Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

Thứ bảy, 04/03/2017 08:27

(Cadn.com.vn) - Sáng 3-3, Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2 để nghe Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan dự phiên họp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân

Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Giai đoạn 2011-2016 đã hình thành được hệ thống pháp luật đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý. Đặc biệt, lần đầu tiên lĩnh vực an toàn thực phẩm có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, thay vì phải áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chung trong lĩnh vực y tế. Hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm bước đầu đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống kiểm nghiệm bước đầu đã đáp ứng được hoạt động kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý.

Công tác thanh, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với chế tài xử phạt mạnh, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Đặc biệt, trong năm 2015-2016, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% (2015) lên 23,4% (2016), tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% (2015) lên 67% (2016); số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu đồng (2015) lên 3,73 triệu đồng (2016), cao hơn nhiều so với các năm trước. Công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, thực hành về an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng.

Về xuất khẩu nông sản thực phẩm, từ một nước chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, năm 2015 nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường thực phẩm trong nước cũng được quan tâm nhiều hơn, nhiều vùng nguyên liệu an toàn như vùng rau sạch, chăn nuôi an toàn đã được xây dựng, nhiều nhà máy chế biến thực phẩm được thế giới chứng nhận về hệ thống an toàn thực phẩm. Công tác phối hợp liên ngành có nhiều cố gắng: 100% các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cấp; đến nay có 19 tỉnh, thành phố có Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và ý kiến của các thành viên đoàn giám sát tại phiên họp cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Ở nhiều địa phương, mặc dù tổ chức kiểm tra nhiều nhưng xử lý đạt thấp, kỷ luật không nghiêm, còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành. 5 năm qua, cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở, phát hiện hơn 670 nghìn cơ sở vi phạm và mới có hơn 136 nghìn cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm khoảng 20%. Công tác điều tra, xử lý hình sự về an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao. Theo thống kê, 5 năm qua, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm ở nhiều địa phương còn hình thức...

Phát huy trách nhiệm

Giải trình, làm rõ hơn nội dung Đoàn giám sát quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: Ngay từ khi Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực hơn ở các bộ, ngành, địa phương. Vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức quan trọng, không chỉ liên quan đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, du lịch, xuất khẩu nông sản... Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, một số địa phương đã thấy được trách nhiệm của mình, vào cuộc, tạo sự chuyển biến bước đầu trong công tác an toàn thực phẩm nhưng cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nhận định: Thực tế hiện nay, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, phần sản xuất quy mô lớn để xuất khẩu hoặc các đầu mối sản xuất quy mô lớn đã tốt nhưng trọng tâm yếu nhất là câu chuyện từ sản xuất, kinh doanh, phân phối, chế biến, tiêu dùng nhỏ lẻ. Vấn đề là cần tạo môi trường pháp lý để người sản xuất, kinh doanh, chế biến nhỏ lẻ tuân thủ. Nguyên nhân của những tồn tại trong quản lý an toàn thực phẩm vừa qua không phải là do những hạn chế của hệ thống pháp luật mà do khâu tổ chức thực hiện. Hệ thống khung khổ pháp luật của Việt Nam về an toàn thực phẩm được quốc tế đánh giá là có nhiều tiến bộ, một trong những nước đi đầu trong khu vực, vấn đề là năng lực thực hiện. Việc phân công trách nhiệm trong bộ máy Chính phủ, từ trung ương đến địa phương rất rõ ràng, không chồng lấn nhưng về cơ bản quốc tế đánh giá: Với mô hình tổ chức hiện nay nếu thực hiện đầy đủ sẽ làm được tốt hơn.

Khẳng định một trong những việc cần làm là phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để tạo sự chuyển biến vững chắc tới từng người dân, Phó Thủ tướng đề nghị, tới đây Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thay đổi cách tiếp cận về quản lý an toàn thực phẩm. Cần có hệ thống đánh giá rủi ro, trong đó đặc biệt lưu ý ngoài phòng thí nghiệm cố định, cần có nhiều hơn các phòng thí nghiệm lưu động để xét nghiệm nhanh. Bên cạnh đó, cần chuyển từ chỗ coi đây là việc thuần túy của Nhà nước sang là việc nội bộ của từng ngành sản xuất, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp sản xuất...

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành hoàn chỉnh lại báo cáo; tăng cường thêm nhận định, đặc biệt là nhận định về thực trạng của tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục phối hợp với Đoàn giám sát tìm ra câu trả lời chính xác, tránh đưa ra thực trạng và giải pháp chung chung...

Phúc Hằng