Chùa Quán Thế Âm: Lan tỏa của vẻ đẹp văn hóa tâm linh

Thứ hai, 01/03/2021 15:44

Năm nay, Lễ hội Quán Thế Âm (tại chùa Quán Thế Âm. P.  Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) tạm ngừng tổ chức để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn tiếp tục xây dựng nhiều công trình mới. Cặp rồng đá chầu hai bên chánh điện, khu Tâm Nhiên viên (vườn trái tim của thiên nhiên) bên trái chùa với các hạng mục xinh xắn bắt mắt thu hút văn nghệ sĩ, báo chí đến tham quan, thưởng lãm. Thượng tọa Thích Huệ Vinh- Phó Ban trị sự Phật giáo Đà Nẵng, trụ trì chùa Quán Thế Âm hoan hỉ báo tin:  Đúng 15 giờ ngày Rằm Tháng Giêng năm Tân Sửu, chùa Quán Thế Âm làm lễ mời nghệ nhân làng Phường Đúc (TT- Huế) đúc hai tượng đồng Phật Thích Ca, Phật Dược Sư, mỗi tượng cao 1.8 mét và hạ thủy chiếc bè sắt đưa du khách từ bến Quán Thế Âm sang cồn Minh Đường tâm linh có Trung Thiên Nhất Trụ.

Chùa Quán Thế Âm, nơi diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm.

Ngũ Hành Sơn là một thắng tích độc đáo của cả nước, miền Trung,  xứ Quảng nói chung, của Đà Nẵng nói riêng. Độc đáo là năm ngọn núi nằm gần biển, gần sông Cổ Cò thể hiện tương quan ngũ hành:  Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa. Ngũ Hành Sơn có nhiều chùa, như chùa Tam Thai, Quán Thế Âm, Thái Sơn, Hương Sơn... hang động, như động Quan Âm, động Âm Phủ... Chỉ riêng chùa Quán Thế Âm nằm ở góc đường thiền sư Vạn Hạnh của P. Hòa Hải cũng đã thể hiện sức hút và lan tỏa của vẻ đẹp văn hóa tâm linh không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Chùa có tượng Phật Ngọc, có động Quán Thế Âm có nhũ tượng Quán Thế Âm có chuông đá Bát Nhã và hồ nước trong như lọc bên trong mà bất cứ du khách nào đến chùa cũng muốn xuống chiêm bái đảnh lễ.   Năm nào hễ vào dịp 19 tháng 2 âm lịch ngày vía Quan Âm hàng năm, chùa tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm rất quy mô, thiêng liêng để cầu chư Phật, Bồ tát phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh hội tụ đông đảo bà con Phật tử và nhân dân nhiều nơi trong cả nước về dự. Chùa được trùng tu, xây dựng mới nhìn ra sông Cổ Cò bề thế, nghiêm trang có Bảo tàng Phật giáo, Tàng Thư các chứa hàng trăm hiện vật cổ, hàng nghìn cuốn sách quý về Phật giáo trong và ngoài nước... tạo điều kiện thuận lợi cho các khóa tu, khóa thiền và công tác thiện nguyện hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, bên phải chùa là cồn Minh Đường diện tích khoảng 5.000 mét vuông, bốn mùa xanh mướt rau xanh. Đứng trên cồn Minh Đường người ta có thể nhìn thấy trọn vẹn 5 ngon núi rất đầy đủ và hùng vĩ, huyền bí. Minh Đường ngày xưa là nơi vua và các triều thần chầu để bàn quốc sự; với dân chúng là nơi để cáo tế trời, thổ thần, hồn thiêng sông núi anh hùng nghĩa sĩ, các bậc thánh, thần. Thượng tọa Thích Huệ Hưng còn cho biết, theo nguyện vọng của quý sư và đông đảo gia đình Phật tử sẽ xây dựng chùa Một Cột bằng đá cẩm thạch theo phiên bản chùa Một Cột Hà Nội mang tên Trung Thiên Nhất Trụ với ước nguyện cầu cho đất nước thái bình, thịnh trị, bền vững lâu dài. Theo nguyện vọng của anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng, cồn Minh Đường cũng là nơi sông núi hữu tình để diễn ra các lễ hội thơ ca, thư pháp, hội họa... ca ngợi non nước Ngũ Hành.

VÕ THANH THỦY- LÊ ANH DŨNG