Chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ tư, 17/08/2016 11:09

(Cadn.com.vn) - Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Đà Nẵng dù đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Bởi, mùa mưa đang đến gần, là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sôi nẩy nở, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển mạnh. Trước đây dịch SXH xảy ra thường có chu kỳ cứ 3 đến 5 năm một lần. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến dịch SXH trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu nên tính chất chu kỳ của bệnh SXH không còn nữa, số ca mắc SXH tăng bất thường và luôn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Ngành Y tế triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại các khu dân cư.

Giảm nhưng vẫn còn phức tạp

Tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có xu hướng giảm so với những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Nếu như những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, số ca mắc SXH dao động khoảng từ 150-250 ca/tuần, thì hiện tại chỉ còn khoảng từ 40-50 ca. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng sắp bước vào mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH trên diện rộng. Tính đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 2.000 ca mắc SXH (đỉnh cao là những tháng đầu năm 2016), tăng 24,7 lần so với cùng kỳ năm 2015 nhưng không có trường hợp tử vong. Địa phương có tỷ lệ người mắc SXH cao là Q. Sơn Trà (374 ca, tăng 62,3 lần), Q. Ngũ Hành Sơn (255 ca, tăng 85 lần) và Q. Cẩm Lệ (256 ca, tăng 19,7 lần).

Theo BS Nguyễn Tam Lãm - Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng), nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH, UBND TP đã chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tập trung vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom chai lọ, các vật dụng chứa nước, chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất. Ngoài ra, ngành Y tế thành phố đã tiến hành chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh SXH; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong…  Tại các điểm có người mắc bệnh SXH, ngành Y tế TP Đà Nẵng đã khoanh vùng, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tẩm màn, diệt lăng quăng, kiên quyết không để lây lan bùng phát thành dịch.

Đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP đã phối hợp với các địa phương tiến hành điều tra tình hình dịch bệnh cũng như véc tơ truyền bệnh (muỗi, bọ gậy) tại 6 điểm bọ gậy nguồn và 50 điểm khác. Qua đó, đã tiến hành phun hóa chất và diệt bọ gậy tại 55 tổ dân phố trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn. Hiện tại,  trung tâm đang phối hợp với các cấp, ngành tại Q. Sơn Trà triển khai phun hóa chất và tổng dọn vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy triệt để tại 70 tổ dân phố có nguy cơ bùng phát dịch thuộc 2 phường Mân Thái và Thọ Quang. Trong thời gian đến, TTYTDP tiếp tục phối hợp với các địa phương còn lại tiến hành điều tra tình hình dịch SXH để tiến hành phun hóa chất diệt muỗi và triển khai công tác tổng dọn vệ sinh, diệt bọ gậy, lăng quăng.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn TP Đà Nẵng

Đà Nẵng - Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế giao về việc tăng cường kiểm tra, triển khai công tác phòng, chống dịch SXH đang có chiều hướng bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ngày 16-8, Viện Pasteur Nha Trang tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn TP Đà Nẵng.

TS Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch SXH thời gian qua. Theo TS Mai, dịch SXH đang diễn biến ngày càng phức tạp, không theo một chu trình, biên độ như những năm trước đây. Do đó, khả năng bùng phát xảy ra rất lớn, đặc biệt là mùa mưa sắp đến gần. Tính đến thời điểm này, khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã ghi nhận hơn 13.000 ca mắc SXH, trong đó có 1 ca tử vong. 

Theo đánh giá của  đoàn kiểm tra, các ổ dịch SXH tại Đà Nẵng đã phát hiện đều là những ổ dịch nhỏ, lẻ, sẽ không đáng ngại nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng cách. Tuy nhiên, ý thức của người dân địa phương trong việc tham gia phòng, chống dịch SXH vẫn còn thấp. Ghi nhận trong buổi sáng 16-8, khi Đội Y tế dự phòng Q. Sơn Trà tiến hành phun hóa chất tại 1 trong 4 ổ dịch trên địa bàn P. Thọ Quang, vẫn còn tình trạng người dân cố tình lảng tránh, đóng kín cửa, thậm chí phản đối việc phun hóa chất vào nhà.

L.Hùng

Phòng chống SXH không của riêng ai

 BS Nguyễn Tam Lãm cho rằng, virus gây bệnh SXH luôn tồn tại trong cộng đồng. Đây là loại bệnh truyền nhiễm có sức lây lan mạnh. Bệnh được lây vào con người thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Do đó, khi đã gặp điều kiện thuận lợi, nhất là vào mùa mưa, cống rãnh tù đọng nước, muỗi có điều kiện sinh trưởng thì dịch bệnh càng có cơ hội để bùng phát một cách nhanh chóng. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, đặc biệt tập trung vào đối tượng chính là trẻ em do khả năng đề kháng của cơ thể các em còn yếu. Người nhiễm bệnh SXH thường có những biểu hiện như sốt cao đột ngột từ 2 - 7 ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm, chảy máu cam, nôn ra máu. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chân tay lạnh, bứt rứt… Kèm theo một số triệu chứng không đặc trưng như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng. Bệnh SXH hoàn toàn có khả năng dẫn đến trụy tim mạch, rất dễ gây ra tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa cao điểm, ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh SXH của các cấp, các ngành, mọi người dân cần chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng ngay tại nhà, khu dân cư, trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; vệ sinh môi trường xung quanh, ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước… nhằm cắt đứt môi trường sinh sản của mỗi vằn gây bệnh SXH. Ngoài ra, để hạn chế số ca bệnh diễn biến phức tạp và tử vong ở loại bệnh truyền nhiễm SXH, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, nôn mửa, đi ngoài nhiều, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn… và sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị kịp thời.

"Việc phòng chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho công việc khống chế, dập tắt dịch. Diệt muỗi, lăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) là 3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH", BS Nguyễn Tam Lãm nói.

L.Hùng