Cho những con tàu trở lại Hoàng Sa

Thứ sáu, 23/05/2014 11:05

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư đang căng sức bám tàu, bám biển đấu tranh buộc Trung Quốc phải chấm dứt hành động ngang ngược, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đã có những tông va, hư hỏng khi tàu Trung Quốc nhằm vào các tàu của Việt Nam lao tới. Tiếp  sức cùng lực lượng trên biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tại Cảng Sông Thu, hàng trăm công nhân mặc áo lính của Tổng Cty Sông Thu (thuộc Bộ Quốc phòng) vẫn miệt mài chạy đua với thời gian để sửa chữa, khắc phục các hư hại của tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư để trở lại Hoàng Sa tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Sáng 20-5, dưới cái nắng như thiêu như đốt, các công nhân của Tổng Cty Sông Thu vẫn miệt mài sửa chữa tàu Cảnh sát biển 2013, 2016 và tàu Kiểm ngư 628 để nhanh chóng trở lại Hoàng Sa. Ngày 8-5, khi đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa - nơi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 4033 bị tàu Hải cảnh 044 của Trung Quốc ngang ngược đâm thẳng vào mạn phải với chiều dài 3m, rộng 1m khiến máy phải của tàu bị hư hỏng nặng. Vào thời gian trên, tàu 2012 của Cảnh sát biển Việt Nam cũng bị các tàu chiến Trung Quốc tông mạnh làm hư hỏng nhiều trang thiết bị trên tàu. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã lệnh cho 2 tàu trên về Đà Nẵng sửa chữa. Ngay trong đêm, Tổng Giám đốc Tổng Cty Sông Thu Hà Sơn Hải đã lệnh cho các cán bộ phòng, ban trực thuộc huy động 115 công nhân của 15 tổ thi công lập tức bắt tay vào nhiệm vụ sửa chữa 2 tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư trong thời gian sớm nhất.

Tàu Cảnh sát biển bị hư hỏng cập Cảng Sông Thu.

Đang ở nhà ăn tối cùng gia đình, nhưng khi nhận điện thoại từ Cty, anh Đinh Tiến Linh lập tức có mặt tại Cty để nhận nhiệm vụ. Trong đêm ấy, anh Linh cùng các cán bộ, công nhân phải thức trắng để “bắt mạch”, “khám bệnh” cho 2 tàu. Công tác “khám bệnh” đã xong, toàn bộ trang thiết bị hiện đại, vật tư được tập kết tại địa điểm các tàu neo đậu ngay trong đêm. Suốt từ 7 giờ 30 ngày 6-5 đến 6 giờ ngày 7-5, anh Linh không hề chợp mắt. Cẩn thận, tỉ mỉ trong từng nốt hàn, từng động tác phun sơn, những công nhân mặc áo lính tại Cty Sông Thu đã hoàn thành việc sửa chữa hai con tàu chỉ trong 48 giờ đồng hồ. Nhận lại con tàu khi vừa sửa xong, các CBCS Cảnh sát biển Vùng 2 vui mừng khôn xiết và không tin những công nhân có thể sửa xong con tàu chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Ngày 12-5, khi hai tàu 4033 và 2012 xuất bến thẳng tiến Hoàng Sa thì hai tàu chấp pháp khác của ta lại cập cảng để sửa chữa.

