Chuyện đời của người phụ nữ chạy xe ôm

Thứ năm, 27/03/2014 10:50

(Cadn.com.vn) - Vì hoàn cảnh gia đình, gần 20 năm nay, chị Tống Thị Ngọc Hường (44 tuổi, trú 5/4-Lương Ngọc Quyến, P. Thuận Phước, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) hành nghề xe ôm để nuôi mẹ già và em gái, anh trai bệnh tật khiến nhiều người cảm động. Hy sinh tuổi thanh xuân của người con gái, chị trở thành "người đàn ông" thực thụ để lo toan cho cả gia đình...

GIA CẢNH BI ĐÁT

Chúng tôi gặp chị Hường vào một buổi chiều muộn sau khi chị đã đi một “cuốc” xe ôm từ chợ Đống Đa qua chợ Mai ở Q. Sơn Trà về. Tay run run đếm mấy đồng tiền công vừa nhận được từ khách, chị cho biết đây là “cuốc” xe ôm thứ hai trong ngày. Số tiền chị nhận được gần 70 ngàn đồng, chưa đủ để mua thuốc và gạo, thức ăn cho anh và em đang bị bệnh nặng ở nhà. Dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp 4, ẩm thấp nằm sâu trong ngõ hẹp, chị Hường không dám mời chúng tôi vào nhà vì em gái của chị đang bị bệnh thần kinh, thường xuyên lên cơn la hét, đập phá.

Ngồi tạm trước ngõ, chị Hường rưng nước mắt kể về hoàn cảnh gia đình mình. Năm chị 19 tuổi, bỗng nhiên mẹ của chị là bà Nguyễn Thị Tốt bị mù cả hai mắt. Cả gia đình chạy chữa khắp nơi tốn nhiều tiền nhưng đôi mắt của mẹ chị vẫn không thể sáng lại nữa. Gia đình chị có hai người anh trai nhưng một người thì bị bệnh phải đưa vào Bệnh viện Tâm thần, còn một người bị dị tật, ngồi xe lăn đi bán vé số. Bố chị sức khỏe cũng yếu, chỉ biết quanh quẩn ở nhà. Vì vậy cuộc sống gia đình đã khó lại càng khó hơn. Thế là mọi công việc, lo toan tất cả đều đổ dồn lên vai người con gái 19 tuổi lành lặn nhất trong nhà.

“Lúc đó hoàn cảnh gia đình bi đát, chị phải gác lại nhiều ước mơ để ra chợ Đống Đa kiếm nghề mưu sinh nuôi sống cả nhà. Tuy nhiên, vì không có vốn để buôn bán, chị đành làm thuê cho họ. Ai thuê gì làm nấy. Rồi chị mua một chiếc xe đạp để chở hàng thuê. Hồi đó họ thấy con gái đạp xe chở thuê hàng hóa ai cũng ngạc nhiên. Nhưng biết làm sao được, hoàn cảnh gia đình mình như thế nên phải cố gắng kiếm sống nuôi bố mẹ, anh em…” - chị Hường tâm sự.

Chị Hường (bên trái) cùng người em gái đang bị bệnh thần kinh ở nhà.

“HÓA” ĐÀN ÔNG ĐỂ… CHẠY XE ÔM

Đạp xe chở hàng thuê được vài năm, chị Hường tích góp mua được chiếc xe máy cũ với ý định chạy xe ôm. Lúc đầu chở hàng thủy sản cho những người buôn trong chợ Đống Đa, sau đó chị mạnh dạn ra “đứng đường” chở khách. Là con gái, lại chạy xe ôm sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở, đặc biệt chị sợ cánh đàn ông trêu ghẹo. Nghĩ thế nên chị đành cải trang thành đàn ông bằng cách ăn mặc “hầm hố”, đi giày “khủng bố”, tóc cắt ngắn… Nếu nhìn bề ngoài, chưa nghe chị nói thì nhiều người lầm tưởng chị là đàn ông.

“Để hóa thành đàn ông, chị phải đấu tranh tư tưởng nhiều ngày đêm. Nhưng để làm cái nghề này, nếu không hầm hố thì không được em à. Hồi còn trẻ, biết mình là phụ nữ, nhiều người đàn ông khi đi xe thỉnh thoảng trêu chọc, thậm chí có gã khi say khướt đi xe ôm liền giở trò sàm sỡ. Khi thấy mình chống cự, la lên thì họ lại chửi bới. Chị phải cứng rắn, chịu đựng và cảnh giác mới trụ được với nghề…” - chị Hường kể.

Phong cách “hầm hố” giúp chị Hường tự tin hơn với nghề xe ôm.

Nhiều lần bị khách trêu chọc, sàm sỡ, chị Hường cảm thấy tủi hổ, nhiều lúc muốn bỏ nghề. Nhưng cứ nghĩ đến hai anh và đứa em bị bệnh, mẹ già, chị lại lau nước mắt tiếp tục mưu sinh nơi góc phố bằng nghề xe ôm, dẫu biết hiểm nguy luôn rình rập. Nhất là thời gian gần đây, một số đối tượng thuê xe ôm đi những quãng đường vắng rồi tìm cách giết, cướp xe, tài sản. Cứ nghĩ đến tình huống như thế, chị lại chùn bước. Nhưng nếu chị không tiếp tục theo nghề nữa thì cả nhà biết bấu víu vào đâu?

“Cách đây khoảng một tháng, lúc đó khoảng 9 giờ tối, có một khách nam thuê chị chở từ chợ Đống Đa lên khu vực Xuân Thiều (Q. Liên Chiểu). Khi đi đến khu vực đó, người đàn ông này nói chị rẽ vào một cái hẻm vắng. Linh tính mách bảo cùng với đọc báo biết được nhiều trường hợp giết xe ôm cướp tài sản ở những quãng đường vắng, nên chị tìm cách thoát thân. Trên đường chạy xe về nhà mà lòng vẫn cứ sợ. Lỡ mình có mệnh hệ gì thì không biết ai sẽ lo cho em và anh bệnh tật” - chị Hường nghẹn lòng kể.

Chạy xe ôm, nếu ngày nào thuận lợi thì cũng chỉ kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Số tiền này chị phải chi tiêu thuốc men, cơm nước cho cả nhà. Khi chúng tôi đề cập chuyện sao không xây dựng gia đình, chị Hường nói như tâm sự với chính mình: Hoàn cảnh gia đình đã khổ, nếu lấy chồng lại càng khổ hơn. Mà lấy chồng rồi thì ai sẽ nuôi cả gia đình, cũng chắc gì họ lấy mình vì thấy hoàn cảnh quá khổ.

“Cách đây hơn 15 năm, cũng có một vài người đàn ông tìm hiểu, muốn lấy mình về làm vợ nhưng khi thấy gia cảnh mình như thế họ cũng ngại, mình cũng tủi và không muốn làm khổ họ nên... Quay đi quay lại bây giờ đã ngoài 40 tuổi, già rồi. Bây giờ chị chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục chạy xe ôm kiếm tiền nuôi anh, em đang bị bệnh thôi” - chị Hường tâm sự.

Đang nói chuyện thì điện thoại của chị Hường đổ chuông. Chị nghe máy, cho biết đó là khách buôn bán hải sản ở chợ Đống Đa nhờ chị chở về nhà bên Sơn Trà. Vậy là chị cáo lỗi, lật đật dắt chiếc xe máy lên đường...

Nguyễn Tuấn - Quang Bình