Chìm nổi phận phu trầm (3)

Thứ ba, 16/04/2013 00:00

* Kỳ cuối: Bao giờ cho hết đắng cay?

(Cadn.com.vn) - Đời phu trầm vui ít mà đắng cay nghiệt ngã thì nhiều. Thực tế thì lâu lâu cũng thấy thiên hạ đồn nhiều người “trúng”, nhưng quanh đi quẩn lại rồi cũng chìm nổi bọt bèo. Người giàu có lâu bền với trầm rất hiếm, nhưng những câu chuyện đau lòng, trả giá thì diễn ra hằng ngày mà vụ 5 nạn nhân của vụ thảm sát kiểu thời trung cổ vừa qua là đỉnh điểm của sự cay đắng. Nhưng hỏi bao giờ người ta dừng những cuộc phiêu lưu với rừng, “rửa tay gác kiếm”, đoạn tuyệt với những hiểm nguy ở chốn thâm sơn cùng cốc thì rất khó trả lời. Nói thẳng ra là chưa thể! Loanh quanh cũng chính là bài toán về sinh kế và quản lý con người.

Hỏi có cách nào để những chuyện đau lòng vì trầm dừng lại, ông Hoàng Minh Thuận - Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, H. Quảng Trạch lắc đầu: “Xã tui nghèo nhất huyện. Mà cái thôn Minh Tiến có 2 phu trầm bị giết ấy lại nghèo nhất xã nữa. Anh nói mỗi khẩu được một sào ruộng, mỗi năm chỉ làm được một vụ thì lấy gì mà sống? Trai tráng trong làng, ngoài việc lặn lội trong rừng sâu thì cũng chẳng còn làm gì khác được”. Nghề chính của người dân xã Quảng Minh là làm nông nghiệp, trồng rừng và đi biển. Trồng lúa thì thiếu đất, trồng rừng cũng chẳng được bao nhiêu phần trăm hộ. Còn đi biển, ngư dân cũng đối mặt với nhiều bất trắc, mà vụ 7 ngư dân xấu số ở thôn Tân Định bị gió mùa đánh chìm tàu mất tích hồi đầu năm là một minh chứng. Toàn xã có 1.850 hộ dân thì có tới 410 hộ nghèo, người dân chủ yếu sinh sống trên những ốc đảo. Đói nghèo, thất học nên bao đời nay dân Quảng Minh hoặc là tha hương kiếm sống hoặc mưu sinh bằng những nghề mà hiểm nguy thường xuyên rình rập. Nhắc đến chuyện sinh kế cho người dân, ông Thuận xót xa: “Đề án giải quyết việc làm cho dân nghèo thì có, nhưng mỗi năm cả xã may ra giải quyết công việc cho khoảng trăm người là cùng. Thất nghiệp thì túng quẫn, người ta phải tự tìm việc mà làm, vì thế chuyện quản lý con người lại càng khó khăn. Nói người Quảng Minh đi trầm nhiều thì chỉ biết nhiều chứ chính xác là bao nhiêu thì chịu”.

 

Anh Hoàng Minh Hiếu: “Biết đi trầm là hiểm nguy, nhưng không có nghề,
nhiều người dân vẫn phải mưu sinh trong rừng thẳm”. 

Cũng nỗi niềm như ông Thuận, ông Ngô Đức Thắng – Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, H. Bố Trạch nói giọng buồn buồn: “Xã có 11.000 dân thì 70% làm nông nghiệp. Vào thời nông nhàn, trai tráng phải đi tứ xứ kiếm ăn. Người thì vào Nam, người lên Tây Nguyên, người ra thành phố. Anh nói tìm trầm thì tôi nhớ, trầm Quảng Bình, Quảng Trị mô có nữa, giờ người ta rủ nhau qua rừng các nước để săn. Giàu có mô chưa thấy, thấy toàn thương tật với bỏ mạng, kiếp phu trầm cũng cay đắng lắm”. Ông nói người ta ra xã xin giấy để đi lao động, có kế mưu sinh thì mình ký giấy chứ chẳng biết qua các nước họ làm cái gì, quản lý không nổi. Đến khi có tin báo về là bị chết, bị bắt, bị thương thì mới biết là họ xâm phạm lãnh thổ người ta để săn trầm. Nghèo đói thì khổ đã đành, chết thảm vì trầm thì tội người chết rồi còn làm cho gia đình túng quẫn nữa. Chẳng biết bao giờ thoát ra được.

