Chuyến đi mang thông điệp ủng hộ và hợp tác của Phó Tổng thống Mỹ

Thứ tư, 25/08/2021 18:06

Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Phó Tổng thống Mỹ KamalaHarris tại trụ sở Chính phủ. 
Ảnh: Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hiện đang ở thăm đến Hà Nội trong chuyến công du đánh dấu lần đầu một Phó Tổng thống đương nhiệm tới thăm Việt Nam, với nhiều mục tiêu được đặt ra.

Việt Nam là điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á của bà Harris trên cương vị nhà lãnh đạo Mỹ, trong mục tiêu thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài của Mỹ tại khu vực, như một phần trong chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Mỹ đã khởi động cách đây một thập kỷ.

Những dấu ấn “đầu tiên” của Phó Tổng thống Harris

Ngay sau khi bà Harris giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, CNN đặt cho bà một danh xưng đầy kiêu hãnh: "Người phá vỡ mọi rào cản".

Suốt sự nghiệp chính trị, bà Kamala Harris không ít lần vượt qua những rào cản và thể hiện tầm vóc của phụ nữ. Như thời gian làm việc tại bang California, nữ chính trị gia gốc Nam Á từng là Biện lý quận nữ đầu tiên trong lịch sử thành phố San Francisco và cũng là người phụ nữ Mỹ da màu và Nam Á đầu tiên ở California đảm nhận chức vụ này. Sau hai nhiệm kỳ, bà Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên được bầu làm Tổng chưởng lý California vào năm 2010. Bà cũng là người phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 2016.

Và vào tháng 11-2020 là bước ngoặt lịch sử. Nước Mỹ vỡ òa cảm xúc khi cựu Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris làm nên lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức vụ phó tổng thống.  Với tư cách là phó tổng thống, bà Harris thậm chí còn có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ trong tương lai. Theo một số chuyên gia, Tổng thống Joe Biden, năm nay đã 78 tuổi, dự kiến sẽ chỉ phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất. Và trong cuộc bầu cử của năm 2024, bà Harris được đánh giá sẽ được ưu ái giành được đề cử của đảng Dân chủ, giúp bà có thêm cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Chính ông Biden cũng từng cho rằng bà Harris là tương lai của đảng Dân chủ, và ông là “cầu nối” để hỗ trợ cho “một thế hệ lãnh đạo mới”.

Sau ngày bầu cử tại Mỹ vào tháng 11-2020, bà Kamala Harris khẳng định: “Tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên trong văn phòng này (phòng Phó Tổng thống) những sẽ không phải là người cuối cùng vì mọi bé gái đang theo dõi tối nay sẽ thấy rằng đây là đất nước của những triển vọng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với bà Kamala Harris những hình ảnh về đất nước,
con người Việt Nam. 
Ảnh: VCG

Khẳng định sự ủng hộ và hợp tác

Bà Harris chính phó Tổng thống đương nhiệm đầu tiên tới thăm Việt Nam, một  chuyến thăm rõ ràng cho thấy cam kết chặt chẽ của Washington về kinh tế và cả an ninh với khu vực Đông Nam Á và thúc đẩy mục tiêu Washington về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

New York Times cho rằng, chuyến thăm này cũng được xem là cơ hội để củng cố quan hệ kinh tế và an ninh với các đối tác quan trọng ở Đông Nam Á như Singapore và Việt Nam, một phần quan trọng trong chiến lược của Tổng thống Biden ở khu vực biển Đông đang tranh chấp.  Cũng theo tờ báo này, chuyến đi này  mang theo thông điệp rõ ràng rằng, các nước hãy tin tưởng vào Mỹ.

Mục tiêu thương mại cũng được chú trọng trong chuyến thăm Việt Nam của bà Harris, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt là chuỗi cung ứng chất bán dẫn khi ngày càng có nhiều công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Việc Mỹ lựa chọn Việt Nam cùng với Singapore cho thấy vị thế ngày càng được nâng tầm của Việt Nam. Theo phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, Alan Chong  Việt Nam và Singapore có vai trò quan trọng với nền kinh tế Mỹ. Việt Nam đang trở nên quan trọng hơn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả chuỗi cung ứng chất bán dẫn, khi ngày càng nhiều công ty chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.

Cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler thậm chí cho rằng, ngay cả khi Phó tổng thống Harris không đưa ra những cam kết lớn về thương mại, chuyến công du lần này của bà cũng tạo nền tảng cho Tổng thống Joe Biden đưa ra những cam kết đó tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nước APEC và ASEAN trong năm nay.

Và thực tế là những nỗ lực của Phó Tổng thống Mỹ nhằm tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn cũng phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Đông Nam Á với tư cách là một đối tác thương mại. Không tự nhiên mà bà Harris gọi Đông Nam Á là một "thị trường sôi động và năng động, sẽ sớm xếp hạng trong số các thị trường lớn nhất trên thế giới" và hy vọng rằng Mỹ sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào thương mại châu Á.

Hiện nay, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì thế, chuyến thăm của bà Harris được kỳ vọng sẽ mang theo thông điệp mới để “khơi thông” những bế tắc hoặc hoặc vạch ra “cách thức mới” thúc đẩy sự hoạt động nhịp nhàng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chung tay chống đại dịch

Không chỉ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương về kinh tế và an ninh, chương trình nghị sự cho thấy, chuyến thăm của bà Harris  còn khẳng định cam kết hỗ trợ của Mỹ dành cho Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh. Trong ngày 25-8, Phó Tổng thống Mỹ đã thông báo sẽ hỗ trợ cho Việt Nam một triệu liều vaccine COVID-19 Của hãng Pfizer/BioNTech.

Trước đó, Mỹ hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna thông qua chương trình COVAX và khoản hỗ trợ 20 triệu USD từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), bên cạnh một số trang thiết bị y tế khác. Đến nay, Mỹ đang là nhà tài trợ vaccine COVID-19 lớn nhất cho Việt Nam.

Mỹ cũng tạo thuận lợi để Việt Nam ký kết các thỏa thuận thương mại với các nhà sản xuất vaccine là Moderna và Pfizer để đảm bảo có ít nhất 80 triệu liều vaccine giúp khoảng 70% dân số được tiêm mũi đầu tiên vào quý đầu tiên của năm 2022.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trường Harvard Kennedy thuộc Đại học Havard Thomas Vallely cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của bà Harris sẽ là “chuyến đi quan trọng nhất mà một quan chức cấp cao của Mỹ thực hiện kể từ thời Tổng thống Bill Clinton - người đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1995”.

KHẢ ANH

Bà Harris Harris, tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, sinh ngày 20-10-1964, là con của những người nhập cư đến Mỹ.

Mẹ bà, Shyamala Gopalan Harris là người nhập cư từ Ấn Độ, tới Mỹ du học. Còn cha bà, ông Donald Haris là một giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Jamaica. Bà Harris lớn lên với sự ảnh hưởng sâu sắc của người mẹ gốc Ấn và nền tảng tư duy từ cha mình. Trong suốt quá trình tranh cử, bà Harris thường xuyên đề cập đến việc những hoạt động đấu tranh vì nhân quyền của cha mẹ đã ảnh hưởng tới bà như thế nào.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Đại học Howard năm 1986 và Đại học Luật Hastings của Đại học California vào năm 1989, bà Harris làm việc tại văn phòng công tố quận Alameda với vị trí trợ lý luật sư. Từ đây, bà bắt đầu sự nghiệp chính trị thành công của mình như hiện nay.