Chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai, bão lụt
(Cadn.com.vn) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc thực hiện Quyết định số 1041 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020, BCH ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCLB&TKCN) CATP Đà Nẵng đã xây dựng phương án phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.
Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc, Phó Ban Thường trực BCH ƯPVBĐKH, PCLB&TKCN CATP Đà Nẵng.
Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc, Phó Ban Thường trực BCH ƯPVBĐKH, PCLB&TKCN CATP Đà Nẵng. |
P.V: Thưa đồng chí, mục đích, yêu cầu chính được đặt ra khi xây dựng phương án này là gì?
Đại tá Nguyễn Văn Chính: Phương án được xây dựng phải đảm bảo các mục đích, yêu cầu đặt ra, đó là chủ động huy động lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp ứng phó với thiên tai, bão lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân do thiên tai, bão lụt, tai nạn gây ra.
Lãnh đạo và CBCS CA các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững nhiệm vụ, địa bàn được phân công trong phương án triển khai lực lượng đạt kết quả tốt nhất. Đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe của CBCS, tài sản của cơ quan, đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra. Phối hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng trong tổ chức các hoạt động phòng tránh thiên tai, bão lũ.
P.V: Xin đồng chí nói rõ hơn phương án xử lý các tình huống?
Đại tá Nguyễn Văn Chính: Phương án lần này đề cập rất rõ từng tình huống và cách xử lý thế nào cho phù hợp và có hiệu quả nhất. Có tất cả 5 tình huống được đặt ra trong phương án. Tình huống 1: Bão mạnh (cấp 10 đến cấp 12) tiến vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp nhiều tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ, trong đó có TP Đà Nẵng, gây mưa lớn, gió giật mạnh nhưng chưa gây hậu quả lớn về người và tài sản.
Tình huống 2: Cơn bão rất mạnh (từ cấp 13, 14 trở lên) và đặc biệt mạnh tiến vào đất liền, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ, vùng tâm bão đi qua tác động trực tiếp đến TP Đà Nẵng, gây mưa to đến rất to, gió lớn biển động dữ dội, ngập úng nhiều nơi, sụp đổ nhà cửa, cây cối, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Tình huống 3: Lũ trên các sông Cu Đê, Túy Loan, Yên, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Quá Giáng, Vĩnh Điện, Cổ Cò, sông Hàn đạt mức báo động III+2m. Vùng ảnh hưởng lũ tại Cẩm Lệ, Hòa Vang, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn bị ngập sâu, các hộ dân sát bờ sông bị sạt lở; yêu cầu phải sơ tán nhân dân đến các điểm tránh trú an toàn.
Tình huống 4: Mưa lớn kèm theo gió lốc, nước từ thượng nguồn chảy về và từ các đập thủy điện xả lũ làm mực nước trên các sông tăng rất nhanh, gây ra hiện tượng lũ quét tại địa bàn các xã Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Bắc, Hòa Nhơn và Hòa Phong thuộc địa bàn H. Hòa Vang. Tình huống 5: Mưa lớn kèm theo gió lốc, nước từ thượng nguồn chảy về và từ các đập thủy điện xả lũ làm mực nước trên các sông tăng rất nhanh, gây vỡ hồ chứa nước Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) và Hòa Trung (xã Hòa Ninh).
Tất cả các tình huống trên đều được BCH giao nhiệm vụ cụ thể cho CA các đơn vị, địa phương thực hiện cũng như có sự phối hợp với các đơn vị, địa phương từ trước, sau khi bão đổ bộ và suy yếu thành áp thấp. Ngoài nhiệm vụ trên, CA các đơn vị, địa phương còn phải triển khai lực lượng phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, đảm bảo TTXH ở địa bàn xảy ra thiên tai, bão lụt, tai nạn, không để tội phạm lợi dụng thiên tai, lụt bão để hoạt động.
Lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng dọn dẹp cây xanh ngã đổ sau bão Nari năm 2013. Ảnh: C.KHANH |
P.V: Để ứng phó có hiệu quả với thiên tai, phương án có đề cập như thế nào về sự phối hợp với BCH Quân sự ở các địa phương, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Chính: CATP phối hợp rà soát các mặt công tác sau: Việc xây dựng và triển khai phương án ứng phó với thiên tai, lũ lụt của CA các đơn vị, địa phương theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Trong đó, lưu ý việc các đơn vị, địa phương phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn khi xảy ra bão lũ, thiên tai.
Hiệp đồng tác chiến đảm bảo an ninh, an toàn các cơ sở, trang thiết bị của Quân đội; việc điều động CBCS Quân đội tham gia giúp dân phòng tránh bão lũ; điều động trang thiết bị đặc chủng như xe lội nước, xe phà, xuồng máy... tham gia giúp dân phòng, tránh bão, lũ. Cơ chế phối hợp được thực hiện theo sự phân công của UBND thành phố. Cơ chế đảm bảo thông tin liên lạc giữa 2 lực lượng: CATP giao Phòng Tham mưu CATP làm đầu mối; BCHQS TP giao Phòng Tham mưu làm đầu mối để điều hành, chỉ huy các lực lượng tham gia ứng phó, phòng tránh bão lụt.
Trong thời gian đang xảy ra thiên tai, Giám đốc CATP chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng ứng trực, làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại các địa bàn, giúp dân phòng tránh bão lũ, thiên tai. Chỉ huy trưởng BCHQS thành phố chỉ đạo lực lượng Quân đội ra quân thực hiện các nhiệm vụ giúp dân phòng tránh bão lũ, khắc phục hậu quả, đảm bảo ANTT tại các khu vực quân sự, quốc phòng.
Cử lực lượng KSQS phối hợp với lực lượng CSGT điều hòa, hướng dẫn giao thông trên các tuyến đường bị ngập úng; hướng dẫn các phương tiện vận tải, xe quân sự đi sang các tuyến đường tránh, không đi vào khu vực bị ngập lụt. Tăng cường công tác tuần tra, canh gác, đảm bảo ANTT quanh các khu vực quân sự-quốc phòng, công trình phương tiện quan trọng về quốc phòng; đề phòng các đối tượng xấu lợi dụng mưa gió để thực hiện hành vi trộm cắp, phá hoại...
Sau thiên tai, lực lượng Quân đội - Công an cùng tham gia khắc phục hậu quả: dọn dẹp cây xanh, nạo vét cống rãnh, sửa chữa lại nhà cửa cho nhân dân; tham mưu BCH giải quyết, khắc phục hậu quả sau thiên tai, bão lụt về chế độ, chính sách đối với CBCS, CNV CATP, BCHQS TP; báo cáo tình hình, thiệt hại về người, tài sản do bão, lụt gây ra cũng như công tác triển khai các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn!
Phương Kiếm
(thực hiện)