Chưa có kế hoạch dùng hơn 10.000 lô đất tái định cư còn dư
Trung tâm phát triển quỹ đất Đà Nẵng hiện đang quản lý 10.444 lô đất tái định (TĐC) đã có đất thực tế song chưa có kế hoạch sử dụng. Trong đó, gần 52% số lô là đất biệt thự nhà vườn, đất ở đường rộng từ 10,5m trở lên.
Nhiều lô đất của nhà nước xen kẽ trên tuyến đường 30 Tháng 4 để hoang gây mất mỹ quan. |
Làm gì với số đất tái định cư dư?
Ngoài 1.342/15.258 lô đất TĐC đã có đất thực tế đang đề xuất hợp thửa thì số còn lại TP vẫn chưa có kế hoạch sử dụng. Ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP cho biết, đất TĐC nêu ra rất lâu, nói rất nhiều, chỉ rất rõ bao nhiêu lô, chỗ nào, cụ thể ra sao và sẽ có phương án xử lý. Tuy nhiên đến thời điểm này chưa có phương án nào được tổ chức thực hiện. Qua rà soát từ các quận, huyện hiện còn hơn 10.000 lô đã có đất thực tế mà chưa hề có kế hoạch sử dụng, rất lãng phí. Ông Trung nói, đi thực tế địa bàn hiện nay, một số quán tạm như cà phê, quán nhậu... là đất nhà nước, mà lâu dần sử dụng không khéo lại quên mất đó là đất của nhà nước.
Theo ông Trung, những lô đất xen kẽ trong khu dân cư, các tuyến đường lớn không thể làm việc gì khác thì nên đem ra đấu giá để có nguồn thu ngân sách. Mỗi lô như vậy qua đấu giá, nếu ở Sơn Trà có thể thu về 15 đến 20 tỷ đồng là bình thường. Dẫn dụ về những lô đất trống trên đường 30-4, trục đường trung tâm của TP mà để đất trống, để hoang, trồng hoa màu vừa lãng phí lại nhếch nhác, mất mỹ quan. Nhiều lô đất trong đó là đất nhà nước nhưng chỉ quản lý theo kiểu để trống lãng phí. Trong giai đoạn 5 năm tới, TP cần 28.000 tỷ đồng để phát triển, nhưng nếu không tích góp từ những lô đất 15 hay 20 tỷ đồng thì TP không thể có 28.000 tỷ đồng được. Do đó, ông Trung đề nghị phải có giải pháp xử lý các khu đất xen kẽ trong khu dân cư, các tuyến đường lớn, tránh tình trạng không quản lý được dẫn đến sử dụng sai mục đích.
Chia sẻ hướng giải quyết số đất TĐC còn dư này, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, với các lô đất 2 mặt tiền, đất liền kề có thể hợp thửa được thì đề nghị hợp thửa để tạo quĩ đất lớn làm thương mại dịch vụ, xây chung cư, nhà ở xã hội. Với những lô đất đối diện tim đường, lô đất ngã ba thì tính toán điều chỉnh làm đất công cộng, bãi đỗ xe... Ông Triết nói, thực tế bố trí TĐC hiện nay thừa chỗ này, thiếu chỗ khác, vì vậy cần tính toán phương án hoán đổi đất TĐC chưa có trên thực tế qua đất TĐC đã có trên thực tế. Với đất TĐC còn lại nằm xen kẽ trong khu dân cư, tuyến đường lớn thì tính toán theo phương án đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách từ đất.
Đưa đấu giá công khai
Ngoài số lượng lớn đất TĐC còn dư, hiện Trung tâm Phát triển quĩ đất TP cũng đang quản lý 321 khu đất lớn với tổng diện tích hơn 2 triệu m2, trong đó 185 khu đất với tổng diện tích hơn 1,2 triệu m2 (11 khu đất đã có qui hoạch chi tiết 1/500) đang được TP dự kiến đưa vào khai thác. Theo kế hoạch, từ nay tới 2025, Đà Nẵng sẽ khai thác đấu giá quyền sử dụng với 185 khu đất. Tiêu chí cơ bản để đấu giá là phù hợp với quy hoạch, phù hợp với nhu cầu nguồn thu ngân sách trong lĩnh vực đất đai và đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Cụ thể, trong năm 2021, TP sẽ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 9 khu đất đã được TP phê duyệt năm 2020, 12 khu đất tại Hòa Xuân đã được phê duyệt qui hoạch chi tiết để xây dựng Dự án Không gian sáng tạo.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng trình TP phê duyệt danh mục đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 với 12 khu đất tổng diện tích hơn 84.5000m2 đã có chủ trương để đầu tư các công trình, dự án theo qui hoạch. Đề xuất xin chủ trương đấu giá 1 lô đất lớn và 200 lô đất TĐC khác. Trong đó, 1 lô đất lớn đề xuất đấu giá là dự án Khu thương mại dịch vụ phía Đông Nam của Ký túc xá sinh viên quận Liên Chiểu, diện tích hơn 19.000m2; 100 lô đất 2 mặt tiền, 100 lô đất có mặt cắt đường từ 10,5m trở lên (50 lô ở Sơn Trà, 50 lô ở Ngũ Hành Sơn).
Hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình danh mục các khu đất dự kiến đưa vào khai thác trong từ nay tới năm 2025. Theo đó, năm 2022 dự kiến 33 khu (hơn 142.000m2), các năm tiếp theo lần lượt là 35 khu (hơn 163.000m2), 47 khu (hơn 211.000m2), 37 khu (hơn 137.000m2). Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết nói, các khu đất dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn này đã có danh mục, vì vậy cần có phương án đấu giá công khai, minh bạch để mọi người có thể tiếp cập, đấu giá.
Ngoài ra, với các khu đất lớn chưa có kế hoạch khai thác, ông Triết đề nghị lập và triển khai Đề án khai thác sử dụng mặt bằng có thời hạn. Điều này vừa tạo nguồn thu (tránh để đất trống lãng phí) vừa giải quyết ô nhiễm, tạo cảnh quan môi trường. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói, Đề án khai thác sử dụng mặt bằng có thời hạn các khu đất Sở Tài nguyên và Môi trường làm chậm, quá dè dặt. “Tôi kêu cái này thí điểm, anh không có sợ sai. Họ cho phép mình thí điểm thì chúng ta cứ làm một thời gian đi. Sau khi có đề án này, số đất TĐC còn dư hơn 10.000 lô cũng sẽ được tích hợp vào. Sở Tài nguyên và Môi trường đang cố gắng từ tháng 4 đến tháng 7-2021 sẽ trình” - ông Chinh cho biết.
HẢI QUỲNH