Châu Phi và giấc mơ khu vực thương mại tự do

Thứ ba, 16/06/2015 10:19

(Cadn.com.vn) - Việc thành lập khu vực tự do thương mại lớn nhất Châu Phi được ca ngợi như thời khắc lịch sử biến giấc mơ "thế kỷ" kết nối châu lục này, từ mũi Hảo Vọng đến Cairo, thành hiện thực.

Tổ chức mới này sẽ là sự hợp nhất của Cộng đồng phát triển miền Nam Châu Phi (SADC), Cộng đồng Đông Phi (EAC) và thị trường chung Đông và Nam Phi (Comesa). Khu vực đầy tiềm năng này sẽ tạo ra thị trường lao động và tiêu dùng chung cho hơn 625 triệu người ở 26 quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và kinh doanh. Việc thành lập tổ chức này là bước tiến to lớn cho Châu Phi - lục địa với mức tăng trưởng 5% và vốn đầu tư nước ngoài dồi dào gần đây.

Những hạn chế

Tuy nhiên, trước khi các nhà lãnh đạo ký kết thỏa thuận cuối cùng tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Phi (AU) vào cuối tuần này, còn nhiều vấn đề cần được xem xét.

Đầu tiên, nghị viện của tất cả 26 quốc gia thành viên cần phải xác nhận hiệp ước và điều này có thể mất rất nhiều thời gian. Các cuộc đàm phán gần đây, cũng như trong tương lai, chỉ tập trung vào tầm nhìn rộng của khu vực thương mại trong khi còn nhiều điều cần được điều chỉnh để loại bỏ những rào cản trong các hoạt động thương mại và thiết lập hàng rào phi thuế quan. Các nước cần đạt thỏa thuận trong các vấn đề như:  những mặt hàng và dịch vụ nào nên được miễn thuế, cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp hay thiết lập hệ thống giá cả chung và đơn giản hóa luật nhập cư.

Đây là rào cản lớn. Chẳng hạn như, đối với những nước có nền kinh tế nhỏ và xuất khẩu ít, việc gia nhập khu vực tự do thương mại Châu Phi đồng nghĩa với việc họ sẽ phải cạnh tranh với các nước công nghiệp lớn hơn và điều này có thể đe dọa nền kinh tế và cơ hội việc làm trong nước.

Phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố cần thiết để thúc đẩy thương mại giữa các nước. Ảnh: BBC

Cơ sở hạ tầng: Chìa khóa quan trọng

Các chuyên gia cho rằng, những hiệp định tự do hóa dịch vụ trong khuôn khổ một hiệp ước thương mại sẽ là giải pháp tốt nhất cho Châu Phi.

Chẳng hạn như trong SADC, nơi có sản lượng ô-tô lớn, từng nước thành viên nắm giữ vai trò nhất định trong việc sản xuất một chiếc xe. Nam Phi sản xuất phần vỏ bọc và động cơ trong khi Botswana hoặc Zimbabwe cung cấp ghế da. Điều đó sẽ kích thích những quốc gia khác sản xuất ra nhiều sản phẩm giá trị nhằm cạnh tranh trong khu vực tự do thương mại cũng như hạ thấp giá thành.

Hội nhập thương mại khu vực không phải là một ý tưởng mới ở Châu Phi. Thực tế, Liên minh Hải quan Nam Phi được thành lập từ năm 1910, nhiều thập kỷ trước khi Châu Âu bắt đầu lên kế hoạch về Liên minh Châu Âu (EU). Theo LHQ, hiện nay Châu Phi có 14 khối khu vực và mỗi quốc gia đều là thành viên của ít nhất một tổ chức, có nước là ba tổ chức. Các khối này cạnh tranh nguồn đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng. Và điều trớ trêu là rất nhiều tổ chức khu vực, thương mại không được hưởng lợi. LHQ cho biết chỉ có 12% tổng thương mại của Châu Phi diễn ra trong lục địa và hầu hết nằm ở việc xuất khẩu khoáng sản và dầu ở các nước dọc theo bờ biển.

Ngân hàng Phát triển Châu Phi (ADB) cho rằng, các nước nên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu không có đường giao thông, đường sắt và cảng thương mại, việc thông thương trong khối Châu Phi sẽ rất khó khăn và tốn kém ngay cả khi không có các rào cản thương mại. Trong cuộc họp thượng đỉnh AU trước đó, các nhà lãnh đạo cam kết đầu tư 100 tỷ USD hàng năm cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cho đến nay, thiếu hụt kinh phí vẫn là một trở ngại lớn và những cam kết trên dường như là bất khả thi.

Liệu chính phủ các nước Châu Phi có nên thận trọng hơn, hạn chế sự luân chuyển luồng lao động và rút lui khỏi các dự án xây dựng lớn hay nên mạo hiểm để đột phá. Các nước châu Phi vẫn đang tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề nan giải này.

An Bình
(Theo BBC)