Chuyện cái ao

Thứ sáu, 30/08/2013 10:52

(Cadn.com.vn) - Được cho mượn đất công để sản xuất hoa màu, sau đó vẫn được hỗ trợ khi vướng giải tỏa để triển khai công trình phục vụ dân sinh, song một hộ dân vẫn cố tình cản trở việc thi công, làm chậm tiến độ dự án và nảy sinh nhiều hệ lụy khác... Sự việc xảy ra ở P. Mân Thái (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) và chúng tôi xin tạm gọi đó là chuyện cái ao. 

ĐƯỜNG "TẮC" VÌ… 1 CÁI AO

Công trình xây dựng tuyến đường bê-tông và cống khớp nối từ đường Hồ Học Lãm đến đường Trương Định thuộc Dự án khu dân cư Mân Thái 2, khu vực phía tây chùa Tân Thái (P. Mân Thái) được triển khai từ tháng 6-2011 đã đáp ứng sự mong chờ của hàng trăm hộ dân. Tuy đoạn đường thiết kế chỉ dài 203m, rộng 5m, có cống ở giữa... nhưng khi hoàn thành nó sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cho cả khu vực và sẽ là tuyến giao thông quan trọng... Vì vậy, khi công trình khởi công, nhiều hộ có nhà, đất nằm trong khu vực tuyến đường đi qua đã nhanh chóng giải tỏa, bàn giao mặt bằng, tạo mọi điều kiện để công trình sớm hoàn thành.

Hàng chục ống cống, cát, đá, máy móc để ngổn ngang quanh khu vực công trình nhưng không thể thi công.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm khởi công, tuyến đường bị “tắc” ngay 1 cái ao. Cái ao này ước tính dài gần 20m, rộng  khoảng 3m, lèo tèo một ít rau muống còn chủ yếu là bèo, hai bên bờ là cỏ dại. Anh Lưu Đình Chương, giám sát kỹ thuật của công trình cho biết, đã nhiều tháng nay công nhân không thể thi công tiếp vì đến đoạn này có nhiều người ra cản trở, đe dọa. Nhiều lần, chính quyền và CA địa phương đều đến giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, việc thi công vẫn bị cản trở. Có mặt tại đây vào ngày 27-8, trước mắt chúng tôi là hàng chục ống cống đã đúc sẵn, cát, đá, máy móc để ngổn ngang, gần 1 miệng cống có  tấm  bảng mang dòng chữ “đất chưa nhận bảng giá đền bù”. Do thi công dở dang, nước bẩn ứ đọng không có lối thoát, cỏ rác um tùm, mùi hôi thối bốc lên khiến khu vực này bị ÔNMT nghiêm trọng.

CẦN CÓ BIỆN PHÁP XỬ LÝ KIÊN QUYẾT

Tìn hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết cái ao đang cản trở việc thi công tuyến đường trên là phần đất mà vợ chồng ông Ngô Văn Đá- bà Phan Thị Tiếp (trú tổ 24B, P. Mân Thái) không chịu giải tỏa và đang khiếu nại. Theo xác nhận của UBND P. Mân Thái, nguồn gốc khu vực đất này là do tập đoàn sản xuất nông nghiệp P. Mân Thái quản lý và giao cho ông Ngô Văn Đá sản xuất trồng hoa màu từ trước năm 1983 đến nay. Khi thu hồi phần đất này, vợ chồng ông Đá được UBND TP Đà Nẵng giải quyết: Hỗ trợ 100% giá đất trồng cây hằng năm, vị trí 1 đồng bằng, đơn giá 35.000 đồng/m2 cho diện tích 462,1m2; hỗ trợ 100% chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm ổn định đời sống cho diện tích 462,1m2; hỗ trợ rau muống bán chuyên canh cho diện tích 462,1m2, tổng số tiền hỗ trợ là 49.675.750 đồng.

Song vợ chồng ông Đá không đồng ý và khiếu nại, lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà, Hội đồng giải phóng mặt bằng Q. Sơn Trà và UBND P. Mân Thái đã nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, giải thích, trả lời những kiến nghị và động viên nhưng vợ chồng ông Đá không chấp hành và tiếp tục kiến nghị. Để hỗ trợ vợ chồng ông sớm bàn giao mặt bằng, Hội đồng giải phóng mặt bằng Q. Sơn Trà đã có tờ trình và ngày 13-6-2013, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 4086/QĐ-UBND phê duyệt hỗ trợ khó khăn cho hộ ông Đá- bà Tiếp 15 triệu đồng trên nguyên tắc hộ này phải bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên hộ ông Đá vẫn không chấp hành và tiếp tục đề nghị phải được đền bù về đất và áp giá đền bù theo bảng giá mới tại Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 20-12-2012 của UBND TP Đà Nẵng chứ không đồng ý giải quyết hỗ trợ. Do không được đáp ứng những yêu cầu trên nên cho đến nay hộ ông Ngô Văn Đá vẫn cố tình chây ì, liên tục cản trở, gây áp lực đối với đơn vị thi công và ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.


Đoạn đường đang tạm dừng thi công bị tắc bởi vướng cái ao
(bên cạnh là tấm  bảng mang dòng chữ “Đất chưa nhận bảng giá đền bù”).

Theo các cơ quan chức năng liên quan, những đòi hỏi của hộ ông Đá là hết sức vô lý, bởi phần đất này ông không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất hợp pháp, bởi xuất xứ của nó là do tập đoàn sản xuất nông nghiệp P. Mân Thái quản lý và ông chỉ là người được giao để sản xuất trồng hoa màu. Vì vậy, UBND TP không áp dụng đền bù mà chỉ hỗ trợ là đúng quy định. Mặt khác, dự án được triển khai từ tháng 6-2011, được UBND TP phê duyệt bồi thường theo Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND ngày 24-12-2011 là hợp lý (vì giải tỏa vào thời điểm nào thì áp dụng các quy định tại thời điểm đó) chính vì thế việc ông Đá yêu cầu áp giá đền bù theo bảng giá mới tại Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 20-12-2012 của UBND TP Đà Nẵng không được chấp nhận.

Theo chúng tôi, hồ sơ giải tỏa của hộ ông Ngô Văn Đá- bà Phan Thị Tiếp đã được các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng, Q. Sơn Trà và P. Mân Thái giải quyết đúng quy định và thỏa đáng. Hơn nữa, việc xây dựng tuyến đường nhằm mục tiêu phát triển KT-XH địa phương và phục vụ đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong khu vực, trong đó có gia đình ông bà. Không thể vì những đòi hỏi vô lý mà  gia đình ông Đá không chấp hành và có những yêu cầu vượt quá quy định cũng như có các hành động cản trở, làm chậm tiến độ công trình. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ngày 29-8, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND Q. Sơn Trà cho biết: “Trong trường hợp hộ ông Ngô Văn Đá- bà Phan Thị Tiếp không thực hiện bàn giao mặt bằng, trong tháng 9-2013, UBND quận sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế để hỗ trợ việc thi công công trình”.

Tổ P.V Điều Tra