Chuyển biến quan trọng cho Ukraine

Thứ năm, 04/09/2014 07:11

(Cadn.com.vn) - Thị trường Nga bước đầu phản ứng tích cực trước thông tin Moscow – Kiev đồng ý về một lệnh ngừng bắn lâu dài ở miền đông. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ tin này.

AFP dẫn nguồn tin Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Petro Poroshenko ngày 3-9 bất ngờ nhất trí thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cho xung đột tại miền đông, vốn nhấn chìm quốc gia Đông Âu trong nhiều tháng qua.

Theo nguồn tin, hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm khẩn cấp và đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn lâu dài ở Donbass. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ đồng thời tuyên bố, Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột. Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo chỉ nhất trí về các bước đi hướng tới khôi phục nền hòa bình ở đông Ukraine. Dù sao, đây cũng là bước chuyển biến quan trọng, nhằm tiến đến chấm dứt xung đột ở miền đông, vốn giết chết hơn 2.000 người và khiến hàng trăm ngàn người khác tị nạn.

Thị trường Nga “nhảy múa” trước thông tin này. Chỉ số MICEX tăng hơn 3%, trong khi đồng ruble tăng 1,2% so với đồng USD.

Tổng thống Mỹ Obama đến Estonia nhằm trấn an các quốc gia vùng Baltic,
vốn lo ngại sức mạnh của Nga.  Ảnh: AFP

MỸ TRẤN AN CÁC NƯỚC BALTIC

Động thái tích cực này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 3-9 có mặt tại Estonia, vai kề vai với nhà lãnh đạo quốc gia vùng Baltics trong nỗ lực thể hiện tinh thần đoàn kết với các quốc gia thành viên NATO ở gần biên giới với Nga.

Chuyến thăm diễn ra một ngày trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Wales nhằm đưa ra thông điệp mạnh mẽ đến Moscow rằng, Mỹ sẵn sàng đối phó với “các mối đe dọa” từ Nga. Ngoài ra, với tư cách là Tổng thống Mỹ thứ hai đến Estonia (sau Tổng thống G.W.Bush năm 2006), rõ ràng, ông chủ Nhà Trắng muốn trấn an các nước vùng Baltic rằng, Mỹ sẽ giúp đỡ nếu họ bị tấn công.

Tại cuộc hội đàm song phương, Tổng thống Estonia Toomas  Ilves, nhấn mạnh, chuyến thăm của ông Obama là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay – ám chỉ xung đột đẫm máu ở đông Ukraine có nguy cơ ảnh hưởng đến các nước Đông Âu.

NATO, BALTIC VÀ NGA

Mỹ, NATO sẽ tập trận tại Ukraine

Mỹ ngày 3-9 vẫn có kế hoạch tổ chức tập trận chung mang tên “Rapid Trident-14” với Ukraine, dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 26-9.

Theo Itar-Tass, dự kiến có hơn 1.000 binh sĩ đến từ Mỹ và các quốc gia NATO. Cuộc tập trận này, sẽ tập trung vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và theo kịch bản xử lý bom mìn. Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Rossia Segodnya (tiền thân của RIA Noviosti) cho biết, Andrei Stenin, phóng viên ảnh của cơ quan này, bị sát hại tại Ukraine hồi tháng 8.

Tổng thống Ilves lâu nay muốn NATO lập các căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ Estonia. Những căn cứ này sẽ bảo vệ Estonia và giảm bớt mối lo ngại rằng, sau Ukraine, khu vực Baltic sẽ bị biến thành vùng xung đột.

Tuy nhiên, cho đến nay, các chính trị gia hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ gửi đi những thông điệp mâu thuẫn về vấn này. Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối ý tưởng này trong khi các nhà lãnh đạo khác ủng hộ đồng thời đề xuất hủy bỏ thỏa thuận NATO - Nga trong đó liên minh này cam kết không triển khai nhiều binh sĩ đến Đông Âu trên cơ sở lâu dài. Và dự kiến tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này, ông chủ Nhà Trắng và các đồng minh phương Tây sẽ thông qua những kế hoạch nhằm đồn trú ít nhất 4.000 binh lính và thiết bị quân sự ở Đông Âu.

Các quốc gia vùng Baltics được cho là “bức tường lửa” quan trọng giúp Mỹ đối phó với “những mối đe dọa” từ Nga. Mối quan hệ giữa Điện Kremlin với các quốc gia vùng Baltic cũng chẳng mấy khi nồng ấm. Moscow thường cáo buộc các nước này phân biệt đối xử chống lại nhóm người thiểu số nói tiếng Nga sinh sống tại các nước này. Khoảng 1/3 dân số 1,3 triệu dân của Estonia xem tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Nhiều người trong số họ cảm thấy bị tách rời khỏi xã hội Estonia.

Vùng Baltic bị Đức Quốc xã xâm chiếm trong Thế chiến II. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước Baltic chuyển mình theo phương Tây, gia nhập EU và NATO vào năm 2004, trước sự thất vọng của Moscow.

Khả Anh