Chiến thắng Marawi chưa thể “giết chết” IS

Thứ năm, 19/10/2017 07:45

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterter hôm 17-10 tuyên bố, thành phố Marawi đã được giải phóng khỏi các phiến quân Hồi giáo có quan hệ với IS. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo cuộc nổi dậy của các phần tử Hồi giáo ở nước này chưa thể chấm dứt.

Các tòa nhà đổ nát tại Marawi. Ảnh: CNN

“Phức tạp, và mang tính thích nghi cao”

Marawi được giải phóng sau khi rơi vào tay phiến quân trong 148 ngày. IS từng có nhiều tham vọng tại Mindanao, biến nơi này thành Vương quốc Hồi giáo tại Châu Á, với việc chỉ định thủ lĩnh phiến quân địa phương Ipsilon Hapilon làm chỉ huy khu vực vào năm 2014. Sau khi Hapilon và đồng bọn Omar Maute bị tiêu diệt trong cuộc chiến giải phóng Marawi, những kế hoạch của IS dường như cũng bị chôn vùi trong đống đổ nát.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, có nhiều yếu tố khiến bạo lực Hồi giáo vẫn tiếp tục xảy ra tại Philippines. Quá trình xây dựng lại Marawi có thể đưa những người Hồi giáo trẻ vào tay các nhóm cực đoan và mạng lưới các phần tử nổi dậy. Cùng với việc vẫn tồn tại nhiều nơi ẩn náu an toàn quanh khu vực, mối đe dọa bạo lực vẫn còn đó. Theo nhà phân tích chính trị học thuật Richard Heydarian, cái chết của Maute và Hapilon có nghĩa là sự lãnh đạo chính trị và quân sự của phong trào IS ở Philippines “cơ bản đã bị vô hiệu hóa”.

Nhưng Julkipli Wadi, giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Hồi giáo của Đại học Philippines cho rằng, Hapilon và Omar Maute sẽ được thay thế bởi các đại diện của IS ở Châu Á. “Rõ ràng phải mất một thời gian trước khi một thủ lĩnh khác nổi lên, nhưng điều này chắc chắn sẽ xảy ra. Một kẻ khác sẽ tiếp quản”, ông nhận định. Theo ông Rommel Banlaoi, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippine, Hapilon sẽ có người kế cận là Furuji Indama - một phần tử phiến quân địa phương được coi là cấp phó của y.

Philippines bắt quả phụ tuyển mộ chiến binh nước ngoài

Giới chức Philippines ngày 18-10 cho biết đã bắt giữ Karen Aizha Hamidon, quả phụ của thủ lĩnh nhóm phiến quân ủng hộ IS, đồng thời cho biết, người này đã tuyển mộ các tay súng nước ngoài tới Philippines và truyền bá tư tưởng cực đoan. 

Bộ trưởng Tư pháp Philippines Vitaliano Aguirre II cho biết, đối tượng Hamidon bị bắt hôm 11-10 và được cho là đã kết hôn với tên Mohammad Jaafar Maguid thuộc nhóm vũ trang Hồi giáo Ansar Khalifa ở Philippines. Tên Maguid bị tiêu diệt hồi tháng 1-2017 trong cuộc giao tranh với cảnh sát ở tỉnh Sarangani, miền nam nước này. Cục điều tra quốc gia Philippines cho hay, Hamidon hồi năm ngoái tuyển một số công dân Ấn Độ tham gia các nhóm cực đoan ở miền nam Philippines. Thông qua mạng xã hội, Hamidon mời những người có cảm tình với Hồi giáo gia nhập các nhóm phiến quân chiếm đóng Marawi.

B.NGÂN

Lan rộng hơn nữa?

Chính phủ báo cáo đã tiêu diệt hơn 800 “kẻ khủng bố” ở Marawi trong suốt 5 tháng thành phố bị chiếm đóng, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều phần tử bỏ trốn trong thời gian đó. Chúng có thể đã biến mất vào các vùng sâu vùng xa của tỉnh, và cũng có thể đã bỏ chạy xa hơn. Theo ông Scott Stewart, Phó Giám đốc Phân tích Chiến thuật của Cty tình báo địa chính trị Mỹ Stratfor, “Chúng có thể trốn trên các hòn đảo khác, có rừng, núi cao, thậm chí có thể trốn trên Mindanao”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, chính phủ đã cử nhiều nhóm gửi đến các thành phố xung quanh Mindanao để tuyên truyền và nhắc nhở các lãnh đạo địa phương thận trọng. Trong số các tay súng hoạt động tại Marawi, có rất nhiều phiến quân đến từ Malaysia, Indonesia, và cả Trung Quốc. Nếu chúng trở về nước, chúng sẽ dùng những kinh nghiệm chiến đấu vô giá tại Philippines để nổi dậy.

Quân đội Philippines cho rằng, có khoảng 8 tay súng nước ngoài vẫn còn trong thành phố. Trong số này, Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) cho rằng, Mahmud Ahmad, được coi là một trong những phần tử thánh chiến có ảnh hưởng nhất của Malaysia và là nguồn tài chính của phiến quân tại Marawi. “Chúng tôi hy vọng có thể sớm bắt được y”, Đại tá Romeo Brawner, Phó Tư lệnh của lực lượng Phối hợp Nhiệm vụ cho biết.

Tái thiết

Nhiều khu vực tại Marawi đã bị san phẳng trong cuộc vây hãm gần 5 tháng. Việc tái thiết thành phố là chìa khóa để người Hồi giáo Mindanao xác định chính phủ là đối tác hay đối thủ.

“Marawi đã biến thành đổ nát, gợi nhớ lại  những gì đã xảy ra ở Mosul và Raqqa ở Syria. 600.000 người đã bị di dời. Họ có thể bị các phần tử nổi dậy tuyển dụng nếu việc tái thiết không được xử lý đúng cách”, ông Heydarian nhận định. Ông Stewart cũng cho rằng, việc xây dựng lại thành phố cho hàng trăm ngàn cư dân Marawi đã chạy trốn là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại khủng bố của chính phủ. “Nếu việc xây dựng lại không được thực hiện tốt, nó sẽ tạo ra sự thù hận và xa lánh. Nếu không được giải quyết, các phần tử cực đoan sẽ rình rập và quay trở lại”, ông Stewart cho biết.

An ninh cũng là vấn đề mà chính phủ cần quan tâm trong bối cảnh các lực lượng nổi dậy tại Marawi đã mất đi sào huyệt và sẽ tiến hành các hình thức chiến tranh khác. Ông Heydarian cho biết: “Philippines cần phải chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, và giai đoạn tiếp theo sẽ là những cuộc tấn công khủng bố ngoạn mục. Chúng sẽ cố gắng thể hiện chúng vẫn còn sống”. Ngoài các cạm bẫy tiềm tàng của việc các phần tử Hồi giáo cực đoan nhìn thấy phản ứng chậm chạp của chính phủ đối với việc tiếp quản thành phố, có khả năng các phiến quân sẽ tấn công xa hơn. “Giờ đây Marawi đang khép lại, nhưng khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố bên ngoài Marawi vẫn còn đó”, ông Wadi cho biết.

AN BÌNH