Chuyện của những người “gác rừng”... (Kỳ 2: Đêm giữa đại ngàn)

Thứ tư, 04/05/2022 15:38
Đêm ấy, chúng tôi ở lại giữa rừng đại ngàn cùng anh em Tổ BVR khe Tà Vạt, được cùng lực lượng BVR “trải nghiệm” cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của họ.

Một cuộc sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài - không ti-vi, không sóng điện thoại, mọi phương tiện thời hiện đại khi được đưa nào đây đều trở nên thừa thãi, không còn giá trị sử dụng. Nơi đây, ngoài bếp lửa bập bùng và dòng suối róc rách, chỉ còn lại là tiếng nói, tiếng cười, là khung cảnh sinh hoạt đầm ấm của anh em BVR sau một ngày ròng rã tuần tra. Mỗi người một hoàn cảnh, một khoảng riêng, nhưng tất cả họ - những “người con của rừng” luôn cùng chung một khát vọng, đó là gắn cả cuộc đời mình với màu xanh đại ngàn và giữ cho màu xanh ấy không bao giờ mất đi...

Tổ trưởng Hoàng Ngọc Hùng cùng anh em chuẩn bị bữa tối đãi khách.
Lá cờ đỏ sao vàng là chỉ dấu nơi đóng quân của Tổ BVR khe Tà Vạt.
Hành trình tuần tra, BVR của Tổ BVR khe Tà Vạt bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào chiều muộn.

Bữa cơm chiều đạm bạc

Lúc chúng tôi có mặt tại trạm kiểm soát, BVR khe Tà Vạt, cũng là thời điểm anh em BVR nơi đây kết thúc một ngày làm việc. Thấy có khách đến, không ai bảo ai, cứ thế họ bắt tay vào sửa soạn bếp núc. Người nhặt rau, người vo gạo, người chụm lửa…, tất cả như đã được lập trình sẵn từ trước. Vừa cắt rửa mấy quả mướp đắng tươi xanh, Tổ trưởng Hoàng Ngọc Hùng vừa “chỉ đạo” anh em lấy gia vị ra ướp với ít thịt bằm mà lúc trưa anh mang theo vào, rồi nói: Tối nay có khách nên anh em được cải thiện một bữa! Dứt lời, anh gọi ngay cho Bhnước Nam (thành viên tổ BVR) ra ngoài ao bắt thêm 2 con vịt mà anh em đã nuôi kể từ ngày lập trạm đến nay để chiêu đãi khách quý. Anh em vừa làm việc, vừa nói cười rôm rả, không khí đầm ấm không khác gì khung cảnh sinh hoạt của một gia đình.

Tranh thủ lúc mọi người đang nấu ăn, chúng tôi nghỉ ngơi, tắm rửa. Xong xuôi cũng là lúc bữa cơm tối được dọn lên. Không ngoa khi nói rằng, anh em BVR là những đầu bếp trứ danh. Chẳng phải sơn hào, hải vị gì nhưng khi qua tay các anh, tất cả đều trở thành đặc sản. Và cũng có thể do trèo đèo lội suối cả buổi nên đói, cũng có thể do không khí ấm cúng, vui vẻ, hòa đồng nên bữa cơm hôm ấy với tôi ngon đến lạ lùng. Bên mâm cơm chiều đạm bạc, ấm cúng, xen lẫn những câu chuyện kể thì thỉnh thoảng có người lại cất lên một câu hát và cứ thế tất cả đều hùa theo. Tiếng hát rộn rã, vang vọng đã xóa tan không khí hoang vu, lạnh lẽo giữa bạt ngàn đồi núi. Cảm giác như đêm ấy rừng cũng thức cùng, hát cùng chúng tôi sau những triền miên im bặt, đau đớn vì bị cày xới, rút ruột bởi các phu vàng…

Đêm càng về khuya càng trở lạnh. Cơn mưa rừng bất chợt càng khiến cho khung cảnh bốn bề trở nên cô liêu hơn. Sau bữa cơm, chúng tôi quây quần bên bếp lửa, kể cho nhau nghe về công việc, về gia đình, về cuộc sống thường nhật. Và điều làm cho tôi chú ý hơn cả, là những câu chuyện của những người “gác rừng”. Với họ, kể về rừng cũng là lúc họ đang tự kể về chính cuộc đời mình!

Tổ trưởng Hoàng Ngọc Hùng cùng anh em chuẩn bị bữa tối đãi khách.

Gian khổ biết dành phần ai

Hiên Kiều (1981), quê ở xã Đắc Pre (huyện Nam Giang) là người lớn tuổi nhất trong số 8 anh em cắm chốt tại khe Tà Vạt. Trước đây, Kiều là Phó Bí thư Đoàn xã Đắc Pre. Năm 2016, khi hết tuổi Đoàn, anh trở về sống cùng vợ và 3 đứa con nhỏ. Hàng ngày, quần quật với rẫy, nương nhưng cuộc sống gia đình chẳng mấy khấm khá. Đã thế, trong anh luôn đau đáu về câu chuyện rừng quê mình bị tàn phá, chảy máu bởi nạn khai thác vàng trái phép. Anh luôn muốn làm một điều gì đó để góp phần ngăn chặn tình trạng này, nhưng chỉ mình anh thôi thì không thể. Thế rồi, năm 2019, khi biết tin BQL Khu bảo tồn (nay là Vườn quốc gia) Sông Thanh tuyển nhân viên BVR, anh đã không ngần ngại làm đơn xin gia nhập. “Thế hệ cha ông đã gắn bó với rừng, đến bản thân mình cũng được sinh ra và lớn lên từ rừng, lấy rừng làm nguồn sống, vì vậy, việc bảo vệ rừng như là tự thân, tất yếu phải làm”, anh Kiều tâm sự. Với anh, kể từ ngày được sải bước chân khắp các cánh rừng quê hương, nhìn những cánh rừng loang lổ vết thương ngày một hồi sinh trở lại, con chim, con thú vì thế cũng kéo về khiến cho anh cảm thấy tự hào, vui vì mình đã góp phần nhỏ vào thành quả bước đầu ấy.

