Chùa Cầu quá tải

Thứ hai, 03/10/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Chùa Cầu nằm trong quần thể Khu di tích phố cổ Hội An (Quảng Nam) là linh hồn, biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới – Hội An. Hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 lượt khách đến tham quan Chùa Cầu, khiến nơi này trở nên quá tải, đẩy nhanh quá trình xuống cấp.

Hiện nay, Chùa Cầu đang có nguy cơ đối mặt xuống cấp, nhiều cấu kiện gỗ đã bị hư hỏng, các vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột xuất hiện nhiều chỗ mục, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước mưa, thấm xuống làm ảnh hưởng các cấu kiện bằng gỗ của di tích. Hơn thế nữa, do sàn chùa làm bằng ván, lại thường xuyên tiếp xúc với giày dép của người tham quan qua lại nên bị mài mòn, lung lay. Các phần mố trụ đỡ Chùa Cầu còn xuất hiện nhiều vết nứt, loang lổ, bong tróc vôi vữa. Bên cạnh đó, Chùa Cầu nằm ở vùng có địa hình thấp trũng, lại là vùng hạ lưu của các con sông lớn, trong đó có sông Thu Bồn cho nên triều cường và dòng chảy mạnh, đặc biệt vào mùa mưa lũ thường xuyên gây ngập lụt kéo dài, cũng là tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của di sản cổ này. Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích Chùa Cầu đang trong tình trạng xuống cấp khá nhanh.

Hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 lượt khách đến tham quan Chùa Cầu. Ảnh: Nguyễn Lê

Chị Trần Ngọc Phương Lan, nhà nằm cạnh Chùa Cầu, cho biết: “Hằng ngày lượng du khách đến du lịch, tham quan Chùa Cầu rất đông, nhiều đoàn tham quan cùng lưu lại trên di sản khá lâu để nghe thuyết minh, ngưỡng mộ công trình đã tạo nên áp lực lên mặt sàn Chùa. Có thời điểm Chùa Cầu “gánh” hơn 100 người đứng tham quan. Các ngày lễ, tết số lượng người đứng trên Chùa tham quan đông hơn rất nhiều, thậm chí có lúc người đông đến mức phải chen chân trên không gian nhỏ, chật hẹp của sàn Chùa. Với di sản tồn tại hàng mấy trăm năm, thì vấn đề xuống cấp là điều khó tránh khỏi. Muốn đảm bảo an toàn, trước mắt cần phải điều tiết số lượng khách cho mỗi lượt tham quan trên Chùa...”. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, nhận xét: “Tình trạng nứt, lún này cần sớm được các cơ quan tư vấn đưa ra giải pháp khắc phục, tôn tạo phù hợp vì đây là nơi mỗi ngày du khách qua lại rất đông, độ rung trên sàn cầu cũng ảnh hưởng lớn đến toàn bộ kết cấu. Đây là dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm vì sự tồn vong của Chùa Cầu”.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức hội thảo quốc tế tại phố cổ Hội An, nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để trùng tu Chùa Cầu. Chủ trì hội thảo, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kết luận: “Việc trùng tu Chùa Cầu cần phải sớm tiến hành, trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích. Quan điểm chung của các đại biểu là hạ giải toàn bộ để trùng tu Chùa Cầu, nhưng phải có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đi đôi với áp dụng kỹ thuật hiện đại để đảm bảo tính nguyên gốc của di tích đặc biệt này. UBND tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ sớm hoàn thành các thủ tục, đưa dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn trong khoảng thời gian 2017 – 2020...”.

Chúng tôi cho rằng, trong thời gian chờ đến ngày hạ giải trùng tu, để hạn chế tác động, ảnh hưởng đến hiện trạng di tích và đảm bảo an toàn mọi du khách, cho nên phương án điều tiết, duy trì số lượng tối đa mỗi lượt tham quan trên Chùa Cầu không quá 20 khách là hợp lý, an toàn. Yêu cầu đặt ra lúc này là chính quyền, ngành chủ quản có biện pháp giám sát chặt chẽ lượng du khách tham quan trên Chùa Cầu.

Sơn Trà