Chưa được cấp phép đã khai thác khoáng sản ồ ạt
(Cadn.com.vn) - Từ đầu năm 2016 đến nay, người dân xã Bình Đông H. Bình Sơn, Quảng Ngãi rất bất bình về việc khai thác đất của Công ty TNHH MTV Trung Nam Phong trên địa bàn. Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh có văn bản do Phó Chủ tịch Phạm Như Sô ký: "Cho phép công ty TNHH MTV Trung Nam Phong vừa lập thủ tục khai thác khoáng sản theo quy định, vừa tổ chức khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp phục vụ dự án Khu dân cư Cà Ninh" làm cho vấn đề càng "nóng" hơn...
Khu dân cư Cà Ninh trên thực tế là "Dự án kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền - Đập Cà Ninh", thuộc thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông, Bình Sơn. Dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung quất làm chủ đầu tư, được UBND Tỉnh phê duyệt ngày 25-11-2014, với tổng vốn đầu tư hơn 695,5 tỷ đồng, khởi công vào ngày 4-7-2015 và dự kiến hoàn thành vào ngày 4-7-2017. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi, đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, tạo điều kiện ngư dân ổn định hoạt động đánh bắt, đảm bảo QP-AN trong khu vực, kết nối với hệ thống kè khu dân cư Bình Đông đã triển khai, tạo lập một hệ thống bờ kè hoàn chỉnh dọc bờ biển Bình Sơn. Đồng thời, phục vụ tái định cư cho các hộ dân di dời sau khi đã giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho dự án Nhà máy nhiệt điện Sembcorp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, qua 9 tháng triển khai thi công, công trình đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực. Nhiều đơn vị thi công khai thác đất trái phép khắp nơi trên địa bàn phục vụ san lấp công trình, phá vỡ cảnh quan môi trường, gây mất trật tự ATGT khu vực... Cuối tháng 3-2016, qua xem xét đơn đề nghị của Công ty TNHH MTV Trung Nam Phong (Cty Trung Nam Phong) tại Công văn số 118/CV-Cty ngày 18-3-2016 về việc xin chủ trương vừa lập thủ tục vừa khai thác khoáng sản tại 4 vị trí với tổng diện tích 23,4 ha gồm: Vị trí 1 có diện tích 5 ha và vị trí 2 có diện tích 9,9 ha cùng nằm trên địa phận xã Bình Đông, vị trí 3 có diện tích 4,5 ha thuộc xã Bình Thuận, Bình Sơn và vị trí 4 có diện tích 4,5 ha thuộc xã Bình Thạnh, H. Bình Sơn làm vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ dự án Cà Ninh, tổng diện tích 23 ha.
Ban Quản lý KKT Dung Quất đã có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh tại Công văn số 295/BQL-TNMT ngày 23-3-2016. Ngày 29-3-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi- Phạm Như Sô đã ký văn bản "Đồng ý về chủ trương cho phép Công ty TNHH MTV Trung Nam Phong vừa lập thủ tục khai thác khoáng sản theo quy định, vừa tổ chức khai thác khoáng sản... tại các vị trí đã được chủ đầu tư thỏa thuận tại Công văn số 269/BQL-TNMT ngày 18-3-2016". UBND tỉnh giao sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn Cty Trung Nam Phong lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục có liên quan trình cấp thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định đối với 4 vị trí trên, yêu cầu thời gian hoàn thành không quá 120 ngày kể từ ngày ký văn bản.
Cty Trung Nam Phong đang khai thác đất tại thôn Thượng Hòa, Bình Đông, Bình Sơn |
Tuy nhiên, mặc dù các thủ tục hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản chưa hoàn chỉnh, Cty Trung Nam Phong đã triển khai ngay trong ngày nhận được Công văn nói trên của UBND tỉnh. Công ty này cho máy đào, xe ben ồ ạt tiến hành khai thác đất cả ngày lẫn đêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất an toàn giao thông trong khu vực, gây bức xúc cho nhân dân địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Vũ-Chủ tịch UBND xã Bình đông và nhiều cán bộ của xã cho biết, sáng 3-4-2016, trong buổi tiếp xúc cử tri, hàng loạt ý kiến đã phản ánh tình trạng nêu trên, các cử tri cho rằng: Nằm cách dự án Khu dân cư Cà Ninh chừng 500m đã có một mỏ đất được UBND tỉnh cấp cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Ngãi ngày 24-7-2015, với diện tích là 5 ha, khai thác trong 2 năm.
Tại sao dự án không lấy ở mỏ đã cấp phép mà múc trái phép nhiều nơi... 10 giờ 30 cùng ngày, đích thân Chủ tịch UBND xã, cùng lực lượng CA xã, cán bộ địa chính xã Bình Đông đến hiện trường mỏ đất mà Công ty Trung Nam Phong đang khai thác tại thôn Thượng Hòa. Tiến hành kiểm tra giấy tờ hồ sơ việc khai thác đất, đại diện Công ty Trung Nam Phong chỉ xuất trình được công văn có chủ trương cho phép khai thác đã được phó chủ tịch UBND tỉnh ký. Xét thấy thủ tục hồ sơ chưa đầy đủ nên đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty tạm dừng việc khai thác đất. Tuy vậy, ngay khi đoàn kiểm tra xã quay về thì việc khai thác đất lại diễn ra bình thường, xem như không có chuyện gì. Theo các cán bộ xã, chỉ cần 2 tháng là đủ cho Công ty này "dọn " sạch quả đồi, mà chẳng cần cấp phép tắc gì cả !
Các cán bộ xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Thuận cho biết thêm, từ lúc dự án Khu dân cư Cà Ninh khởi công đến nay, tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn 3 xã diễn ra rất phức tạp, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đua nhau khai thác đất, cát trái phép. Trên khu vực chỉ có duy nhất một mỏ đất được UBND tỉnh cấp phép tại thôn Thượng Hòa, Bình Đông với diện tích 5 ha, còn tất cả là khai thác trái phép.
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Thống, Cục trưởng Chi cục Kiểm soát Hoạt động Khoáng sản miền Trung và được ông Thống cho biết: "Diện tích xin khai thác hơn 23 ha là không nhỏ, doanh nghiệp muốn được khai thác thì phải tiến hành đầy đủ các bước theo trình tự thủ tục mà Luật Khoáng sản đã quy định. Khi được cấp phép rồi còn phải thực hiện các thủ tục như: nộp lệ phí cấp phép, các khoản phí có liên quan, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cam kết bảo vệ môi trường, ký quỹ hoàn thổ... theo đúng các quy định của pháp luật thì mới được triển khai". Ông Thống khẳng định, không thể có chuyện lập lờ, đơn giản như vậy được, xin khai thác khoáng sản trên diện tích hơn 23 ha mà làm thủ tục đơn giản như vậy thì làm sao kiểm soát, làm sao tránh khỏi thất thoát tài nguyên, rồi bao nhiêu hệ lụy kéo theo khác...
Rõ ràng, việc khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép của Công ty Trung Nam Phong đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây bức xúc cho chính quyền và nhân dân địa phương. Đề nghị chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ thủ tục và nghĩa vụ theo quy định pháp luật.
Hồng Thanh