Châu Âu chia rẽ về chiến lược mới với Nga

Thứ bảy, 26/06/2021 14:40

Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Putin ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tuần trước, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp đã hối thúc Liên minh Châu Âu (EU) tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Nga để thiết lập lại quan hệ, trong bối cảnh EU thừa nhận rằng mối quan hệ với Moscow "đang ở mức thấp nhất" trong lịch sử. Tuy nhiên, không phải thành viên nào trong nhóm cũng hào hứng với ý tưởng này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

"Hành động ngoại giao cần thiết"

Ngày 23-6 cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi EU mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối này dự kiến diễn ra vào ngày 24, 25-6 tại Brussels (Bỉ). Đề xuất của Đức được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ. Berlin và Paris hy vọng rằng EU sẽ sẵn sàng hợp tác với Moscow trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như bảo vệ môi trường, cuộc chiến chống khủng bố, y tế và các chương trình vũ trụ. Bà Merkel lưu ý rằng châu Âu cần thay đổi hướng đi trong hợp tác với Moscow để từng bước cải thiện quan hệ.

Hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp khẳng định đề xuất gặp Tổng thống Nga Putin của họ là "hành động ngoại giao cần thiết". "Theo ý kiến của tôi, chúng ta, với tư cách là Liên minh châu Âu, cũng cần thúc đẩy liên hệ trực tiếp với Nga và Tổng thống Nga", Merkel nói trước khi bay đến Brussels để họp với các lãnh đạo EU. "Chỉ Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với Tổng thống Nga là không đủ. Tôi rất hoan nghênh điều đó, nhưng EU cũng phải tạo ra các diễn đàn để đối thoại", bà nói thêm.

Đáp lại đề nghị của bà Merkel và ông Macron, hôm 24-6, Điện Kremlin tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ ý tưởng khôi phục đối thoại và tiếp xúc giữa Nga và EU. Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Một cuộc đối thoại như vậy thực sự cần thiết cho cả Brussels và Moscow. Chúng tôi tích cực cân nhắc đề xuất như vậy".

Nga ra "cảnh báo sấm sét" với Anh sau vụ đụng độ ở Biển Đen

Ngày 25-6, hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc Anh và Mỹ tìm cách kích động xung đột ở Biển Đen.

Ông Ryabkov tuyên bố, Nga sẽ bảo vệ các đường biên giới bằng mọi giá, kể cả phải dùng tới biện pháp quân sự. Nga cũng cảnh báo sẽ dội bom vào các tàu hải quân của Anh trên Biển Đen nếu có thêm bất kỳ hành động gây hấn nào từ phía lực lượng này ở ngoài khơi bờ biển Crimea, vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập mà London và các nước phương Tây cáo buộc chiếm đóng bất hợp pháp.

Kể từ sau vụ việc xảy ra hôm 23-6, khi Hạm đội Biển Đen của Hải quân cùng Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Nga thông báo bắn đạn và thả bom cảnh cáo tàu khu trục Anh HMS Defender xâm phạm biên giới Nga và đi sâu vào lãnh hải Nga 3 km ở khu vực mũi Fiolent, Moscow liên tục đưa ra cáo buộc và lời lẽ đanh thép tới London. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, vụ việc của tàu khu trục HMS Defender không thể không có sự thỏa thuận với "người anh cả" Mỹ. Phía Anh đã bác bỏ thông báo của Hải quân Nga về việc bắn cảnh cáo, cho rằng không hề có phát súng nào hướng về phía tàu Anh cũng như những lời giải thích của Moscow về vụ việc là "không chính xác".

A.B

EU bác đề xuất của Đức, Pháp

Đề xuất của hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên EU, đặc biệt là những quan chức đến từ các nước Baltic và Phần Lan vốn ủng hộ lập trường cứng rắn với Moscow. Họ nhấn mạnh đề xuất trên có thể phản tác dụng và khiến EU bị chia rẽ, bởi nó thể hiện sự mềm yếu với Nga giữa lúc phương Tây liên tục đe dọa trừng phạt bổ sung với Moscow. Trong khi đó, một số đại diện các nước cho rằng vẫn còn "quá sớm" để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh "khi có vấn đề tích cực để thảo luận". Nhiều ý kiến cũng yêu cầu làm rõ "về định dạng cho cuộc đối thoại này", ví dụ như cách thức và cấp độ tiến hành đối thoại.

Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo EU cho biết: "Hội đồng Châu Âu nhấn mạnh rằng, EU cần có sự phối hợp và phản ứng quyết liệt đối với bất kỳ động thái không mang tính tích cực, bất hợp pháp và gây rối nào nữa của Nga". Liên minh này đồng thời yêu cầu Đại diện cấp cao của Ủy ban về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đề xuất các biện pháp trừng phạt Nga để các thành viên xem xét trong một số vấn đề như khí hậu và môi trường, y tế, các chính sách đối ngoại và an ninh cũng như các vấn đề đa phương như thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề Syria và Libya.

Ngày 25-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nhà lãnh đạo EU đã bác bỏ đề xuất của Đức và Pháp về việc tái khởi động các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau nhiều năm bị đóng băng. Phát biểu sau cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo EU, bà Merkel nhấn mạnh, hiện liên minh này chưa nhất trí về việc tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất ngay lập tức với Nga, thay vào đó Brussels đồng ý duy trì và phát triển "một định dạng cho cuộc đối thoại" với Moscow.

AN BÌNH