Chọn hy sinh để cứu dân làng
Theo sự chỉ dẫn của ông cụ, tôi men theo con đường bê-tông nho nhỏ dọc triền sông Vĩnh Điện để tìm tới lăng mộ chí sĩ yêu nước Phan Thành Tài thắp nén nhang trước khi viết bài này. Nhắc đến Phan Thành Tài, người dân làng Bảo An, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam rất đỗi tự hào bởi mảnh đất nơi đây đã sản sinh ra người con không ham hố tiền tài, danh vọng và đã xả thân vì nghĩa lớn.
Lăng mộ Phan Thành Tài. |
Phan Thành Tài (1878), là con trai trưởng của cụ cử nhân giáo thọ Phan Thành Tích và bà Lê Thị Truyền. Tuy xuất thân trong gia đình nho giáo nhưng ông không theo con đường cử nghiệp để nối dõi tông đường mà chuyển sang tân học. Khi còn nhỏ, ông học chữ Hán rồi ra Đà Nẵng học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông là người tân học đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Phan Thành Tài sớm có tư tưởng tiến bộ, luôn đả kích mãnh liệt lối học từ chương khoa lỗi thời của thực dân với mục đích không cho phép xứ ta theo kịp với đà tiến triển của thế giới. Mặc dù theo tân học nhưng ông tuyệt đối không làm nô lệ cho ngoại bang mà quyết theo sở học của mình để giáo hóa đồng bào truyền bá tư tưởng văn minh tiến bộ trong phong trào cải cách Duy Tân vào những năm đầu thế kỷ XX.
Là một trong những nhân vật trọng yếu ở Quảng Nam, ông cùng với cử nhân Mai Dị, cử nhân Phan Thúc Duyên, tiến sĩ Trần Quý Cáp đứng ra thành lập "Nghĩa thục diên phong" ở Phong Thử, một mái trường tiêu biểu của phong trào Duy Tân do chính ông làm hiệu trưởng và trực tiếp dạy tiếng Pháp, chăm lo đào luyện lớp trẻ theo đường hướng mới, tích cực mở mang dân trí tại tỉnh nhà, dốc lòng phụng sự dân tộc. Bên cạnh đó, Phan Thành Tài còn hoạt động hỗ trợ đắc lực cho phong trào Đông Du, tìm mọi cách gửi thanh niên ưu tú sang Nhật để học để về kiến thiết đất nước. Sau phong trào đấu tranh chống thuế năm 1908 nổ ra đầu tiên tại H.Đại Lộc, thực dân Pháp và quan lại Nam triều ra sức bủa vây tất cả sĩ phu, đàn áp, bắt bớ, giam cầm bất cứ ai bị tình nghi, Phan Thành Tài và Thái Phiên thoát được các cuộc bố ráp của giặc thù, âm thầm nuốt hận chờ cơ hội vùng lên và ngấm ngầm liên lạc với các chí sĩ yêu nước khác.
Cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 thành công ở Trung Quốc, Phan Bội Châu thành lập "Việt Nam quang phục hội" để tiếp tục vận động công cuộc cứu quốc với tôn chỉ: "Đánh đổ thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà, thành lập một nước Việt Nam tự do, dân chủ". Phan Thành Tài gia nhập hội và được giữ chức trọng yếu trong Kỳ bộ miền Trung. Năm 1914, chiến tranh thế giới bùng nổ, "Việt Nam quang phục hội" hoạt động ráo riết để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lật đổ bộ máy cai trị của giặc Pháp. Tháng 8-1914, Thái Phiên và cử nhân Lê Ngung, nhà yêu nước ở tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc gặp mặt các chí sĩ của Trung kỳ tại Đà Nẵng và Phan Thành Tài cũng tham dự cuộc gặp này. Phong trào cứu nước từ đây được đẩy dần lên, lan sang các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...
