Chiến thắng tuyên truyền của IS?

Thứ tư, 17/12/2014 10:48

(Cadn.com.vn) - Dù kẻ bắt cóc được cho chỉ hành động một mình và bộc phát, nhưng giới phân tích cho rằng, đây là chiến thắng cơ bản của các nhóm khủng bố cực đoan trong chiến lược tuyên truyền rộng lớn.

Cuối cùng, vụ bắt cóc chấn động australia và cả thế giới đã kết thúc. nhưng chiến dịch đột kích với kết cục 3 người chết (2 con tin và kẻ bắt cóc) không thể coi là thành công. Vấn đề nổi cộm lên lại là hình ảnh của nhóm khủng bố Hồi giáo IS.

Gây chấn động toàn thế giới

Động cơ của kẻ bắt cóc vẫn là bí ẩn và hành vi của y được mô tả là ngẫu nhiên và loạn trí. Tuy nhiên, AFP cho rằng, tay súng đã ghi bàn thắng trong cuộc chiến tuyên truyền cho các chiến binh thánh chiến.

Một lá cờ màu đen thánh chiến, một kẻ Hồi giáo cực đoan Iran đầy manh động - trang bị đầy đủ các kiến thức như đe dọa đánh bom, bắt con tin và gây hoảng loạn – gây chấn động toàn Australia và cả thế giới. “Điều quan trọng với cuộc tấn công không phải là để gây ra nhiều thương vong, mà nhằm gây chú ý với các phương tiện truyền thông và gây rúng động toàn thế giới”, Matthew Henman, người đứng đầu Trung tâm về khủng bố và cực đoan của IHS Jane cho biết.

Theo ông, mỗi khi có kiểu tấn công tương tự xảy ra, ngay cả khi không có thương vong, đó vẫn là thắng lợi tuyên truyền cho nhà nước Hồi giáo, vốn mang thông điệp rằng, “các người hãy chuẩn bị để đón chờ chúng tôi hành động”. Ông cho biết, ngay cả khi tay súng Sydney không lấy cảm hứng từ IS, nhóm cực đoan mới nổi này cũng sẽ nỗ lực hướng trọng tâm rằng, đây là chiến thắng của họ.

IS, vốn đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria, khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây lo ngại với những cuộc tấn công “không thể tin được”. Điều này đặt ra cơn ác mộng đối với chính quyền phương Tây, vốn đang tốn tiền trong các cuộc không kích chống IS ở hai quốc gia Trung Đông, nỗ lực ngăn chặn công dân chiến đấu bên cạnh IS và theo dõi họ khi trở về nước. 

Thủ tướng Tony Abbott và vợ đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ bắt cóc ở Sydney. Ảnh: AP

Mối lo “con sói đơn độc”

Kẻ bắt cóc, được gọi là Man Haron Monis, người gốc Iran bị cảnh sát tiêu diệt vào sáng 16-12 (giờ Australia) sau khi cảnh sát quyết định xông vào quán cà-phê Lindt để kết thúc vụ bắt cóc vốn trở thành tâm điểm toàn cầu.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 16-12 cho biết, Monis vốn là phần tử cuồng tín theo chủ nghĩa cực đoan và có tâm thần không ổn định. Năm ngoái, y bị buộc tội bạo hành vợ cũ đến chết và có đến 40 cáo buộc phạm tội tình dục. Y cũng nuôi dưỡng bất bình sâu sắc đối với chính phủ Canberra và không có nhiều mối quan hệ họ hàng trong cộng đồng Hồi giáo lớn của thành phố, nơi y đang gặp nhiều khó khăn.

Tay súng 49 tuổi này từng gửi thư đe dọa gia đình những binh sĩ Australia thiệt mạng tại Afghanistan, phạm các tội liên quan đến hành động này và bị kết án 2 năm tù. Hắn cũng từng đăng lên mạng những hình ảnh chủ nghĩa cực đoan. Phát ngôn viên Nhà nước Hồi giáo Abu Muhammad al-Adnani hồi tháng 9 từng liệt kê Australia, Pháp, Canada và Mỹ vào “danh sách đen” của bọn chúng. “Khi cảnh sát bao vây… tên này tìm cách che đậy những hành động của mình bằng biểu tượng sùng bái sẵn sàng bỏ mạng vì IS”, Thủ tướng Abbott cho biết.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, Monis chỉ hành động một mình chứ không đại diện cho nhóm khủng bố cực đoan nào. Nhưng vụ bắt cóc kịch tính cho thấy thực tế về mối đe dọa ngày càng tăng của các “con sói đơn độc” trong bối cảnh các cuộc tấn công kiểu này đang gia tăng trên toàn thế giới trong năm qua, trùng với “triều đại” của IS. Các tổ chức khủng bố trong nhiều năm qua kêu gọi các tân binh và tình nguyện viên hãy hành động một mình chứ không có “đơn đặt hàng” hoặc đào tạo cụ thể.

Một thế giới phẳng với sự lên ngôi của Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đang giúp đẩy thông điệp của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đi nhanh như tốc độ ánh sáng.

Khả Anh