Chương trình "Vì lá phổi khỏe"

Thứ sáu, 22/09/2017 08:54

Là một trong những nội dung chính được đề cập tại buổi công bố chương trình "Vì lá phổi khỏe" do  Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tập đoàn Dược và Dược phẩm sinh học đa quốc gia (Anh - Thụy Điển) AstraZeneca, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Lao & Bệnh phổi Việt Nam, Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM , Bệnh phổi Trung ương tổ chức tại TP Đà Nẵng vào chiều 21-9.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan phát biểu tại chương trình "Vì lá phổi khỏe". 

Tác nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

GS.TS.BS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho rằng, hen là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên toàn thế giới với khoảng 300 triệu người mắc. Tỷ lệ mắc gia tăng ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở trẻ em. Bệnh hen gây ra hơn 346.000 ca tử vong và 13,8 triệu người sống với bệnh tật mỗi năm trên toàn thế giới. Tỷ lệ hen phế quản ở Việt Nam chiếm 4,1% dân số (ước hơn 3,6 triệu người). Nếu mỗi bệnh nhân hen nhập viện một lần trong năm thì tổng chi phí điều trị tại bệnh viện sẽ là 29.556 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) ở dân số 40 tuổi tại Việt Nam được thống kê chiếm 4,2% dân số (hơn 1,68 triệu người). Tổng chi phí điều trị BPTNMT ước tính mỗi bệnh nhân nhập viện 1 lần/năm là 12.264 tỷ đồng. Ngoài thuốc lá và nhiên liệu sinh học, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là bệnh lao phổi đã góp phần làm tăng các yếu tố nguy cơ BPTNMT ở Việt Nam. Nếu tính cả chi phí gián tiếp liên quan đến điều trị, ước tính tổng chi phí cho bệnh hen và BPTNMT liên quan đến điều trị tại bệnh viện khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu quản lý tốt ngoại trú, giảm 20% số lần nhập viện của BPTNMT và hen phế quản thì khi đó sẽ tiết kiệm được khoảng 20.000 đồng/năm.

Theo PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, trong một nghiên cứu về việc áp dụng Chiến lược toàn cầu xử trí và phòng ngừa hen phế quản tại TPHCM cho thấy trong số bệnh nhân đến khám tại cơ sở điều trị ban đầu, có 16% dùng thuốc uống điều trị hen, dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. "Chương trình "Vì lá phổi khỏe" được AstraZeneca khởi xướng chính từ sự thấu hiểu về mức độ quan trọng của việc quản lý tốt các căn bệnh này và nhìn thấy sự cấp thiết có các biện pháp can thiệp để đạt được mục tiêu chung...", TS Lan khẳng định.

GS.TS.BS Ngô Quý Châu thăm khám cho bệnh nhân BPTNMT.

Vì lá phổi khỏe

Chương trình "Vì lá phổi khỏe"  hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và BPTNMT. Thông qua tài trợ tổ chức các câu lạc bộ bệnh nhân và các hoạt động khám tầm soát, chương trình sẽ hỗ trợ gia tăng nhận thức đúng về bệnh trong cộng đồng, hỗ trợ giáo dục bệnh nhân hen và BPTNMT về các triệu chứng, cải thiện chẩn đoán, điều trị sớm và tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất. Việc tài trợ thành lập 150 phòng quản lý hen và BPTNMT ngoại trú với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước trong giai đoạn 2017-2020, chương trình hướng đến cải thiện chất lượng các đơn vị quản lý ngoại trú bệnh hen và BPTNMT. Theo đó, các đơn vị này sẽ được hỗ trợ năng lực chuyên sâu về khám, chữa và quản lý bệnh hen và BPTNMT ngoại trú, tăng khả năng tiếp cận đến thuốc tốt và điều trị tốt cho bệnh nhân. Thông qua phối hợp cùng các đối tác để tổ chức các buổi đào tạo y khoa liên tục, hội nghị chuyên khoa và cung cấp các tài liệu cập nhật các thông tin y khoa, chương trình sẽ nâng cao năng lực (chẩn đoán, điều trị và quản lý) cho cán bộ y tế tuyến tỉnh/thành và quận/huyện trên cả nước nhằm quản lý tốt bệnh hen và BPTNMT. Mục tiêu là 80% cán bộ y tế chuyên trách ở các đơn vị được thành lập sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý hen và BPTNMT.

Qua đó, góp phần làm giảm gánh nặng kinh tế y tế tại Việt Nam… ThS. Nicholas Jones -Trưởng đại diện AstraZeneca Singapore tại Việt Nam cho rằng: "Chúng tôi mong muốn góp phần cải thiện sức khỏe của người Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề về quản lý tốt các bệnh mạn tính hô hấp. Thông qua việc hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức đúng về bệnh, nâng cao năng lực quản lý tốt bệnh hen và BPTNMT của cán bộ y tế, hỗ trợ cải thiện và thành lập các đơn vị quản lý ngoại trú hen và BPTNMT đạt chuẩn. Qua đó, giúp bệnh nhân Việt Nam ở mọi miền đất nước được tiếp cận sớm với chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh tốt, giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó chính là cam kết của chúng tôi tại Việt Nam".

Được biết, từ năm 2015 đến nay, ngoài việc phối hợp tổ chức các hội thảo và tập huấn về quản lý bệnh hen và BPTNMT, AstraZeneca đã tài trợ 60 bộ máy hô hấp ký cho các bệnh viện trên cả nước nhằm hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán, thực hiện khám sàng lọc hen và BPTNMT miễn phí tại 15 bệnh viện với sự tham dự của hơn 5.000 bệnh nhân.

LÊ HÙNG