Tháng 9-1915, tại nhà ông Đoàn Bổng ở đường Đông Ba, Huế, "Việt Nam quang phục hội" tổ chức đại hội lần thứ nhất với sự tham dự của các đại biểu 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các ông Phan Thành Tài, Thái Phiên, Trần Cao Vân, cử nhân Mai Dị đảm nhận việc phụ trách khu vực tỉnh Quảng Nam. Đầu năm 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân bàn cách lật đổ chính quyền đô hộ Pháp và vào khoảng trung tuần tháng 3, "Việt Nam quang phục hội" tổ chức đại hội lần thứ hai cũng tại Huế, bầu Ủy ban khởi nghĩa gồm các ông Thái Phiên, Lê Đình Dương, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự (Quảng Nam); Lê Ngung, Nguyễn Suy (Quảng Ngãi). Đại hội cử Phan Thành Tài giữ chức "Nam nghĩa kinh lược" và Tổng tư lịnh Nam Ngãi Bình (các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ bùng nổ khắp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào giờ Tý ngày mồng 2- 4 (3-5-1916) và điểm khởi đầu từ Huế rồi đốt lửa trên đỉnh đèo Hải Vân để báo hiệu cho các tỉnh phía Nam nổi dậy. Đạo binh của Phan Thành Tài đồng phục vải rằn, do chính vợ ông là bà Bùi Thị Hậu, người làng Vĩnh Trinh, H.Duy Xuyên đảm nhận việc dệt vải may vá. Nghĩa quân của ông đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chiến đấu và dụng cụ cần thiết để leo vượt thành, túc trực chiến đấu để đánh chiếm Tỉnh thành Quảng Nam. Ngày khởi nghĩa sắp cận kề thì Võ An tuy đang ở trong hàng ngũ lính khố xanh nhưng có tham gia hoạt động liên lạc với các sĩ phu đã tìm gặp và nói với người em ruột của mình là Võ Huệ, lính canh gác tại Dinh án Quảng Ngãi biết sắp có cuộc nổi dậy của nghĩa quân. Võ Huệ sợ chết liền xin phép về thăm nhà, bọn mật thám Pháp nghi ngờ, bắt Võ Huệ tra khảo nên Võ Huệ khai báo tất cả. Các quan tỉnh khẩn báo tin này cho công sứ Pháp là De Tates điện về Huế. Quân đội Pháp triển khai các phương án đối phó, tổ chức các đợt tuần tiễu, truy lùng ở khắp nơi, chốt chặn tất cả các ngả đường nên nghĩa quân ở Huế đành án binh bất động.
Giờ Tý đã trôi qua từ lâu mà vẫn không thấy ánh lửa xuất hiện trên đỉnh đèo Hải Vân, ruột gan Phan Thành Tài nóng như đốt và đoán biết kế hoạch đã bị bại lộ, liền ra lệnh cho quân rút lui. Thế là cuộc khởi nghĩa bất thành và những ngày tiếp theo là các cuộc truy lùng gắt gao của giặc Pháp. Hàng loạt người bị bắt hành hạ, tra tấn hết sức dã man, hàng trăm người yêu nước bị chém giết tàn bạo, bị đưa đi Côn Đảo, Lao Bảo giam cầm. Trần Cao Vân và Thái Phiên bị giặc hành xử tại An Hóa, Thừa Thiên, Lê Đình Dương bị đày đi Buôn Ma Thuột, vua Duy Tân bị giam ở Mang Cá, sau đó chuyển tới đảo Reunion, châu Phi. Phan Thành Tài thoát được sự truy nã của giặc, chạy lên Thượng Đức, bến Giằng và ẩn sâu trong dãy Trường Sơn. Tại đây ông được U They, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Cơ Tu tận tình giúp đỡ và Phan Thành Tài nuôi mộng xuất ngoại để tiếp tục sự nghiệp cứu quốc. Khi Phan Thành Tài trốn lên vùng thượng, bọn giặc xộc vào khám nhà, tịch thu toàn bộ tài sản, bà Bùi Thị Hậu đang mang thai gần ngày sinh nở bị đuổi ra khỏi nhà với đàn con thơ dại. Lùng sục khắp nơi vẫn không bắt được Phan Thành Tài, giặc Pháp và bọn Nam triều tung quân bao vây làng Bảo An, đe dọa thân nhân, dòng tộc và dân trong làng bằng mọi giá phải tìm cho được Phan Thành Tài mang về nộp, nếu không làng Bảo An sẽ là biển máu. Để tránh sự chết chóc tang thương cho bao người dân vô tội, Phan Thành Tài đành phải để bà con thân tộc đưa về làng quê. Chuyến trở về đó có cả người kết nghĩa anh em U They đi theo. Vừa thấy ông, bọn giặc xông tới bắt trói, tống vào nhà lao tỉnh. Qua nhiều lần đánh đập, tra hỏi và dùng đủ phương kế dụ dỗ, nhục hình, song ý chí cứu nước của Phan Thành Tài không hề lay chuyển.
Biết không thể chinh phục được ông, ngày 9-6-1916, bọn giặc đem Phan Thành Tài cùng ông U They ra Chợ Củi, Vĩnh Điện hành quyết hết sức man rợ. Ngày 15-2-2005, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 440/ QĐ-UB xếp hạng lăng mộ Phan Thành Tài di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
THÁI MỸ