Chiến dịch không kích Syria và bàn hội đàm Mỹ - Triều
Giới phân tích cho rằng, những cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria vào rạng sáng 14-4 có thể sẽ tạo lợi thế cho Tổng thống Donald Trump trong các cuộc đàm phán hạt nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hình ảnh trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh của Syria trước và sau khi bị không kích. Ảnh: BBC |
Thế giới vẫn đang “nóng” lên sau chiến dịch không kích của Mỹ và liên quân Anh, Pháp nhằm vào Syria. Những tranh cãi, những cáo buộc đổ lỗi, những nhận định đều xoay quanh vụ việc này.Và điều mà giới quan sát chú ý nhất là phản ứng của Triều Tiên về vụ tấn công lần này của Mỹ bởi nó xảy ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lịch sử được lên kế hoạch giữa hai nước.
Tạo lợi thế cho Mỹ trước Triều Tiên
Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn im lặng, dù giới phân tích cho rằng, những cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria vào rạng sáng 14-4 có thể sẽ tạo lợi thế cho Tổng thống Donald Trump trong các cuộc đàm phán hạt nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Chiến dịch dội bom lần này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới sở hữu quân đội hùng mạnh và nắm giữ quyền lực lớn trên sân khấu chính trị thế giới. Chính nó gửi đến Bình Nhưỡng một thông điệp rõ ràng: Mỹ không nói suông. Từ lâu nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã vẽ ra “giới hạn đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) ở Syria, cảnh báo sẽ hành động quân sự nếu ông Assad vượt ranh giới này. Và cuối cùng họ đã hành động như vậy.
Vì vậy, nếu Tổng thống Trump bây giờ đưa ra cảnh báo cho Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ không thể phớt lờ. “Nếu Mỹ bây giờ nói rằng họ sẽ không thể tha thứ cho việc Triều Tiên sở hữu VKHH tấn công, chính phủ của ông Kim Jong-un sẽ phải xem xét tuyên bố đó một cách nghiêm túc và cả những hậu quả quân sự tiềm tàng”, Dakota Wood, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của The Heritage Foundation nhận định.
Trong tuyên bố mới nhất, Lầu Năm Góc nói rằng, cuộc không kích là một phản ứng chính đáng và xứng đáng nhằm đáp trả việc Tổng thống Bashar Al-Assad tiếp tục sử dụng các chất độc thần kinh chết người. Chiến dịch lần này được gọi là sự can thiệp lớn nhất của phương Tây trong cuộc nội chiến của Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm 2011. “Khi tổng thống của chúng tôi đưa ra đường giới hạn đỏ, tổng thống của chúng tôi sẽ thực thi đường đỏ đó”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết.
Cuộc gặp trực tiếp giữa ông Trump và ông Kim dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới nhưng có rất ít thông tin được tiết lộ về hội nghị thượng đỉnh lịch sử này. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Bình Nhưỡng liên tục gợi ý rằng cần có những biện pháp dần dần và đồng thời cho việc phi hạt nhân hóa, nhưng Washington lại đang kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân một cách hoàn toàn, quyết tâm và được xác minh. Nhưng hơn cả Syria, Triều Tiên sẽ theo dõi cách Tổng thống Trump xử lý thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran để điều tiết vấn đề. Mọi diễn tiến đáng mừng trong mối quan hệ Mỹ - Triều có thể sẽ vụt tắt nếu nhà lãnh đạo Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trên.
Tổng thống Trump muốn tấn công căn cứ Nga tại Syria?
Liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích Syria để phản ứng trước việc chính quyền Syria bị tố cáo tấn công VKHH vào dân thường ở Douma hồi cuối tuần trước khiến khoảng 70 người thiệt mạng, cáo buộc mà Damascus nhiều lần bác bỏ. Và Washington khẳng định, họ chỉ nhắm vào các cơ sở VKHH của Syria.
Tuy nhiên, nếu không có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, mọi việc đã tồi tệ hơn rất nhiều. Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 16-4 dẫn nguồn tin riêng cho biết, Tổng thống Trump sẵn sàng tấn công các căn cứ của Nga và Iran ở Syria, nhưng Bộ trưởng Mattis đã phản đối điều này. Theo báo trên, ông Mattis cung cấp cho Nhà Trắng 3 lựa chọn để tấn công: Thứ nhất là tấn công các mục tiêu của Syria liên quan đến VKHH; thứ 2 là tấn công vào các cơ sở của Syria trong một danh sách rộng hơn, bao gồm các cơ sở nghiên cứu liên quan đến VKHH và trung tâm chỉ huy quân sự; và phương án thứ 3 là đề xuất tấn công lực lượng phòng thủ tên lửa Nga ở Syria. Lựa chọn này nhằm “làm suy yếu tiềm năng quân sự của chính quyền Syria” mà không ảnh hưởng đến “cơ chế chính trị của Tổng thống Assad”. Theo báo trên, ông Trump đã năn nỉ tấn công vào các cơ sở của Nga và Iran ở Syria và “nếu cần thiết, tấn công thiết bị quân sự của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, ông Mattis phản đối đề nghị này.
Rất may, cho đến nay, không có bất cứ căn cứ quân sự nào của Nga và Iran đã bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công. Và lợi thế chiến lược của chính phủ Syria cũng sẽ không bị tổn hại quá nhiều bởi một cuộc tấn công bằng tên lửa kiểu này. Những cáo buộc chính quyền Tổng thống Assad tấn công VKHH, xét cho cùng, cũng chỉ là một cách biện minh cho cuộc không kích chớp nhoáng rạng sáng 14-4 mà không có sự phê chuẩn của LHQ.
KHẢ ANH
Mỹ lập căn cứ quân sự mới tại Đông Deir ez-Zor, Syria Ngày 16-4, hãng Fars dẫn thông tin trên trang mạng Orient tiếng Arab cho biết, bất chấp cam kết trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ rút binh sĩ nước này khỏi Syria trong tương lai gần, Lầu Năm Góc đã thiết lập một căn cứ quân sự ở Đông Deir ez-Zor của quốc gia Trung Đông này. Theo tin trên, căn cứ quân sự mới của Mỹ tọa lạc tại khu vực mỏ dầu al-Tanak, nơi hiện do lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát. Trong khi đó, các binh sĩ Mỹ đã triển khai thêm thiết bị đến tuyến phòng thủ của quân đội Syria, từ thị trấn Khasham ở đông nam Deir ez-Zor đến thành phố Hosseinieh, phía đông bắc khu vực này. Trước đó, Nhà Trắng nhắc lại quyết tâm của Tổng thống Trump là sẽ rút các lực lượng nước này khỏi Syria vào thời điểm sớm nhất có thể, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đã thuyết phục người đồng cấp Mỹ duy trì sự hiện diện của Washington tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này trong thời gian dài. T.V |