Với Hiên Kiều là vậy, còn với Bhnước Nam (2000), ở thôn Bền Giằng, xã Ca Dy (Nam Giang) lại có phần khác hơn. Chàng trai người đồng bào tuổi mới đôi mươi, sức dài vai rộng, lại được học hành tử tế, nhưng em lại chọn cho mình công việc tuần rừng vất vả, nặng nhọc. Khi vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Lâm nghiệp, Nam trở về quê và nộp đơn xin làm nhân viên BVR. Tôi hỏi vì sao em không tìm một công việc nào khác nhẹ nhàng hơn ở thành phố mà lại về quê, làm nhân viên BVR? Nam thành thật cho biết, nguyên do là bởi: “Em yêu rừng từ nhỏ, lớn lên cũng đi học chuyên ngành liên quan đến rừng nên khi biết BQL Vườn có nhu cầu tuyển dụng, em đã nộp hồ sơ. Về đây, em vừa được thỏa sức khám phá, vùng vẫy, vừa góp sức mình để bảo vệ, gìn giữ cho những cánh rừng quê hương được trường tồn mãi mãi”, Nam tâm sự. Qua trò chuyện với Nam, tôi cũng hiểu được phần nào tình yêu của em đối với rừng. Bởi, với một người trẻ, khỏe, nhiệt tình như em, để kiếm được một công việc có thu nhập khá hơn so với công việc hiện tại, lại được sống ở thành phố cũng không phải quá khó, nhưng Nam lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Và với em, đó là một sự lựa chọn đúng đắn!

Cũng như Hiên Kiều hay Bhnước Nam, những cái tên như PRôl Đàn (1992), người dân tộc Giẻ Triêng (xã Đắk Pre), tốt nghiệp ngành quản lý đất đai trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam; Tơ Ngơl Nghĩ (1991), quê ở xã La Dêê (huyện Nam Giang), là bộ đội xuất ngũ…, thay vì tìm kiếm cho mình một công việc khác thì họ lại chọn làm nhân viên BVR. Họ, những người con của núi rừng, lớn lên nhờ những cọng rau, con cá, uống những dòng nước tinh khiết do rừng chắt lọc nên trong huyết quản của họ, rừng không chỉ là mái nhà chở che mà còn là nguồn sống, là kế sinh nhai của biết bao thế hệ người.

“Trong số 240 cán bộ, nhân viên của BQL Vườn Quốc gia Sông Thanh, hầu hết là con em đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Một mặt là tạo được công ăn, việc làm ổn định cho các em; mặt khác là nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ rừng, bảo vệ rừng, hạn chế thấp nhất tình trạng do thất nghiệp nên phải kéo nhau vào rừng đào đãi vàng, chặt cây, bẫy thú, phá hoại môi trường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương”, ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc phụ trách Vườn trao đổi với chúng tôi trước khi lên đường vào Tà Vạt.

Riêng tại Tổ BVR khe Tà Vạt, tổng số nhân viên ở đây có 8 người thì chỉ có Tổ trưởng Hoàng Ngọc Hùng là người dưới xuôi lên, còn lại là con em đồng bào. Họ được luân phiên thay nhau trực 6 ngày liên tiếp, sau đó được nghỉ 2 ngày, kể cả lễ tết. Hàng ngày, họ bắt đầu ca trực từ 7 giờ sáng và trở về lại lán vào 16 giờ, có hôm do yêu cầu nhiệm vụ, họ có thể ở lại qua đêm trong rừng sâu. “Mỗi lần đi như vậy, anh em chỉ mang theo mì tôm, lương khô, có khi đùm theo cơm nắm để ăn. Nước thì uống dưới suối. Tổ chịu trách nhiệm tuần tra 2 tiểu khu 337 và 338 với diện tích gần 2.000ha. Phải đi liên tục vì nghỉ một ngày thì các đối tượng “lâm tặc”, “vàng tặc” vẫn chực chờ ngoài kia tìm cơ hội để hoạt động”, Tổ trưởng Hoàng Ngọc Hùng kể về công việc hàng ngày của những người tuần rừng Sông Thanh.

Mải trò chuyện với anh em Tổ BVR khe Tà Vạt, chúng tôi quên mất khái niệm về thời gian, chỉ đến khi giật mình bởi tiếng gà rừng văng vẳng gáy sang canh thì anh em mới tạm chia tay để về lán ngủ nghỉ. Giấc ngủ chập chờn trên cánh võng cũng nhanh chóng trôi qua, khi chúng tôi tỉnh dậy cũng là lúc anh em đã gói ghém hành trang, chuẩn bị cho một ngày làm việc của mình. Chia tay họ, chúng tôi trở về với những bộn bề lo toan cuộc sống, để lại sau lưng bạt ngàn rừng xanh ôm trọn những người đàn ông canh rừng nhỏ bé, đơn côi giữa bốn bề núi thẳm...

D.H