Châu Âu đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm

Thứ năm, 25/08/2022 10:58
Báo cáo tháng 8 của Đài Quan sát Hạn hán Toàn cầu thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết, châu Âu đang phải đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua, với khoảng 64% diện tích đang trong tình trạng báo động vì hạn hán.
Mực nước trên sông Rhine ở Đức thấp hơn thông thường, ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu thuyền. Ảnh: DW
Mực nước trên sông Rhine ở Đức thấp hơn thông thường, ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu thuyền. Ảnh: DW

Theo báo cáo mới nhất này, 47% diện tích lục địa đang trong tình trạng báo động do độ ẩm của đất bị giảm sút, 17% lục địa trong tình trạng báo động do thảm thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng cộng, khoảng 64% diện tích EU đang trong tình trạng báo động vì hạn hán. "Theo các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu hỗn hợp (JRC) của châu Âu, các đợt hạn hán hiện nay dường như tồi tệ nhất trong vòng ít nhất 500 năm qua. Dữ liệu vào cuối mùa sẽ xác nhận đánh giá sơ bộ này", Ủy ban châu Âu cho biết.

Theo báo cáo, hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm. Đất đai ngày càng khô cằn do các đợt nắng nóng liên tiếp ập tới kể từ tháng 5 và tình trạng thiếu mưa kéo dài. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng tiếp tục mở rộng, trở nên tồi tệ hơn vào đầu tháng 8. Dự báo tình trạng có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 11.

Hạn hán khiến mực nước các con sông của châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Theo thống kê, nguồn của sông Thames ở Anh đã dịch chuyển 8km về phía hạ lưu. Sông Po - được ví như "vua của các con sông" và là nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp Italy - đã cạn trơ đáy. Mực nước sông Rhine ở Đức đã giảm mạnh làm tê liệt các hoạt động giao thương thiết yếu và thuyền bè bị mắc cạn.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng hạn hán diễn ra thường xuyên hơn ở châu Âu, có thể không phải là hàng năm, nhưng chắc chắn là cứ sau một, hoặc ít nhất là 3 năm lại xảy ra một lần như thế. Ông Jos Timmerman - chuyên gia về khí hậu và nước đánh giá: "Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân khiến vấn đề hạn hán tại châu Âu thêm trầm trọng, việc thiếu các cơn mưa khiến đất đai trở nên thiếu độ ẩm và trở nên khô cằn hơn và châu Âu buộc phải chuẩn bị cho các kịch bản như này trong tương lai".

Tình trạng hạn hán sẽ ảnh hưởng nặng nề đến năng suất cây trồng, gây cháy rừng nghiêm trọng, đặt ra các cảnh báo về sức khỏe

Tại Italy, thời tiết cực đoan khiến ngành nông nghiệp đứng trước nguy cơ mất ít nhất 1/3 tổng sản lượng trong năm nay, dự báo các vườn nho và oliu tại miền Trung Italy sẽ mất 20% sản lượng trong khi chất lượng cũng kém hơn. Còn tại Hungary thiệt hại về nông nghiệp từ đầu năm đến nay đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước cộng lại.

Trong khi đó tại Slovenia, giới chức cho biết, các trang trại không có hệ thống tưới tiêu sẽ bị mất mùa hoàn toàn, chăn nuôi gia súc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiều nơi lượng cỏ đã bị giảm ít nhất 70%, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với áp lực chi phí vận tải và phân bón ngày một gia tăng.

Sông Rhine, con đường trung tâm của các tuyến đường thủy châu Âu, được các chuyên gia dự đoán là tàu bè sẽ không thể đi lại trong những ngày tới. Nếu điều này xảy ra, có thể gây thiệt hại hàng tỷ EUR cho Đức, khi nước này đã thiệt hại hơn 5 tỷ EUR trong năm 2018. Thiếu nước cũng buộc các nhà máy điện hạt nhân của Pháp phải giảm công suất, từ đó đẩy giá điện lên mức cao hơn nữa và tác động đến hàng loạt mặt khác của ngành sản xuất.

Hạn hán không những gây ra những hậu quả trước mắt mà còn tạo ra những hệ lụy lâu dài cho châu Âu. Hannah Clike, chuyên gia khí hậu của Anh nhận định: "Nếu không có các cơn mưa trong tháng này, EU sẽ phải đối mặt với một mùa đông khô hạn, chúng ta có thể gặp khó khăn nghiêm trọng vào mùa xuân và mùa hè năm sau khi không còn kho chứa nước nào".

Nhiệt độ kỷ lục ở châu Âu trong mùa hè này cũng đã buộc hàng nghìn người phải sơ tán và khiến hàng trăm người tử vong vì nắng nóng. Nắng nóng cũng đã làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, có sức tàn phá nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Thời tiết khắc nghiệt cũng đang làm tăng gánh nặng cho EU trong bối cảnh các nước thành viên đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng để chuẩn bị cho một mùa đông lạnh giá, đối phó với việc Nga cắt giảm nguồn cung.

Anh siết chặt quản lý nguồn nước

Nhóm Quản lý hạn hán quốc gia Anh (NDG) ngày 23-8 đã đưa ra lời kêu gọi siết chặt quản lý các nguồn nước trong những tháng tới và lập kế hoạch ứng phó với khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước vào năm 2023.

NDG cho biết nước này có đủ nước để đáp ứng mọi nhu cầu của các hộ gia đình và cơ sở doanh nghiệp trong bối cảnh 10 trong số 14 vùng thuộc quản lý của Cơ quan Môi trường Anh ở England hiện đang trải qua tình trạng hạn hán. "Tuy nhiên, cần tiếp tục quản lý các nguồn nước cẩn thận trong những tuần và những tháng tới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân, người nông dân và ngành công nghiệp nước này, tự nhiên và các loài động vật hoang dã", NDG cho biết. NDG cũng nhất trí tăng cường hợp tác để giúp ứng phó với hạn hán, trong đó có giám sát lượng nước ngầm, tiến hành kiểm tra hệ thống tưới tiêu.

Lần đầu tiên kể từ năm 2018, Anh đã chính thức tuyên bố hạn hán đang hoành hành tại nhiều vùng ở England vào đầu tháng này. 6 công ty cung cấp nước tại Anh đã ban hành lệnh cấm dùng nước để tưới vườn nhằm tiết kiệm nước.

AN BÌNH