Chú trọng đạo đức nhà giáo, kỹ năng nghề nghiệp

Thứ hai, 06/03/2017 11:07

(Cadn.com.vn) - Đó là một trong những vấn đề được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý, nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban Cụm thi đua số 9 lần thứ nhất năm học 2016-2017 của Sở GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc T.Ư gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 4-3.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban Cụm thi đua số 9.

Bạo lực học đường - thực trạng đáng quan ngại

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, những ưu điểm nổi bật mà 5 Sở GD-ĐT Cụm thi đua số 9 đã làm được trong thời gian qua là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật đó, Sở GD-ĐT của 5 TP trực thuộc T.Ư cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, đây là 5 vùng có nền kinh tế phát triển nhất, áp lực vì thế cũng nhiều hơn. Cùng với tình hình dân nhập cư ở 5 đô thị lớn này tăng cao, mạng lưới trường lớp ở đây cũng phát triển mạnh dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đặc biệt quan ngại về tình trạng bạo hành, bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận, được Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD-ĐT rất quan tâm. Trong tất cả những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, cần thấy rõ trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong xử lý tình huống. Điều này cũng đặt ra một vấn đề cần bàn đó là tính dân chủ trong trường học. Đơn cử những vụ việc liên quan đến bạo hành, bạo lực học đường xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, cách giải quyết vấn đề chưa ổn, chỉ là giải pháp mang tính tình thế. "Một nhân viên lấy dép quất trẻ, đánh trẻ (ở Hà Nội), một cô giáo xốc ngược trẻ lên rồi bảo là đùa (ở TPHCM - P.V), ai chứng minh cho được đấy là đùa đây?... Đấy có phải là nhà giáo không? Luật Giáo dục tại Điều 70 quy định rõ ràng nhà giáo là gì rồi. Chúng ta đã có tiêu chuẩn chức danh của từng cấp học, trong đó quy định rõ tiêu chuẩn về đạo đức phẩm chất, về trình độ đào tạo. Khi sự việc xảy ra thì nói đó là hợp đồng, thử việc rồi đuổi việc ngay. Theo tôi, đó không phải là giải pháp căn cơ, chỉ mới giải quyết phần ngọn", Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trăn trở.

Cần quan tâm đến đạo đức nhà giáo

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành GD-ĐT của 5 TP lớn đang phải đối mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, để đảm bảo được môi trường trường học thân thiện, an toàn, Sở GD-ĐT của 5 TP lớn cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu để đề ra các chủ trương, chính sách và thực hiện rõ việc quản lý theo phân cấp. Thứ trưởng ví dụ, khi vụ việc xảy ra ở bậc học mầm non thì trách nhiệm cấp quận, huyện ở đâu? Việc phối hợp cùng các ngành trong tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng được Thứ trưởng đặc biệt lưu tâm. "Phải phối hợp cùng các cấp ngành tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đừng để đến khi sự việc xảy ra rồi mới xử lý thì đã muộn", Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho rằng người đứng đầu cơ sở GD-ĐT phải làm tròn trách nhiệm đã được giao phó.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ trong nhà trường, Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, không nên chỉ quan tâm đến trình độ đào tạo mà phải quan tâm hơn nữa đến đạo đức nhà giáo, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống. Những vụ việc liên quan đến bạo hành, bạo lực học đường thời gian qua cho thấy đạo đức nhà giáo cũng như kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống của nhà trường còn yếu. Cần hiểu rõ rằng, chất lượng giáo dục không chỉ đơn thuần là ở chỗ có bao nhiêu học sinh giỏi, là những giải, là việc tốt nghiệp của HS mà còn là đạo đức, nhân cách của các em.

Vì thế, Thứ trưởng đề nghị ngành GD-ĐT các tỉnh thành nói chung, 5 TP trực thuộc T.Ư nói riêng phải chú trọng đến việc xây dựng, tăng cương kỷ cương, nề nếp, đạo đức lối sống, an toàn trường học. Song song đó, cần đẩy mạnh thi đua đổi mới sáng tạo trong trường học, phát hiện và nhân rộng những điển hình tốt, "lấy xây để chống"; đẩy mạnh công tác tuyên truyền những hình ảnh mang tính nhân văn, ứng xử nhân văn trong trường học. Thứ trưởng đơn cử về hình ảnh hàng loạt giáo viên trật tự xếp hàng chờ hiến máu cho HS bị tai nạn ở Hạ Long (Quảng Ninh) gây xúc động được Chủ tịch UBND tỉnh cũng như Bộ có thư khen... Mặt khác, các Sở GD-ĐT cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, chủ động công tác cung cấp thông tin, xử lý công khai, minh bạch các vấn đề được dư luận quan tâm, tránh để cho tình hình nóng lên; phải cùng Bộ xây dựng được một môi trường GD-ĐT thực sự an toàn, lành mạnh, thân thiện.

P.Thủy

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao những điểm đổi mới, sáng tạo nổi bật của Sở GD-ĐT 5 TP trực thuộc T.Ư. Trước hết là công tác tham mưu các cấp chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách phát triển GD-ĐT, cụ thể như Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh tham mưu về chính sách cho giáo viên mầm non; Sở GD-ĐT Đà Nẵng tham mưu về Đề án Sữa học đường, Quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đến 2025, tầm nhìn đến 2030, hay Đề án Phát triển giáo dục thể chất... Một trong những thế mạnh của Sở GD-ĐT 5 vùng này là mạng lưới trường lớp rất phát triển, đặc biệt là sự quan tâm phát triển hệ thống mạng lưới trường mầm non trong các KCN, chế xuất để chăm lo cho con em công nhân. Hay như cách làm của Sở GD-ĐT Hà Nội đổi mới trong công tác tuyển sinh; từng bước ứng dụng các thiết bị hiện đại vào giờ học. Hội nhập quốc tế, phát triển và ứng dụng CNTT, xã hội hóa cũng là những thế mạnh, điểm sáng của Sở GD-ĐT 5 TP trực thuộc T.Ư…

Đối với 21 kiến nghị của ngành GD-ĐT 5 TP trực thuộc T.Ư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận và cho biết vấn đề gì Bộ GD-ĐT nghiên cứu làm được sẽ làm, những gì không thuộc thẩm quyền sẽ tham mưu để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.