Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cuộc chiến “cùng thua”
Nhóm vận động chống áp thuế của Mỹ “Tariffs Hurt the Heartland” cho biết, người tiêu dùng và các doanh nghiệp nước này phải trả thêm 38 tỷ USD tiền thuế từ tháng 2-2018 đến 9-2019.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ gặp nhau vào tháng 12 tới để ký thỏa thuận thương mại sơ bộ được chờ đợi. Trong ảnh: Phái đoàn Trung - Mỹ gặp nhau bên lề Hội nghị Cấp cao G20 vào tháng 12-2018. Ảnh: Reuters |
Các nhà kinh tế của LHQ ngày 8-11 cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã đi đến một kết cục “cùng thua” cho nền kinh tế hai nước và cả thế giới và mọi việc có thể sẽ càng xấu hơn nữa nếu Bắc Kinh - Washington không đạt được một thỏa thuận.
Người Mỹ phải trả thêm 38 tỷ USD tiền thuế
Tờ Economic Development dẫn dữ liệu từ 6 tháng năm 2019 cho thấy, hầu hết phí thuế quan cao hơn của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc đè nặng trên vai người tiêu dùng và các Cty nước này.
Theo đó, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khiến người Mỹ phải trả thêm 38 tỷ USD tiền thuế. Nhóm vận động chống áp thuế của Mỹ “Tariffs Hurt the Heartland” cho biết, người tiêu dùng và các doanh nghiệp nước này phải trả thêm 38 tỷ USD tiền thuế từ tháng 2-2018 đến 9-2019. Theo Tariffs Hurt the Heartland - cơ quan được hỗ trợ bởi 150 tổ chức thương mại kinh doanh và nông nghiệp, chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua, người Mỹ đã trả 7,1 tỷ USD tiền thuế, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2018. Tổ chức này cho biết sự gia tăng đáng kể nói trên bắt nguồn từ các biện pháp thuế quan được chính quyền Mỹ hiện tại thực hiện. Nhóm vận động này chỉ ra rằng, người Mỹ đã phải trả thêm 905 triệu USD trong 30 ngày đầu tiên kể từ khi một phần biện pháp thuế quan bổ sung áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, có hiệu lực vào ngày 1-9.
“Người tiêu dùng Mỹ đang trả tiền cho mức thuế quan cao hơn nhằm vào hàng hóa Trung Quốc”, ông Alessandro Nicita, chuyên gia kinh tế tại Cơ quan thương mại của LHQ (UNCTAD) cho biết đồng thời nhấn mạnh: “Không chỉ người tiêu dùng cuối cùng như chúng tôi, mà các nhà nhập khẩu các sản phẩm trung gian - các Cty nhập khẩu linh kiện và linh kiện từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn”.
Trung Quốc mất 35 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019
Các biện pháp đánh thuế do Mỹ khởi xướng - được đưa ra vào giữa năm 2018- cũng đã đánh vào Trung Quốc, với mức thiệt hại 35 tỷ USD.
Các Cty của Trung Quốc đại lục đã phải vật lộn với việc số hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh, so với các đối thủ cạnh tranh khác - đặc biệt là đảo Đài Loan. Theo nguồn tin này, những quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến này còn có Mexico, các nước Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc, Canada và Ấn Độ… Trong số 35 tỷ USD thiệt hại xuất khẩu của Trung Quốc tại thị trường Mỹ, khoảng 21 tỷ USD (63%) đã được chuyển sang các nước này và các nước khác, trong khi 14 tỷ USD còn lại bị mất hoặc rơi vào tay các nhà sản xuất Mỹ. Cơ quan LHQ cũng lưu ý, có bằng chứng cho thấy, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể đã bắt đầu chịu một phần chi phí thuế quan khi họ bắt đầu hạ giá xuất khẩu.
Báo cáo của UNCTAD cũng cho thấy, các lĩnh vực khác giảm đáng kể bao gồm hóa chất, đồ nội thất, máy móc điện… Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là máy tính và các máy móc văn phòng khác, thiết bị truyền thông, khi đã giảm 15 tỷ USD. Tuy nhiên, UNCTAD nhấn mạnh khả năng phục hồi của các Cty Trung Quốc, nơi duy trì 75% xuất khẩu của họ sang Mỹ.
Khi nào có một thỏa thuận?
Trong tuyên bố đưa ra hôm 8-11, người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết, Mỹ “rất lạc quan” về khả năng sớm đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Fox News, bà Grisham nhấn mạnh: Tôi không thể thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nhưng chúng tôi vô cùng lạc quan về khả năng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận”. Trong khi đó, theo một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ, cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký thỏa thuận thương mại sơ bộ được chờ đợi từ lâu có thể bị trì hoãn đến tháng 12 bởi hai bên đang tiếp tục đàm phán về các điều khoản và địa điểm tổ chức. Quan chức trên cho rằng, có thể hai bên vẫn chưa đạt được hiệp định “Giai đoạn 1” nhằm mục đích chấm dứt cuộc chiến thương mại gây nhiều thiệt hại, song một thỏa thuận có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn.
Theo quan chức Mỹ, hàng loạt địa điểm đã được đề xuất cho cuộc gặp, gồm Châu Âu và Châu Á, nhưng Châu Âu có nhiều khả năng hơn, với Thụy Điển và Thụy Sĩ là 2 địa điểm tổ chức tiềm năng. Bang Iowa, được ông Trump đề xuất, dường như đã bị loại bỏ. Cũng theo quan chức Mỹ, Trung Quốc được cho là muốn có được một thỏa thuận nhanh chóng bởi đó là cơ hội tốt nhất để giành được những điều khoản có lợi, đặt trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với sức ép từ cuộc điều tra luận tội của Hạ viện trong lúc nỗ lực tìm kiếm cơ hội tái cử tổng thống vào năm 2020. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa hồi đáp yêu cầu bình luận về thông tin trên.
KHẢ ANH