Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 12 và 13 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016:

Chỉ đúng, nói trúng những điểm yếu cần khắc phục

Thứ bảy, 18/04/2015 10:57

(Cadn.com.vn) - Ngày 17-4, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã chủ trì Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 12 và 13 của HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Bốn nhóm vấn đề quan trọng liên quan thiết thực đến đời sống người dân đã được các đại biểu chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, xoáy vào những khiếm khuyết, còn tồn tại để tháo gỡ, giải quyết.

Chủ tịch HĐNDTP Trần Thọ truy trách nhiệm cơ quan, cá nhân để tình trạng đơn thư chậm trễ, kéo dài. Ảnh: P.V

Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, giải quyết đơn thư lòng vòng

Báo cáo do ông Lương Công Tuấn, Phó Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng cho biết: Từ năm 2014 đến cuối quý 1-2015 đã tiếp 12.725 lượt công dân; tiếp nhận 850 đơn khiếu nại tố cáo (KNTC), trong đó có 220 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. Nội dung tiếp công dân và đơn thư KNTC tập trung nhiều trong lĩnh vực đất đai như đền bù thiệt hại nhà đất, bố trí tái định cư, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Đến nay, TP và các quận, huyện, sở ngành đã giải quyết 81,2% vụ việc thuộc thẩm quyền, số còn lại đang giải quyết.  TP còn 86 vụ KNTC phức tạp, kéo dài, trong đó 24 vụ đã được TP và các cơ quan Trung ương giải quyết, rà soát nhiều lần, có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện.

Toàn cảnh hội nghị. 

Qua giám sát việc giải quyết đơn thư KNTC, Ban Pháp chế HĐND TP đã chỉ ra một số tồn tại hạn chế, tập trung ở 6 nội dung. Cơ quan có thẩm quyền và người đứng đầu cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, còn khoán cho cấp dưới. Công tác tiếp dân của người đứng đầu cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc; việc tiếp dân, đối thoại với công dân khiếu nại chưa kịp thời, nhiều trường hợp để kéo dài.

Còn bất cập trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và thống kê, theo dõi công tác giải quyết đơn thư KNTC của các cơ quan, đơn vị, kể cả đối với các đơn thư do chính UBND thành phố chuyển. UBND thành phố chưa quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung về giải quyết KNTC. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết đơn thư KNTC còn thiếu chặt chẽ dẫn đến không thống nhất trong nhận định, kết quả giải quyết không sâu sát, không đúng thực tế làm cho người dân không đồng tình. Việc thi hành, chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại còn chưa nghiêm, vai trò thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền chưa tốt.

Chất vấn vấn đề này, các đại biểu HĐND TP cho rằng, trong giải quyết KNTC còn tình trạng đơn chuyển lòng vòng. ĐB Lê Văn Quang thắc mắc vì sao tỷ lệ giải quyết đơn của thành phố thấp nhất so với sở, ngành, quận, huyện. Ông Lương Công Tuấn  thừa nhận có sự đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, chậm trễ, thậm chí có cả những trường hợp không phức tạp cũng để kéo dài. Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Thương cho rằng có biểu hiện sợ trách nhiệm, không quyết đoán trong công tác tham mưu giải quyết KNTC của cán bộ Văn phòng UBND thành phố. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ thẳng thắn thừa nhận: Công tác giải quyết đơn thư KNTC không bài bản, thiếu chuyên nghiệp.

Phó Chánh Thanh tra TP Lương Công Tuấn trả lời chất vấn kỳ họp. 

Kết luận phần giám sát này, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đánh giá công tác giải quyết KNTC của UBND thành phố cơ bản là tốt. Tuy nhiên còn nhiều sai sót, chậm trễ, kéo dài, thiếu trách nhiệm đối với dân. Nguyên nhân là do quy định của Nhà nước có mặt còn bất cập; cán bộ giải quyết không nghiên cứu kỹ văn bản, không nghiên cứu đến nơi đến chốn; vận dụng không phù hợp sợ trách nhiệm, sợ làm sai; vai trò tham mưu của Thanh tra thành phố, Văn phòng UBND, các sở có liên quan đối với lãnh đạo UBND lúc bấy giờ không kịp thời, không chính xác.

