Chờ đợi giấc mơ an cư

Thứ sáu, 30/06/2017 09:58

(Cadn.com.vn) - Dù nhiều người hay đùa rằng, người dân làng Tung, làng Gút có nhiều cái nhất, khi người dân ở đây nhiều "nhà" nhất, đông con nhất và nhiều hộ nghèo nhất. Dù đã được Nhà nước cấp đất, cấp nhà theo diện tái định canh, định cư, thế nhưng cái nghèo vẫn vây bám 2 ngôi làng ở xã vùng sâu Kroong (H. Kbang, Gia Lai) này. Để có cái ăn, họ lại bỏ lên làng cũ nằm heo hút giữa chân núi, cách làng mới cả chục cây số.

Những ngôi nhà tái định cư bỏ hoang vì người dân bỏ lên làng cũ sinh sống, sản xuất.

Làng nhiều... không

Con đường từ những căn nhà tái định cư của 2 làng Tung, làng Gút lên khu vực làng cũ sau cơn mưa trơn trượt và sạt lở sâu xuống vực. Những con suối sâu, dốc dựng đứng đầy đá khiến ai cũng nản chí khi muốn tìm đến những căn nhà của người làng Tung, làng Gút dưới chân núi. Gọi là làng cũng đúng dù nhiều người gọi đây là nhà đầm (nhà làm rẫy của người dân) bởi 64 nóc nhà của người dân làng Gút quây quần bên nhau ngay trên mảnh đất làng cũ. Mọi sinh hoạt, sản xuất, ngủ nghỉ hầu như đều diễn ra ở đây. Chỉ khi nào có việc như lễ làng, họp hành hay việc hiếu hỉ thì người dân lại lục tục kéo về làng mới ở khu tái định cư. Dọc con đường vào làng cũ, thi thoảng lại bắt gặp những người dân của 2 làng "cuốc bộ" từ trong ra hoặc mang thức ăn, rượu đi vào. Không hiểu vì thấy người lạ hay nét hiền lành của người Ba Na, lũ trẻ con thì chạy biến vào lùm cây hoặc túm lấy váy mẹ đứng sợ sệt, len lén nhìn, người già thì đứng im quay mặt vào bìa rừng, cảm giác như họ đang nín thở chờ người lạ đi qua. Chỉ có đám thanh niên tò mò nhìn theo khi thấy chúng tôi đang hành hạ "con ngựa sắt" qua những quãng đường nát như tươm để vào làng cũ.

Những căn nhà đầm ọp ẹp của người làng Tung nằm nhỏ bé dưới chân núi cũng dần hiện ra trước mắt... Không một ai ở nhà bởi người lên rẫy, người đi về làng cũ. Không như làng Gút, người làng Tung đưa nhà đầm lên tận núi cao để ở, làm rẫy và sống rải rác ở từng dốc núi. Cách đó không xa là những căn nhà của người làng Gút quây quần lại với nhau. Dưới sườn núi, 64 nóc nhà làng Gút được dựng lên. Tiếng chày giã gạo chợt dừng hẳn khi thấy chúng tôi. Phụ nữ bỏ cả những mẻ lúa đã giã dở dang lẩn vào xó bếp, lũ trẻ con cũng khóc thét chạy theo chân mẹ rồi len lén nhìn ra. Có lẽ, lâu lắm rồi họ mới thấy người lạ vào làng cũ như thế này! Dạo quanh làng chỉ có lũ heo thả rông chạy quanh làng ủi đất và vài ba người đàn ông say giấc nồng dưới gốc cây, người bám đầy đất và bên cạnh là chai nhựa cỡ 2 lít bốc mùi rượu đã trống trơn từ khi nào.  May mắn, chúng tôi gặp được ông Blứ, bí thư chi bộ của làng Gút đang ngồi trong nhà chờ bữa cơm chiều. Khi chúng tôi hỏi về ngôi làng cũ này, Blứ đưa tay cời cho bếp lửa đượm lên giữa căn nhà đang bị màn tối che dần, giọng đượm buồn: "Dù đây là làng cũ của mình nhưng bà con lên đây ở, sản xuất rồi đi đi về về làng mới. Biết ở đây khó khăn, nhiều thứ không có như không điện, không nước sạch, không y tế, không đường giao thông nhưng không vào đây làm rẫy thì không biết lấy gì ăn". Tâm sự với ông Blứ mới hay hầu như bà con làng Gút ngoài căn nhà tái định cư thì vẫn vào đây ở ngay chính trên mảnh đất làng cũ. "Nhà ở làng tái định cư nhé, nhà ở đây nữa, bà con làng Gút nhiều nhà thật nhưng cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo bám miết bà con nơi đây. Tính đến năm 2016, số hộ nghèo ở cả hai làng chiếm tỷ lệ trên 70% (làng Tung có 69 hộ, trong đó có 53 hộ nghèo, chiếm 76,8%; làng Gút 84 hộ, trong đó có 69 hộ nghèo chiếm 82,1%).