Sau đó một tuần, 8 giờ ngày 18-5, tàu kiểm ngư KN-630 lại tiếp tục cập cảng Nhà máy X50 (thuộc Tổng Cty Sông Thu). Hơn 30 công nhân và cán bộ kỹ thuật của nhà máy khẩn trương được điều động đến hiện trường. Các loại máy hàn, máy cắt và vật liệu nhanh chóng đưa xuống tàu. Tiếp đó, các cán bộ kỹ thuật của nhà máy kết hợp với cán bộ tàu kiểm ngư đánh giá mức độ hỏng hóc và lên phương án sửa chữa. Đánh giá đến đâu các công nhân làm việc ngay đến đó. Họ làm liên tục đến 20 giờ cùng ngày thì các hỏng hóc của tàu KN-630 đã được khắc phục xong. Sáng 19-5, tàu KN-630 rời cảng hướng thẳng ra Hoàng Sa tiếp tục làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Đình Phong - Chủ nhiệm Chính trị Tổng Cty Sông Thu cho biết, để nâng cao chất lượng và tiến độ sửa chữa, Nhà máy X50 đã lựa chọn những cán bộ kỹ thuật và công nhân có trình độ, tay nghề cao và kinh nghiệm tốt, chia làm 4 tổ gồm điện, máy, vỏ và mộc làm việc liên tục. Tiếp đó, nhà máy tổ chức phát động thi đua phấn đấu đạt “chất lượng và tiến độ nhanh nhất”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các công nhân tranh thủ từng giờ, từng phút; bộ phận này làm dứt công việc thì bộ phận khác lập tức tiếp quản để tiếp tục các phần việc theo chuyên ngành. Để rút ngắn thời gian sửa chữa, các công nhân nghỉ giải lao rất ít, cơm được phục vụ tại chỗ để không phí phạm thời gian.



Giữa trưa nắng, công nhân Tổng Cty Sông Thu vẫn khẩn trương vào việc.

Cũng theo ông Phan Đình Phong, với những hỏng hóc đã được các bên thống nhất đánh giá, nhà máy phấn đấu sửa chữa xong trong khoảng 10 giờ đồng hồ. “Những công việc thế này, bình thường tổng thời gian từ khi tàu vào đến khi tàu sửa chữa xong phải mất 8 - 10 ngày. Yếu tố để rút ngắn thời gian sửa chữa chính là sự hiệp đồng và thống nhất chặt chẽ giữa các bên trong đánh giá mức độ hỏng hóc, lập phương án khắc phục. Trong quá trình sửa chữa, các cán bộ kỹ thuật của tàu luôn bám sát thợ của nhà máy, những chỗ nào sửa chữa chưa đạt là tiến hành khắc phục ngay. Điều này cho phép thợ không phải làm đi làm lại nhiều lần” - ông Phong nói.

Ông Phan Đình Phong: Xí nghiệp Sông Thu đang khẩn trương đóng hoàn thành thêm một soái hạm mới cho lực lượng Cảnh sát biển. Con tàu lớp DN-2000 đóng theo công nghệ của Tập đoàn Damen (Hà Lan), có sàn đỗ dành cho trực thăng đã hợp long các mô-đun. Dự kiến, đến tháng 11 năm nay sẽ hạ thủy. Cùng với tàu Cảnh sát biển 8001 (đang làm nhiệm vụ trên biển), con tàu này sẽ tăng cường sức mạnh cho lực lượng chấp pháp Việt Nam trên vùng biển chủ quyền.

Anh Lê Văn Thành, công nhân Xí nghiệp Vỏ 2 thuộc Tổng Cty Sông Thu chia sẻ: “Việc sửa chữa trên tàu khó khăn hơn tại xưởng vì chật hẹp, thiếu ánh sáng và rất nóng. Tuy nhiên, vất vả của chúng tôi là gì so với sự vất vả, nguy hiểm của các chiến sĩ trên tàu ngoài vùng biển Hoàng Sa. Nên dù có thức trắng 48 tiếng chứ lâu hơn nữa thì tôi và các đồng nghiệp vẫn vui vì mình đã và đang đóng góp công sức của mình để giúp các lực lượng chấp pháp ra khơi, bảo vệ chủ quyền”. Anh Thành và các công nhân còn cho biết thêm, nếu cấp trên chỉ đạo lên tàu ra Hoàng Sa để sửa chữa tàu bị hư hỏng tại hiện trường, các anh sẵn sàng lên đường”.

Chứng kiến sự vất vả thầm lặng của công nhân mặc áo lính của Tổng Cty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) những ngày qua, chúng tôi càng hiểu hơn chân lý ngàn đời của mỗi người con đất Việt, rằng, khi đất nước cần, tất cả sẵn sàng dâng hiến sức lực, trí tuệ và cả xương máu. Nhìn những con tàu được chữa lành vết thương vươn mình cưỡi sóng hướng về vùng biển Hoàng Sa, lòng ai cũng thấy tự hào...          

Đoàn Xuân Tấn