Chìm nổi phận phu trầm

Thứ bảy, 13/04/2013 00:00

* Kỳ 1: Đánh cược với rừng thẳm

(Cadn.com.vn) - Sau vụ “thảm án” 5 phu trầm bị sát hại, có lẽ những người dân nghèo xứ Quảng Minh, Quảng Sơn của H. Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình sẽ ám ảnh về những cái chết thê thảm mà bỏ nghề. Nhưng nhìn lại, nếu từ bỏ phận phu trầm vì hiểm nguy thì người dân của vùng nghèo nhất nhì Quảng Bình này đã bỏ từ lâu lắm. Bởi vì không năm nào ở xã không chứng kiến cảnh chết chóc, thương tật. Vào mùa nông nhàn, trai tráng sống trong rừng nhiều hơn ở nhà. Cái nghèo khó khiến họ đưa ra bài toán đánh đổi là “đi trầm có hiểm nguy nhưng không đi trầm là  đói”. Kiếp phu trầm đầy nghiệt ngã và cay đắng, nhưng gánh nặng áo cơm, họ không dứt ra được.

Cái nắng đầu hè như thiêu đốt người ta. Gió lào thổi bạt qua như làm cho từng ngõ vắng của thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh khô quắt, không thấy mặt người ló ra đường, thôn xóm nhìn tiêu điều và hiu quạnh. Cái thôn vốn không ít dân nhưng trai tráng ít khi ở nhà, đi biệt trong rừng nên nhiều người cứ gọi đây là “thôn thiếu phụ”.

Trưởng thôn Hoàng Minh Hiếu cay đắng tâm sự rằng, có hơn một nửa trong số gần 300 hộ dân của thôn thuộc diện nghèo và cận nghèo, đất đai không có để sản xuất nên chuyện “lấy rừng làm nhà” để mưu sinh là không tránh khỏi. Mà sống với rừng, chỉ có 2 cách là trồng rừng rồi khai thác hoặc là đi “săn” những gì rừng có. Trồng rừng thì vốn dài, không phải ai cũng làm được, khai thác gỗ thì vi phạm pháp luật. Nên như bản năng sinh tồn, từ một số người phát hiện ra trầm, người ta ào ào cơm nắm muối đùm vào chốn thâm sơn thành cơn sốt. “Chẳng giấu gì anh, là trưởng thôn nhưng lâu lâu tui cũng phải vào rừng để săn trầm, kiếm đồng ra đồng vào chứ chẳng biết lấy gì mà sống. Tui là còn làm việc, đi nhiều cũng khó nói với bà con, nhưng trai tráng trong làng mỗi tháng may ra có mặt ở nhà vài ngày” - anh Hiếu tâm sự.

Người thân và những phu trầm của xã Quảng Minh, Quảng Sơn
vào rừng tìm xác các phu trầm bị sát hại. 

Mấy ngày nay, vừa làm việc với cơ quan công an cũng như bị ám ảnh với cái chết của 5 người trong nhóm tìm trầm, anh Hoàng Văn Hà như gầy rộc đi. Anh xin tôi đừng hỏi về vụ thảm sát nữa, rồi chậm rãi kể về cuộc sống của phu trầm ở chốn thâm sơn. Hà nói, đã một lần buộc ba lô lại, cơm đùm cơm nắm vào rừng thì không biết có phải như một lời nguyền hay là ảo vọng mà phu trầm dù biết những điều đáng sợ cũng khó tính đường lùi. Giống như làm vàng hay đi đào đá đỏ vậy. Có 3 nỗi sợ mà kiếp phu trầm phải bước qua đó là bệnh tật, thú rừng và bọn trấn cướp. Đó là cuộc sống của một người rừng. Chàng trung niên 37 tuổi đời rút ruột: “Sốt rét, rắn độc, thú rừng là chuyện đã đành. Ngay cả nguy cơ sáng là người chiều là ma cũng phải chấp nhận. Anh có hỏi tôi đã chứng kiến bao nhiêu người bỏ mạng ở chốn rừng sâu chỉ ở xã này thì tôi cũng đã không nhớ hết”. Còn cái bản năng để sống được trong rừng cả tháng trời và chuyện ngậm ngải, Hà nói với tôi là nên hỏi ông Nguyễn Văn Đào, người cùng xã.

