Châu Âu nín thở khi Italia trưng cầu ý dân

Thứ hai, 05/12/2016 10:45

(Cadn.com.vn) - Ngày 4-12, cử tri Italia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp mà Thủ tướng Matteo Renzi đã đặt cược tương lai chính trị của mình.

Bầu cử bắt đầu lúc 7 giờ và kết thúc lúc 23 giờ, với kết quả dự kiến sẽ được công bố sáng 5-12. Khoảng 50,7 triệu cử tri Italia đủ tư cách tham gia bỏ phiếu, bao gồm cả 4 triệu cử tri ở nước ngoài.

Cải cách những gì?

Trọng tâm cải cách là giảm quy mô và quyền lực  của Thượng viện từ 315 thượng nghị sĩ xuống còn 100 thượng nghị sĩ, chấm dứt tình trạng bế tắc thường hay xảy ra trong quá trình lập pháp. Hiện nay, cả Thượng viện và Hạ viện Italia có quyền lực ngang bằng nhau và đều chịu trách nhiệm thông qua các dự luật và đây là nguyên nhân gây nên sự bế tắc này. Ngoài ra, theo đề xuất cải cách hiến pháp của Thủ tướng Renzi, quyền lực của các chính quyền địa phương cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể. 21 thị trưởng khu vực, 74 người đứng đầu hội đồng khu vực và 5 thành viên khác sẽ do Tổng thống chỉ định. Cải cách mới này cũng sẽ cắt giảm chi phí cho các hoạt động chính trị xuống còn 500 triệu EUR/năm.

Ông Renzi nói rằng kế hoạch này là rất cần thiết để có thể kiểm soát đất nước - vốn trải qua 63 chính phủ kể từ năm 1948 - nhằm tiến hành các cải cách cần thiết để khôi phục nền kinh tế suy tàn. Những người phản đối cho rằng kế hoạch này sẽ làm suy giảm các biện pháp kiểm soát và đối trọng dân chủ.   

Thủ tướng Matteo Renzi vận động cử tri "đồng ý" cho kế hoạch cải cách của mình.

"Đồng ý" hay "không đồng ý"?

Châu Âu cũng như các sàn giao dịch trên thế giới hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc trưng cầu.

Nếu đề nghị sắp xếp lại hệ thống nghị viện của Thủ tướng trung tả Renzi bị bác bỏ, ông tuyên bố sẽ từ chức.  Điều đó sẽ dẫn đến một thời kỳ bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế cho cả Italia và các đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU). Động thái này sẽ tạo đà cho sự trỗi dậy của các phe phái dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở Italia cũng như khắp Châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh các nước như Hà Lan, Pháp và Đức sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng tới.

Italia, nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Âu, đang gánh một khoản nợ công khổng lồ lên tới 132% GDP và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên hiện ở mức gần 40%. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Italia hiện ở mức 360 tỷ EUR, chiếm khoảng 1/3 tổng nợ xấu của các ngân hàng thuộc Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Bất cứ kết quả trưng cầu ý dân nào gây bất ổn cho nền chính trị Italia cũng đều dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên thị trường tài chính vốn đã bất ổn của nước này. Kịch bản xấu nhất liên quan đến việc các nhà đầu tư mất niềm tin, ồ ạt tháo chạy khỏi Italia, dẫn đến thất bại trong kế hoạch cứu các ngân hàng đang nợ nần chồng chất của Italia, gây ra một cuộc khủng hoảng quy mô lớn hơn trên toàn khu vực Châu Âu. Ngoài ra, nếu cử tri nói "Không", Italia sẽ theo gót Anh, đẩy nhanh cuộc trưng cầu rời khỏi EU.  Khi đó Tổng thống Sergio Mattarella có thể yêu cầu ông Renzi thành lập chính phủ mới hoặc bổ nhiệm một thủ tướng kỹ trị phục vụ cho đến cuộc bầu cử năm 2018.

Nếu cử tri "nói có", vị thế của Thủ tướng Renzi ở Italia và trên chính trường Châu Âu sẽ được củng cố. Thủ tướng trẻ nhất Italia sẽ được nạp năng lượng để thay đổi đất nước. Ông Renzi sẽ có nhiệm vụ mới là theo đuổi cải cách mà ông coi là chìa khóa để vực dậy sức sáng tạo của Italia, vốn bị ảnh hưởng bởi sự yếu kém về thể chế. Phát biểu trong cuộc vận động cử tri ở Florence hôm 2-11, ông Renzi khẳng định "Italia sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất Châu Âu" nếu kế hoạch cải cách này được thông qua. "Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội này, nó sẽ không xuất hiện lại trong 20 năm nữa", ông cảnh báo cử tri.

Một cuộc thăm dò hồi tháng 11 cho thấy số người chọn "đồng ý" ít hơn số người "không đồng ý" 5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, nhiều cử tri được cho là vẫn chưa quyết định.

An Bình
(Theo AFP, BBC)