Chủ động ứng phó bão Rammasun: Hôm nay, phải hoàn thành sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm

Thứ sáu, 18/07/2014 06:15

(Cadn.com.vn) - Trước diễn biến phức tạp của bão Rammasun (Thần Sấm, cơn bão số 2 trên biển Đông trong năm nay), ngày 17-7, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để bàn các biện pháp ứng phó. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp.

Hoãn họp để chống bão

Ngày 17-7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1245/CĐ-TTg về việc chỉ đạo đối phó với bão số 2 (Rammasun). Công điện nêu rõ: Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần đề phòng bão đổ bộ sớm hơn dự báo.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là “bốn tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Sau khi được nghe về diễn biến mới nhất của cơn bão số 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương phải tập trung hoàn thành công tác sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm trước 16 giờ ngày 18-7, thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão số 2 và không được chủ quan trong thực hiện công tác ứng phó với bão. Đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa được xác định là những địa phương nằm trong vùng nguy hiểm của cơn bão này. Các địa phương cần tập trung kêu gọi tàu thuyền về neo đậu tại bờ; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền ở ven biển, cửa sông đảm bảo an toàn. Đối với 17 tàu đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mặc dù vẫn giữ liên lạc nhưng cần khẩn trương kêu gọi di chuyển, trú tránh an toàn...

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Bão số 2 tiếp tục hướng về đảo Hải Nam (Trung Quốc) với cường độ bão mạnh nhất đến cấp 13, cấp 14, trước khi đổ bộ vào Đông Bắc Hải Nam. Sau đó suy yếu khoảng 2 cấp khi di chuyển vào vịnh Bắc Bộ. Nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh – Thái Bình với cường độ bão cấp 10, cấp 11, gió giật cấp 12, cấp 13. Sau khi đổ bộ, bão suy yếu tương đối nhanh khi đi sâu vào đất liền và thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng thấp và tan ở khu vực trung du, vùng núi phía Nam Hoàng Liên Sơn (Yên Bái). “Nếu sớm thì khoảng 8 – 10 giờ sáng 19-7 và muộn là 15 đến 16 giờ chiều 19-7, tâm bão số 2 sẽ cập bờ”, ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã có báo cáo công tác tổ chức triển khai các phương án chuẩn bị đối phó ở địa phương. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 17-7, lực lượng Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.685 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với hơn 205.000 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Biên Thùy

Bão Rammasun di chuyển  20-25km/giờ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 16 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo đường đi bão Rammasun.

Dự báo, trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 18-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 16 giờ ngày 19-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển giữa khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Từ chiều tối nay (18-7), vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5 – 6 mét.

Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và khu Đông Bắc có gió mạnh cấp 6 – 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm mai có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.