Hỏi có đoạn tuyệt được với rừng thẳm sau những kinh hoàng đã xảy ra, anh Trần Minh Tuấn - người may mắn thoát ra được những nút trói bằng dây phanh xe đạp của 3 kẻ thủ ác trong một vụ trấn lột trước màn thảm sát kinh hoàng, bập điếu thuốc rồi thở dài: “Chỉ cần có mấy sào đất thôi thì tui cũng chẳng phải đánh cược với rừng xanh. Anh chỉ cần nói ở xã này, giờ có việc gì làm kiếm ra tiền để sống thì tui không quan tâm đến trầm hay bổng nữa. Có gì quý hơn cái mạng mình hả anh?”. Anh Tuấn cùng với Nguyễn Thanh Liêm và Hoàng Lê Dũng (người cùng xã Quảng Minh), nếu không có phép màu thì có khi giờ này đã chết dưới tay của những sát nhân máu lạnh. Đêm 22-3, chính Hồ Văn Nguyên, Hồ Văn Công và Hồ Văn Thanh - 3 người giết 5 phu trầm không ghê tay đã dùng súng khống chế, trói nhóm này bằng dây phanh xe đạp rồi lấy hết đồ. May thay, trong đêm tối, cả ba tự cởi trói được và tháo chạy, nếu không kịch bản đòi tiền chuộc rồi dẫn đến thảm sát có khi lại dành cho cả ba người.

 

Chị Hòe cùng 3 đứa con thơ bên bàn thờ chồng là anh Đinh Văn Trị,
phu trầm xã Quảng Sơn vừa bị sát hại. 

Những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều khu rừng của H. Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An trở thành tử địa đối với dân đi đào đá đỏ. Có người gục ngã bằng một nhát chém, có người bị đánh hội đồng chết đau đớn. Nhưng người ta đồn, có những người chết ngay “trước cổng thiên đường”. Rằng sau bao ngày chống chọi với sốt rét, họ cũng tìm được mấy hạt ruby. Nhưng để qua được những thằng cai bãi bặm trợn cũng như giới giang hồ trấn cướp trong chốn rừng sâu là điều không đơn giản chút nào. Và chiêu qua ải được dùng phổ biến là nuốt đá ruby vào bụng rồi thừa cơ lẻn khỏi vòng vây. Có người thoát và đổi đời nhưng nhiều người không đủ vận nên bị giang hồ chặn lại và mổ bụng đãi đá ruby. Lại nhớ thêm mấy vụ thanh trừng ghê rợn trong các bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam). Cho đến giờ, trên dọc các hành trình vào bãi, vẫn còn nhiều ngôi mộ của phu vàng hoang lạnh. Một số chết vì ma túy, một số chết vì bệnh tật đói rét, số còn lại chết vì thanh trừng. Nghe kể chuyện này đã lạnh gáy, nhưng  nói về độ ghê rợn trong cách ra tay dẫn đến những cái chết tức tưởi thì vụ thảm sát 5 phu trầm tại khu vực biên giới Việt - Lào, tiếp giáp địa phận xã Hướng Lập, H. Hướng Hóa, Quảng Trị vừa qua còn tàn bạo hơn cả thời trung cổ. Vậy nhưng ngay trong khi cơ quan CA đang làm thủ tục để khám nghiệm tử thi 5 phu trầm này thì ở 2 xã Quảng Minh, Quảng Sơn (H. Quảng Trạch), nhiều phu trầm khác vẫn tiếp tục vào rừng. Thậm chí nhiều người còn lặn lội trong rừng sâu mà không hay biết những người cùng phận đã bỏ mạng vì bọn lục lâm thảo khấu. Nói như cậu bé Nguyễn Văn Hiền “chết ai không sợ”, nhưng không đi cũng “chết”.

Bài toán căn cơ nhất, với kiếp phu trầm, phu vàng hay những lâm tặc bất đắc dĩ, nói thì đã cũ: là chuyện sinh kế và quản lý con người. Nhưng cũ đó, mà nói mãi cũng chẳng thể mới hơn. Mà làm lãnh đạo, có ai không muốn điều đó cho dân, nhưng khó quá, lực bất tòng tâm?

Phóng sự: Đông A