Chợ quê mùa giãn cách
Chợ truyền thống Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bao năm nay được xem là chợ “đầu mối” nông sản trên địa bàn huyện. Trước đây, tầm 3-4 giờ sáng hằng ngày, xe chở các loại rau, củ quả từ các vùng giáp ranh của tỉnh Quảng Nam, như: TX Điện Bàn, H. Duy Xuyên, H. Đại Lộc tấp nập đổ về; ngược lại cũng có nhiều chuyến xe đến đây gom hàng, rồi chở lên các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và các khu vực nội thành.
Người dân chấp hành tốt các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch bệnh COVID- 19.
Ở nông thôn, người dân có thói quen đi chợ mỗi ngày, nhưng hơn 10 ngày qua, không khí ở chợ quê này ít nhộn nhịp hẳn. Những sạp bán hàng hóa, thực phẩm cũng rất ít người lui tới. Nhiều sạp đã “cửa đóng, then cài”. Ông Lê Ánh- người dân ở gần chợ Túy Loan, cho hay: Từ chiều tối 31-7-2021, người dân trong khu vực đã chấp hành tốt việc thực hiện Chỉ thị 05 của UBND TP Đà Nẵng về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chỉ khi nào có việc thật sự cần thiết, người dân mới ra chợ mua lương thực, thực phẩm. Ai cũng ý thức, nếu không cần thiết, họ không ra ngoài để khỏi bị lây nhiễm bệnh…
“Gia đình có 4 người, lại gần chợ nên trước đây đi chợ tôi chỉ cần mua đủ lượng thức ăn sử dụng trong ngày. Còn bây giờ, để hạn chế đến nơi đông người thì việc mua gì, ăn gì phải được tính toán trước. Khi ra chợ, đến các sạp hàng quen thuộc mua thực phẩm với giá cả hợp lý, xong là về nhà ngay”, chị Tán Thị Nụ (thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong) chia sẻ khi nghe chúng tôi hỏi về việc chị đi chợ trong mùa dịch như thế nào?
Chợ quê trong những ngày giãn cách, bà con nông dân chủ yếu bày bán mớ cá, bó rau, cây trái trong vườn và một số hàng hóa thiết yếu. Giá cả chợ rất phù hợp với túi tiền của người lao động nông thôn, cân đong không gian lận, buôn bán không “chặt chém”. Mọi người cũng luôn tuân thủ khuyến cáo “5K” với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chị Nguyễn Thị Loan- tiểu thương chợ Túy Loan tâm sự: “Những ngày qua, tôi tạm thời đóng cửa sạp hàng. Tuy nguồn thu bị ảnh hưởng nhưng tôi thấy trong những ngày giãn cách, mặt hàng quần áo người dân không cần thiết mua sắm, nên ở nhà dành phần lớn thời gian chăm sóc gia đình”…
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế dịch bệnh có nguy cơ lây lan, UBND xã Hòa Phong cũng cho tạm ngưng hoạt động các chợ tạm, chợ tự phát trong khu vực. Khác với hình ảnh xe đẩy, xe tự chế bán hàng rong xung quanh chợ trước đây, nay đường quanh chợ trở nên thông thoáng, đi lại dễ dàng hơn.
Có thể thấy, cùng với việc vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các hộ kinh doanh ở chợ Túy Loan cũng đã ký cam kết và thực hiện nghiêm việc tạm ngừng buôn bán các mặt hàng không thiết yếu. Các cửa hàng dược, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm vẫn mở cửa để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và đều chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, không tăng giá so với ngày thường. Người dân đã ý thức đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào chợ, giữ khoảng cách khi giao tiếp…
“Lúc đầu, người dân chưa kịp hòa nhịp với việc giãn cách xã hội nên khá lo lắng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp cán bộ các đoàn thể “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để vận động, giám sát, nhắc nhở đi chợ theo quy định 3 ngày/lần với thẻ QR- Code, nên người dân đã hiểu và vui vẻ chấp hành”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Đặng Xuân Thành cho biết.
VY HẬU