Trong 15 phu trầm lập thành 3 nhóm lên đường vào ngày 28-2, mà 5 người trong số này đã bị thảm sát ghê rợn hơn cả thời trung cổ, thì ông Đào là người có thâm niên làm người rừng nhất. Hơn 50 tuổi đời, ông gần như đã cày nát những khu rừng miền tây Quảng Bình để mong đổi đời với trầm. Nhưng rốt cuộc, ông vẫn có tên trong danh sách các hộ nghèo của xã Quảng Minh. Tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Ông Đào chua chát rằng, nếu kể về tài sản trong nhà thì không có gì khó vì nó ít quá. Còn bao bận sốt rét đến thập tử nhất sinh, bao lần đối mặt với bọn lục lâm thảo khấu cũng như liệt kê bao nhiêu người bị tai nạn, thành phế nhân hay cay đắng với trầm thì không thể. “Thường thì phu trầm chỉ xuống núi sau khi tìm được trầm hoặc là cạn kiệt lương thực. Nhưng cũng có những lúc lâm vào cái cảnh “phía trước là rừng mơ” như trong binh pháp. Hết gạo, hết nước nhưng đánh hơi thấy trầm là phải liều bám trụ. Người thì đói lả, người thì khát cháy họng nằm vật ra nhưng nghĩ đến trầm thì không thể lui”. Cũng đã không ít lần, linh cảm mách bảo đúng, nhưng hầu hết thì càng đi càng vô vọng. Nhưng nghiệp trầm là thế, nếu linh tính mách bảo mà thoái lui thì đừng bao giờ mong có duyên với nó nữa.

 Các phu trầm chết hụt tại hiện trường nơi bị các sát thủ khống chế...

Ông Đào kể, cũng như phu vàng, phu đá đỏ, người tìm trầm không thể đi đơn lẻ mà phải có phường có hội, mà như trên đã nói, quan trọng nhất là để đối phó với những mối đe dọa từ rừng sâu. Có một điều bất thành văn là ở chốn khỉ ho cò gáy, phu trầm phải luyện được gương mặt đến độ “cảnh giới”. Nhóm nào biết nhóm nấy. Dù phát hiện ra trầm thì cũng phải thiểu não như là chết đói đến nơi và trở về theo kiểu… công cốc. Thấy trầm không được xun xoe reo hú hay giành giật nhau. Tranh giành là phá bỏ “lời nguyền với núi rừng”, còn nếu nhóm nào thể hiện sự vui mừng thì gần như trên đường hạ sơn, bọn lục lâm thảo khấu sẽ bám theo. Nhẹ thì bị khống chế và lấy hết, nặng thì ngay cái mạng cũng khó giữ. Nên câu nói “sáng người chiều ma”, “sáng đỏ ngực, chiều xanh cỏ” cũng từ mấy chốn này mà ra. 

...và nhiều phu trầm lấy rừng làm nhà cho cuộc mưu sinh
(Trong ảnh: Lán trại nơi các phu trầm bị khống chế để đòi tiền chuộc
trước khi bị đưa đến một nơi khác và bị sát hại). 

Người già, trung niên đặt chân vào kiếp trầm đã đành, ở xã Quảng Minh, nhiều cậu bé mới lớn cũng đã lấy rừng làm nhà, theo người lớn tìm kế sinh nhai và hy vọng đổi đời. Ban đầu chúng đi tập sự, lo chuyện cơm nước, lán trại, giặt giũ hằng ngày. Quen dần với những thử thách khắc nghiệt rồi, chúng cũng được phân công nhiệm vụ xé rừng tìm cơ may. Một trong những phu trầm trẻ tuổi nhất của thôn Minh Tiến là cậu bé Nguyễn Văn Hiền. Năm nay 13 tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng em đã khăn gói theo đội đàn anh vào rừng mấy năm nay. Nhìn cái ba lô bạc phếch của con trai, bà Trần Thị Hồng (mẹ của Hiền) chua chát: “Biết làm răng hả chú. Học hành chẳng tới đâu nên làm việc gì có tiền là nó làm. Nhìn người làng bỏ mạng hay thương tật tui nhiều đêm nằm khóc thương con. Nó nói học không vô, ở nhà là chết đói, tui đành ngậm ngùi cho nó đi theo thằng lớn, chứ làm được gì hơn”. Tôi hỏi “nhiều người trong thôn bị giết dã man, em có sợ không?”, Hiền cúi mặt: “Chết ai không sợ hả anh. Bữa trước Tết, tụi em cũng bị bọn giang hồ dùng súng AK khống chế, trói lại rồi cướp hết đồ đạc. May mà chúng lấy tiền, gạo rồi bỏ đi chứ nếu chúng làm hung thì giờ cũng xanh cỏ rồi”.

Ông Hoàng Ngọc Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh xót xa: “Hai nguồn sống chính của người dân là biển và rừng. Người bỏ mạng nơi biển khơi cũng đã nhiều, người vào rừng rồi chẳng có ngày về cũng không ít, nhưng vì cuộc sống họ phải chấp nhận đối mặt với hiểm nguy. Phu trầm, họ như đánh cược cuộc sống của mình với chốn rừng xanh”.

Phóng sự: Đông A
(còn nữa)