Đối với một số vụ việc cụ thể, Chủ tịch HĐND TP truy trách nhiệm đến cùng đối với những cơ quan, người có trách nhiệm giải quyết nhưng để chậm trễ, kéo dài và chỉ đạo hướng giải quyết, thời gian giải quyết cụ thể trong tháng 5-2015. Chủ tịch HĐND TP yêu cầu từ nay trở đi, đối với những trường hợp tương tự, UBND TP và các cơ quan liên quan phải giải quyết KNTC kịp thời, có vướng mắc phải xin ý kiến cấp trên, không để chậm trễ, kéo dài, làm mất lòng tin của nhân dân.

Chủ tịch HĐND TP nói: Thấy sai thì phải sửa, sợ nhất là không thấy sai, tìm mọi lý để đối phó. Thấy sai mà không sửa thì cũng rất nguy hiểm. Nếu giải quyết thấu tình đạt lý rồi mà người dân vẫn không chịu thì báo cáo lên cấp trên, cần thiết thì ra tòa. Phải đặt lợi ích người dân lên trên hết, có như vậy thì tinh thần “Đảng nói, dân tin; Mặt trận và các đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ” mới thành sự thật.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP báo cáo tại hội nghị. 

Phải xử lý thật mạnh tội phạm và tệ nạn ma túy

Báo cáo về tình hình, kết quả phòng, chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP cho biết: Hoạt động của tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là công tác xử lý người nghiện gặp nhiều khó khăn do vướng mắc từ quy định mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ làm cho số người nghiện ở ngoài cộng đồng ngày càng nhiều.

Nhiều đối tượng nghiện đã chuyển sang hoạt động tội phạm về ma túy với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây tâm lý bất an, lo lắng trong nhân dân. Năm 2014, CA và các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 117 vụ/170 đối tượng (tăng 18 vụ, tăng 22 đối tượng so với năm 2013), trong đó đối tượng phạm tội có sử dụng trái phép chất ma túy chiếm 91,7%.

Từ ngày 20-8-2014 đến 20-3-2015, lực lượng CA, BĐBP đã phát hiện, bắt giữ 58 vụ, 91 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy, thu giữ tổng cộng 4.083,5g MTTH, 20,13g heroin và nhiều phương tiện, dụng cụ liên quan. Đặc biệt đã phát hiện đối tượng vận chuyển ma túy bằng đường hàng không từ Hà Nội vào Đà Nẵng, thu giữ 35g ma túy đá, 108 viên thuốc lắc, 2 gói heroin, bắt 2 đối tượng. Lực lượng chức năng  phát hiện, lập hồ sơ xử lý 1.299 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy; đã đề nghị tập trung cai nghiện 252 trường hợp, giáo dục tại phường, xã 278 trường hợp, phạt tiền và giao cho gia đình bảo lãnh giáo dục 757 trường hợp; xử lý hình sự về tội phạm ma túy 83 trường hợp, xử lý bằng hình thức khác 16 trường hợp. So với cùng kỳ, số người nghiện bị phát hiện và xử lý tăng 91%.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Chính, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tuy có sự gia tăng nhưng vẫn trong sự kiểm soát, không để hình thành các khu vực, tụ điểm phức tạp về ma túy. Hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy như: Quy định chỉ có Chủ tịch UBND cấp xã mới có quyền ra quyết định giao người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định cho các tổ chức xã hội là chưa hợp lý; quy định phải có tài liệu chứng minh đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã tạo sơ hở, không xử lý được đối với các trường hợp chưa chấp hành xong biện pháp này nhưng bị phát hiện vi phạm.

Kết luận phần giám sát này, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ ghi nhận và đánh giá cao UBND TP và các ngành liên quan đã mạnh dạn, dám làm dám chịu trách nhiệm về việc rút ngắn độ hở của thủ tục rườm rà khi đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện, song cũng tỏ rõ lo lắng là hiện vẫn còn nhiều con nghiện ở ngoài cộng đồng, nếu không quản lý  tốt số này sẽ nảy nở thêm, lôi kéo nhiều người khác vào tệ nạn này. Chủ tịch HĐND TP đề nghị các ngành CA, Viện kiểm sát, Tòa án tấn công mạnh mẽ hơn nữa các loại tội phạm về ma túy, phải xử thật mạnh, xử tột khung đối với loại tội phạm này.

Học 2 buổi: Chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất là chưa đủ

Liên quan đến tình hình đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho 100% học sinh tiểu học được học ngày 2 buổi, theo ông Thái Văn Hân- PGĐ Sở GD-ĐT, trong giai đoạn 1 triển khai 19 công trình tổng mức đầu tư hơn 87 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 33 công trình 247 phòng học. Các đại biểu cho rằng để đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học ngày 2 buổi thì chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất là chưa đủ. Đấy là chưa kể các công trình chủ yếu là cơi nới, mở rộng thêm lớp học, như vậy sẽ thu hẹp sân chơi, phá vỡ qui mô tổng thể của trường học.

