điểm du lịch nổi tiếng ở Philippines như đảo Boracay đã ghi nhận mức đặt lịch kỷ lục.
Đến thời điểm này, Philippines đã áp dụng trở lại quy định xét nghiệm và cách ly bắt buộc đối với 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Philippines tạm hoãn triển khai chương trình cho phép một số du khách nước ngoài đã tiêm phòng được nhập cảnh vào nước này, trong khi Australia và Ấn Độ thông báo sẽ xem xét lại các biện pháp siết chặt biên giới. Hàn Quốc cũng nhanh chóng thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từ một số quốc gia châu Phi.
KHẢ ANH