Chủ động kích hoạt các phương án phòng chống bão trong bối cảnh dịch bệnh

Thứ bảy, 11/09/2021 19:38

Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, một số chuỗi lây nhiễm chưa thể cắt đứt đà lây thì nay Đà Nẵng tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5. Để làm tốt nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống mưa bão vừa tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị, địa phương sẵn sàng các phương án và chủ động kích hoạt tùy vào diễn biến thực tế.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống mưa bão và dịch bệnh.

 

Tiếp tục nới lỏng các hoạt động

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh giao Văn phòng Ủy ban khẩn trương dự thảo phương án để triển khai trong thời gian đến theo tinh thần bám sát quyết định 2905 về phân chia thành phố thành các vùng xanh, đỏ, vàng. Tuy nhiên, tại các vùng xanh phải nới lỏng các hoạt động như cho bán mang về, tăng số lượng lao động hoạt động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Song song đó, ông Chinh cũng giao Sở Công thương xây dựng các kịch bản để mở lại các chợ, đặc biệt là chợ đầu mối; Sở NN&PTNT lên kế hoạch mở lại Âu thuyền Thọ Quang.

Trước khi triển khai biện pháp phòng, chống dịch mới, thành phố thống nhất cho mở cửa trở lại các cửa hàng bán sách giáo khoa, văn phòng phẩm, các tiệm sửa xe, điện nước; tăng số lượng xe vận tải để vận chuyển hàng hóa đến các siêu thị, khu dân cư lên 50%.

Dịch bệnh vẫn còn phức tạp

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày 11-9, Đà Nẵng ghi nhận 19 ca mắc COVID-19. Trong đó có 5 ca cách ly tập trung, 4 ca cách ly tạm thời, 8 ca trong khu phong tỏa và 2 ca cộng đồng.

2 ca cộng đồng trong ngày được ghi nhận tại tổ 130, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu thông qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Hiện, ngành Y tế chưa xác định rõ nguồn lây.

Liên quan chuỗi lây nhiễm thông qua xét nghiệm hộ gia đình vẫn còn nguy cơ cao, trong ngày ghi nhận thêm 10 ca mắc mới, trong đó có 5 ca là F1, 4 ca trong khu vực phong tỏa và 1 ca lấy mẫu đại diện.

Trong tổng số ca mắc mới trong ngày, quận Hải Châu ghi nhận 4 ca, Thanh Khê 7 ca, Ngũ Hành Sơn 1 ca, Liên Chiểu 5 ca. Riêng huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ trong ngày không ghi nhận ca mắc mới.

Do ảnh hưởng của mưa bão, ngành Y tế thành phố đã tạm ngừng tiêm vaccine phòng COVID-19.

Hiện có 20/56 xã, phường trên địa bàn thành phố được công nhận là vùng xanh. Cụ thể, các xã Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phước (huyện Hòa Vang); các phường An Hải Bắc, Mân Thái, An Hải Tây, Phước Mỹ, Nại Hiên Đông, Thọ Quang (quận Sơn Trà); các phường Mỹ An, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn); các phường Phước Ninh, Nam Dương, Hải Châu 1 (quận Hải Châu) và phường Hòa Khê (quận Thanh Khê).

Tính từ 10-7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.549 ca mắc COVID-19.

Liên quan đến công tác tiêm chủng phòng COVID-19, trong sáng ngày 11-9, do ảnh hưởng của mưa bão, ngành Y tế thành phố đã tạm ngừng công tác tiêm chủng. Dự kiến, những ngày tới, sau khi tình hình thời tiết thuận lợi, các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục triển khai tiêm hơn 200.000 liều cho người dân thành phố từ nguồn Bộ Y tế vừa phân bổ.

Lực lượng chức năng kêu gọi ngư dân và tàu thuyền vào nơi trú ẩn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Sẵn sàng các kịch bản cho nhiệm vụ kép

Chủ động ứng phó với bão số 5, trong ngày 10 và 11-9, các đơn vị, địa phương đã triển khai các phương án phòng chống. Đến nay, 1.236 tàu thuyền đã neo đậu vào bờ, trong đó tại Âu thuyền Thọ Quang có 659 tàu/1.007 lao động (381 tàu/158 lao động Đà Nẵng và 314 tàu/849 lao động ngoại tỉnh). Bên cạnh đó, 646 ghe nhỏ cũng đã được đưa lên bờ. Riêng các tàu thuyền trên sông Hàn đã di chuyển vào sông Cổ Cò. 20 tàu dầu đã di chuyển ra khỏi Âu thuyền Thọ Quang để đề phòng cháy nổ. Tuy nhiên, hiện, vẫn còn 214 ha lúa chưa thu hoạch tại huyện Hòa Vang.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố và triển khai các biện pháp phòng, chống mưa bão chiều 11-9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, tuy bão đã giảm cường độ nhưng lượng mưa vẫn rất lớn và dự báo sẽ kéo dài. “Các đơn vị, địa phương phải hết sức tập trung, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Từng địa phương phải triển khai ứng phó với nguy cơ ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, các tuyến đường phố. Các lực lượng chức năng phải ứng trực 24/24 giờ với 100% quân số. Bên cạnh đó, phải bố trí lực lượng ứng trực ở các điểm có nguy cơ ngập sâu, trên các tuyến đường phải có cảnh báo để người dân di chuyển đảm bảo an toàn.

Dự báo hướng đi của bão số 5. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng lưu ý các địa phương cân nhắc việc sơ tán dân. Tinh thần ở thời điểm này chỉ xem xét sơ tán những trường hợp mất an toàn do ngập úng, không sơ tán ồ ạt để tránh lây nhiễm COVID-19. “Các đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án xử lý, khắc phục ngay sau bão, đặc biệt tổ chức lực lượng dọn vệ sinh môi trường, nhất là khu vực biển. Tiếp tục thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch nhưng tùy vào tình hình để linh động việc lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt hoạt động lưu thông của người dân tại các chốt cửa ô. Riêng các ngư dân vào tránh trú bão phải test nhanh, tránh để lọt F0 vào trong thành phố”, ông Quảng chỉ đạo.

Để công tác phòng, chống bão đạt hiệu quả cao nhất, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị, địa phương, tùy vào tình hình thực tế để kích hoạt các kịch bản phù hợp. Tinh thần phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân là trên hết.

Phi Nông

Bão số 5 giảm cường độ nhưng mưa lớn sẽ kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 17 giờ ngày 11-9, bão số 5 cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 130-140km, tốc độ di chuyển chậm, cường độ hiện tại cấp 9. Dự báo 6-12 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ chậm, cường độ suy yếu dần với khoảng cấp 8. Ở đảo Lý Sơn đã có gió mạnh, trên đất liền tại Đà Nẵng theo quan trắc có gió giật cấp 5-6. 

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, khu vực chịu tác động trọng tâm của bão là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh.

Trên đất liền thời gian có gió mạnh từ chiều 11-9 đến trưa mai. Khu vực ảnh hưởng trực tiếp vùng ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với gió mạnh cấp 7, vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10.

Từ nay đến ngày 13-9 mưa tập trung trọng tâm ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi với lượng mưa dự kiến 200-300mm; Quảng Trị, Quảng Bình lượng mưa từ 150-200mm. Đỉnh lũ trên các sông Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum ở mức BĐ1 và trên BĐ1; các sông từ Hà Tĩnh đến Huế lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2.

Nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một số khu vực có thể xảy ra nguy cơ ngập cục bộ, tập trung vào TP Huế, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng.

Một số huyện ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.