Bữa cơm của một gia đình người làng Gút ở làng cũ.

Đến bao giờ an cư?

Nỗi niềm của ông Blứ cũng giống như bao người làng Tung, làng Gút khác khi vấn đề đất sản xuất trở thành bài toán nan giải. Ông Blứ cho biết: "Sở dĩ dân làng bỏ vào khu làng cũ sống vì khu tái định cư mới người dân không có đất để canh tác. Lúc về làng mới ở khu tái định cư, mỗi hộ được vài sào đất nhưng đều là đất núi đồi cao và dốc nên chỉ sau vài vụ trồng thì đất bạc màu, cây lúa rẫy cũng không lên nổi. Bà con mới phải cắn răng quay lại làng cũ bởi đất sản xuất ở đó còn nhiều dù biết bà con sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi ở đó". Dự án xây dựng khu tái định canh, định cư mới của 2 làng Tung và làng Gút được hình thành theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010. Dự án có tổng mức đầu tư 13,86 tỷ đồng và sẽ cho di dời 149 hộ dân của hai làng vượt qua 2 con suối sâu đến khu vực mới cách UBND xã Krong 4 km (khu dân cư rộng hơn 30 ha). Tổng thể khu tái định cư gồm 149 căn nhà xây kiên cố (kiểu nhà sàn), 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trường học (2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học), 8 giọt nước tự chảy, 1 cầu tràn, hơn 2 km đường bê-tông, 1 đường điện thắp sáng. Đồng thời dự án còn hỗ trợ cho 2 làng 50ha đất sản xuất để bà con canh tác, trồng trọt. Thế nhưng, đa phần diện tích đất sản xuất đã nhanh chóng bạc màu sau đó khi bố trí nằm ở sườn đồi dốc.

Theo ông Hỏa Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Krong: "Từ đầu năm 2011, bà con dân làng Tung, làng Gút được vận động về nơi ở mới có đầy đủ các cơ sở vật chất. Thế nhưng, vấn đề về đất sản xuất khiến bà con trở lại làng cũ để làm rẫy. Đây cũng là vấn đề gây khó khăn cho chính quyền trong việc quản lý y tế, giáo dục. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của làng tuyên truyền cho các hộ dân ở 2 làng về ở khu vực mới của làng. Đồng thời, chúng tôi cũng dựa trên các chương trình mục tiêu của Chính phủ xã triển khai hỗ trợ cho bà con ổn định sản xuất như: cây giống, vật nuôi để bà con về khu vực mới ổn định cuộc sống".

Nói thì nói vậy nhưng khó khăn từ đất sản xuất xa nơi ở mới khiến việc phát triển kinh tế của hàng trăm hộ dân người Ba Na ở 2 ngôi làng ở xã vùng sâu Kroong này vẫn còn trắc trở. Việc chờ đợi một nơi ở mới đúng nghĩa an cư, lạc nghiệp vẫn là điều mong mỏi của người dân nơi đây.

MINH TÂN