Chính sách Châu Á của Mỹ dưới thời Joe Biden?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 hiện nay là cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Việc ứng viên Đảng Dân Chủ đang có những lợi thế nhất định trong các cuộc thăm dò khiến nhiều người đặt câu hỏi chính sách Châu Á của Mỹ sẽ như thế nào dưới thời Biden?
Ông Joe Biden trong cuộc tranh luận của đảng Dân chủ tại Washington hôm 15-3. Ảnh: NYT |
Ông Biden không xa lạ gì với chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và Châu Á nói riêng. Ông là thành viên lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là người đã đưa ra một số điểm quan trọng trong chính sách Châu Á của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, chẳng hạn như bình thường hóa Mỹ-Trung trong thập niên 1970, vấn đề xoay trục hoặc tái cân bằng khi ông giữ chức Phó Tổng thống trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, bối cảnh cho chính sách Mỹ-Á đã thay đổi kể từ khi ông Biden rời Nhà Trắng vào năm 2017. Dù chính quyền Tổng thống Trump đã đặt Châu Á vào trọng tâm trong tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, ông Trump cũng đã thách thức các khía cạnh của cam kết đó bằng cách đặt những câu hỏi về vấn đề thương mại tự do và liên minh, cũng như theo đuổi chính sách cạnh tranh hơn với Trung Quốc. Trong khi các đồng minh và đối tác của Mỹ như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản có thể chia sẻ một số mối quan ngại của Mỹ, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã làm tăng mối lo ngại về khả năng lãnh đạo của Mỹ trong bối cảnh sức mạnh và sự quyết đoán của Bắc Kinh ngày càng tăng.
Cho đến nay, ông Biden vẫn giữ vững quan điểm Châu Á là một phần của nền tảng chính sách đối ngoại phục hồi. Trong một bài báo gần đây trên tạp chí Foreign, ông đã phác thảo một tầm nhìn gắn liền với tầng lớp trung lưu và nền dân chủ, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ sẽ cùng với các đồng minh thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc, giải quyết vấn đề Triều Tiên và tiến tới chính sách thương mại tự do nhưng công bằng.
Dù có khá nhiều điểm khác biệt so với chính quyền Tổng thống Trump hiện nay, nhưng ông Biden sẽ tiếp tục giữ một số chính sách của chính quyền tiền nhiệm nếu được bầu. Về mặt chiến lược, trong khi cách tiếp cận của chính quyền có thể thay đổi về tên, thì có khả năng ông Biden sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại Châu Á trên hết với định hướng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong lĩnh vực quân sự, dù đã có các điều chỉnh được thực hiện trong các lĩnh vực ngân sách và liên kết, sẽ có sự nhất quán trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và khủng bố. Cách giải quyết mối quan hệ Mỹ-Trung cũng sẽ tiếp tục như cũ vì chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc dưới thời ông Trump nhận được sự đồng thuận ngày càng tăng. Dù vậy, chính quyền của ông Biden có thể cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc. Hai nước sẽ hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung như biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ông Biden sẽ có sự thay đổi đáng kể trong một số lĩnh vực. Washington sẽ khôi phục những cam kết truyền thống đối với các thể chế đa phương như LHQ và NATO. Mỹ sẽ xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Kinh tế và thương mại cũng sẽ là các lĩnh vực có sự thay đổi. Trong khi tình trạng hiện tại của nền kinh tế buộc Mỹ phải tiếp tục tái lập các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương trước đây, thì ông Biden có thể sẽ giảm bớt chủ nghĩa bảo hộ dưới thời ông Trump, và đưa ra những ý tưởng mới thúc đẩy kinh tế của Mỹ trên phạm vi quốc tế.
Cách tiếp cận chính xác của ông Biden đối với Châu Á sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tiến gần hơn đến cuộc bầu cử vào tháng 11. Cho đến nay, đại dịch Covid-19 toàn cầu trở thành vấn đề quan trọng nhất, đưa các chính sách đối ngoại ra rìa. Hiện chúng ta chỉ thấy những cái nhìn thoáng qua về chính sách Châu Á của ông Biden thông qua sự chỉ trích của ông đối với việc ông Trump xử lý vấn đề Triều Tiên hay Trung Quốc. Các đường nét chính xác trong cách tiếp cận của ông Biden đối với Châu Á sẽ bắt đầu hình thành một khi chúng ta biết được những nhân sự chủ chốt trong chính quyền của ông Biden.
Khi cuộc đua Biden-Trump diễn ra trong những tháng tới, quan điểm của hai nhà lãnh đạo về vấn đề Châu Á sẽ bộc lộ. Nhưng chắc ông Trump hoặc ông Biden luôn hiểu rằng, Châu Á là khu vực mà họ sẽ phải tiếp tục hợp tác trong những năm tới.
AN BÌNH
>> Ông Trump tái khởi động tranh cử bằng cam kết “sẽ có vaccine chống Covid-19”
>> Ông Biden vượt ông Trump trong cuộc thăm dò tại New Hampshire
>> “Bộ tứ siêu đẳng” có thể giúp ông Biden đánh bại ông Trump?