Thực tế tại một số khu vực đã có tình trạng quá tải tiểu học vì sự phát triển dân số cơ học, như ở P.An Khê- Q.Thanh Khê, tuy vậy việc xây dựng Trường tiểu học An Khê chỉ có 9 phòng là không hợp lý, mà cần đầu tư bài bản, quy mô ngay từ đầu để giảm tải áp lực cho Trường Bế Văn Đàn. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND Trần Thọ nói: Học ngày hai buổi nhưng không phải bằng mọi giá mà phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Nếu chỉ chạy theo mục tiêu học ngày 2 buổi 100% mà mất đi các yếu tố khác thì chủ trương này cũng không có ý nghĩa.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐND TP đề nghị với các công trình đã ghi vốn cần triển khai ngay. Với 33 trường đã có kế hoạch đầu tư cần lựa chọn những địa phương thực sự cấp bách để thực hiện sớm. Trong đó, đồng ý chủ trương xây dựng trường tiểu học An Khê quy mô lớn, đạt chuẩn ngay từ đầu trên diện tích gần 10 ngàn m2.

Giải quyết thủ tục trễ, phải xin lỗi dân

Báo cáo về tình hình thực hiện cơ chế phối hợp và mở rộng cơ chế một cửa liên thông, liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết hiện đã có 29 thủ tục hành chính được ban hành và thống nhất giữa các sở, ban, ngành về cơ chế phối hợp, UBND TP đã phê duyệt 4 đề án thực hiện cơ chế một cửa liên thông của 9 thủ tục hành chính, góp phần tăng cường sự liên kết chặt chẽ, nhịp nhàng, thông suốt giữa các đơn vị, bộ phận với nhau, tạo cơ sở xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận, hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm gây ra chậm trễ kéo dài.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND Trần Thọ đã chỉ ra rằng việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân còn khá chậm trễ, đặc biệt trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường, lao động - thương binh - xã hội. Việc chậm trễ này không chỉ một vài ngày, mà những trường hợp tới vài tháng. Đơn cử có hồ sơ nằm ở Sở LĐ-TB&XH hơn ba tháng, sau đó đi lòng vòng phối hợp phải hơn 5 tháng mới hoàn thành. “Người ta đệ đơn lên họ trông chờ từng giờ, từng phút mà mình làm thế không nên. Phải xem xét lại, không thể cứ giao cho một ngành thì làm nhanh mà phối hợp đến 2-3 ngành là càng trễ. Rồi khi đã trễ, phải xin lỗi dân, nhưng xin lỗi phải thật lòng, phải cấp thủ trưởng, giám đốc sở đứng ra xin lỗi chứ không phải giao cho phòng, ban”- Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ nói. 

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, chỗ chậm trễ lớn nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quý I có 110/9.000 trường hợp chậm trễ mà theo giải thích của người đứng đầu Sở TNMT là do hồ sơ khó xử lý. Nhưng đâu phải tất cả hồ sơ đều khó hết, có những hồ sơ tái định cư đã rất rõ ràng, tập trung làm 5-7 ngày là xong chứ có gì? Những cán bộ làm chậm trễ phải kỷ luật ngay. Chỗ này rất nhiêu khê, đã nói mãi mà cũng chỉ xử lý kỷ luật được có một anh ở Sơn Trà.

Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ nói: So với cả nước mình vẫn tốt, bằng chứng là CPI hai năm liền đứng đầu cả nước, rồi chỉ số cải cách hành chính cũng luôn trong top đầu, nhưng so với yêu cầu của người dân mình còn chậm trễ, nhiêu khê. Đừng bao giờ bằng lòng, rơi vào thỏa mãn, phải loại bỏ ngay tư tưởng đó.

Các Sở cần phải có chế tài kỷ luật nếu để việc xử lý thủ tục diễn ra chậm trễ. So với các tỉnh bạn, từ sở xuống huyện bao xa cách trở, Đà Nẵng mình điều kiện quá thuận lợi, các sở, ban trong cùng một tòa nhà, đi lại vài phút là xong vậy mà việc phối hợp rời rạc dẫn đến chậm trễ. TP bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đề xây dựng cái Trung tâm hành chính tập trung cũng chủ yếu để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Điều kiện của mình tốt hơn mà mình làm chậm trễ là thua các tỉnh bạn.

K.Thanh – V. Thuấn