Chile và chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương
(Cadn.com.vn) - Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nền chính trị ổn định đã giúp Chile chuyển hướng chiến lược chính trị -quân sự từ Nam Mỹ đến các thị trường đang tăng trưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với việc sử dụng đảo Polynesia – lãnh thổ thuộc Chile - trong khu vực Đông Nam Thái Bình Dương như bàn đạp.
Lợi cả đôi đường
Chile bắt đầu hưởng lợi từ các nền kinh tế đang phát triển quay mặt ra Đại Tây Dương như Argentine và Brazil và cả ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Mức độ tiếp cận của Chile ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Châu Đại Dương, sẽ được thể hiện rõ hơn một khi thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được phê chuẩn. Là một trong những nước tiên phong trong việc đề xuất TPP, Chile sẽ được hưởng lợi cả về việc gia tăng vị thế và phát triển kinh tế sau khi hiệp định thương mại đa phương này có hiệu lực. Tây Nam Thái Bình Dương là khu vực có ý nghĩa địa chính trị to lớn. Tại đây, hai người khổng lồ Châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện trên biển.
Ngược lại, Chile đang tăng cường sự hiện diện trên hòn đảo Polynesia. Tổng thống Chile Michelle Bachelet luôn thể hiện khả năng ngoại giao khéo léo, trong đó có việc thường xuyên tham dự các diễn đàn Thái Bình Dương và xây dựng quyền lực mềm của Chile tại các quốc đảo trong khu vực. Thách thức đối với Chile là mở rộng thương mại và hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương mà không làm gián đoạn mối quan hệ tinh tế giữa Polynesia và người dân bản địa khác trên các đảo Micronesia và Melanesia.
Chile sẽ tham gia vào Nhóm các nhà lãnh đạo Polynesia trong nỗ lực nhằm chứng tỏ cam kết trong khu vực. Nếu nỗ lực này thành công, Chile sau đó có thể mở rộng phạm vi biển sâu hơn vào khu vực Đông Nam Thái Bình Dương và thậm chí còn xa hơn nữa.
![]() |
Hải quân Chile hiện diện tại Thái Bình Dương. Ảnh: Diplomat |
Chiến lược biển
Chile không có chiều sâu chiến lược để củng cố “Sức mạnh Vĩ đại”, nhưng đất nước này có một bờ biển dài - lợi thế rất lớn cho chiến lược biển của mình.
Chile có 6.435km đường bờ biển, 4.300km trên đất liền và phần còn lại phân bố dọc theo vùng lãnh thổ Nam Cực và các đảo ở Thái Bình Dương. Mặc dù không phải là cường quốc hải quân như Anh hoặc Australia, triển vọng viễn chinh của quân đội Chile là hoàn toàn có thể, nhờ vào cân bằng chuyển đổi quyền lực giữa các tổ chức dân-quân sự.
Quân đội Chile muốn có khả năng viễn chinh tương tự như của các cường quốc hàng hải khác ở Nam Thái Bình Dương khác như Australia, nên đã thay đổi đào tạo nhằm triển khai mở rộng, đặc biệt là ở Đông Nam Thái Bình Dương. Hiện nay, Hải quân Chile có 68 tàu mặt nước, và 6 tàu khác đang được đặt hàng. Trong số các đội tàu, có 8 tàu khu trục nhỏ, 7 tàu mang tên lửa, 6 tàu chiến đổ bộ, 16 tàu tuần tra, 2 tàu nghiên cứu, 1 tàu phá băng và 4 tàu ngầm. Ngoài ra, 3 chiếc P-3 Orions và 21 trực thăng cũng tham gia tuần tra trên biển.
Trong nỗ lực nhằm đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của lực lượng hải quân, Chile tham gia nhiều cuộc tập trận hải quân song phương và đa phương. Khả năng mở rộng lãnh hải của Chile trong khu vực được các cường quốc hàng hải khu vực khác hoan nghênh, chẳng hạn như Australia và New Zealand. Trong bối cảnh có những cam kết chính trị, quân sự và kinh tế với khu vực Nam và Đông Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là sau hiệp định TPP, Chile hy vọng mình được chào đón ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để từ đó có thể gia tăng vị thế ở Mỹ Latinh.
An Bình
(Theo Diplomat)