"Chìa khóa" đối phó IS

Thứ bảy, 27/09/2014 09:24

(Cadn.com.vn) - Sự lớn mạnh của tổ chức khủng bố IS, nhóm chiến binh thánh chiến đã chiếm giữ phần lớn Syria và Iraq, không những khiến khu vực mà toàn thế giới lo ngại. Một cuộc chiến trên không đã được mở ra ở Iraq và Syria do Mỹ dẫn đầu. Mặc dù xem IS là kẻ thù chung, nhưng sự thù hằn lâu đời và tình hình phức tạp ở Trung Đông khiến các chiến lược đối phó với nhóm chiến binh này không hề đơn giản.

Mỹ - bài toán tấn công trên bộ

Mỹ dẫn đầu các cuộc không kích chống IS ở Iraq từ ngày 9-8 và ở Syria từ ngày 23-9. Nhà Trắng đang nỗ lực hết mình để hình thành một "liên minh quốc tế rộng lớn và vững chắc để đánh bại nhóm này.

Mặc dù Tổng thống Obama cam kết sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho Iraq nếu Baghdad hình thành một chính phủ thống nhất và toàn diện, nhưng ông khẳng định sẽ không triển khai bộ binh. Liên quân do Mỹ dẫn đầu ngày 26-9 không kích mạnh mẽ nhằm vào các mỏ dầu của IS quyết tâm triệt tiêu nguồn thu nhập chủ chốt của nhóm này.

Nhưng giới phân tích cảnh báo, IS không thể bị đánh bại nếu không tấn công trên bộ.

Tổng thống Obama cho rằng IS chỉ có thể bị đánh bại bởi một liên minh quốc tế.  

Iran - có nên bắt tay Mỹ?

Người Hồi giáo Shiite chiếm ưu thế ở Iran, nhưng IS, lực lượng muốn tiêu diệt người Shiite đang ở cách biên giới Tehran chỉ 40km. Mặc dù Tehran có quan điểm khác biệt với cộng đồng quốc tế về vấn đề Syria, quốc gia này đã kêu gọi hợp tác chống IS.

Ngoại trưởng Mohammad Zarif cho biết, mối đe dọa từ IS "đòi hỏi chúng ta phối hợp cùng nhau và tìm kiếm giải pháp chung". Iran tìm đến Saudi Arabia - cường quốc Sunni và cũng là đối thủ của Tehran trong khu vực - và làm ngơ trước các hành động của Mỹ tại Iraq, dù trước đây, quốc gia Hồi giáo luôn kịch liệt phản đối.

Tại Iraq, Iran tự đóng vai trò quan trọng trong việc chống IS. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cố vấn cho lực lượng an ninh Iraq, các phi công quốc gia Hồi giáo tiến hành các cuộc không kích, lực lượng dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn được huy động, và Iran cho biết họ đã được gửi vũ khí và cố vấn cho người Kurd tại Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ - đứng ở đâu trong cuộc chiến chống IS?

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia bị Tổng thống Assad chỉ trích mạnh mẽ nhất. Bởi quốc gia này trở thành con đường chính để các tay súng  nước ngoài đến Syria.

Tuy nhiên, sự bùng nổ nhanh chóng của IS tại lãnh thổ dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria và Iraq khiến Ankara phải cố gắng ngăn chặn dòng chảy chiến binh thánh chiến. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố có thể hỗ trợ quân sự hoặc hậu cần cho chiến dịch của Mỹ và đồng minh chống lại IS ở Syria, khiến Mỹ phải cảnh báo các công dân cần phải nâng cao cảnh giác trước nguy cơ các cuộc tấn công của các phiến quân nước ngoài  ở trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nước Arab- tham chiến cùng Mỹ

Các nhà chức trách Saudi Arabia lo ngại, IS sẽ truyền cảm hứng cho các chiến binh thánh chiến của nước này, thách thức tính hợp pháp của chế độ quân chủ và tìm cách lật đổ. Tại Jordan, đồng minh trung thành của Mỹ, IS nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng của người dân Jordan hiện trở thành "sân khấu" cho quân nổi dậy và những người ủng hộ nước ngoài.

Vì lẽ này, Jordan tham chiến cùng Mỹ chống IS ở Syria. Cùng với Jordan và Saudi Arabia, 3 quốc gia Arab khác là Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE), Qatar và Bahrain cũng tham chiến với Mỹ ở Syria, động thái mang tính biểu tượng hơn là sức mạnh chiến đấu.

Nga - quan điểm tôn trọng luật pháp

Hồi tháng 7, Nga chuyển giao lô hàng đầu tiên gồm 25 máy bay chiến đấu Sukhoi đến Iraq để giúp tăng cường hỏa lực của lực lượng không quân. IS tuyên chiến với Nga khi thề lật đổ Tổng thống Vladimir Putin và "giải phóng" miền Bắc Caucasus.

Tuy nhiên, là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Tổng thống Assad, hỗ trợ nước này cả về ngoại giao lẫn quân sự, Moscow khẳng định mọi cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm IS trong lãnh thổ Syria cần phải được sự đồng ý của Damascus, nếu không sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Liên minh Châu Âu không đứng ngoài cuộc

Anh, Pháp, Đức và Italia gửi vũ khí cho các lực lượng Peshmerga của người Kurd, cũng như hỗ trợ hàng trăm ngàn người phải di tản ở miền Bắc Iraq. Berlin cho biết có một "trách nhiệm nhân đạo... để giúp đỡ những người đau khổ và để ngăn chặn IS. Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi các cường quốc thế giới đoàn kết để đối mặt với mối đe dọa IS, sau khi cùng Mỹ không kích Syria ở Iraq. Anh, Bỉ cũng đang tính đến việc tham chiến.

An Bình
(Theo BBC)